Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp chủ động cỡ nào trong CPTPP?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Doanh nghiệp chủ động cỡ nào trong CPTPP?

Ngọc Lan

(TBKTSG Online) – Lãnh đạo một số cơ quan quản lý nhà nước cho rằng, doanh nghiệp Việt vẫn đi bên lề Hiệp định CPTPP đã có hiệu lực chính thức từ đầu 2019. Trong khi doanh nghiệp nói họ không thụ động ngồi chờ.

Doanh nghiệp chủ động cỡ nào trong CPTPP?
Các quy định xuất xứ trong CPTPP là rào cản ban đầu cho doanh nghiệp Việt khi tiếp cận thị trường mới nhưng đồng thời là cơ hội cho doanh nghiệp thay đổi căn bản về cách thức sản xuất. Ảnh: Vnexpress

Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) với 11 nước thành viên tham gia được thực thi trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang có dấu hiệu giảm sút, chủ nghĩa bảo hộ có xu hướng gia tăng. Tuy nhiên, đây là một hiệp định thương mại rất lớn, trong đó có tới 3 nước mà Việt Nam lần đầu có quan hệ FTA như Canada, Peru và Mexico. Việc ký CTTPP với các quốc gia như Nhật, Canada, Chile, Peru, Mexico với tỉ lệ cắt giảm thuế quan cho hàng hóa Việt ở mức 77% đến 94% cho thấy, cơ hội cho doanh nghiệp Việt là rất nhiều.

Để hướng đến những tiêu chuẩn cao hơn trong CPTPP, trong khuôn khổ “Diễn đàn đối thoại về kinh tế tư nhân” do Chính phủ và Ban Kinh tế trung ương phối hợp tổ chức (2-5) tại Hà Nội, Ban tổ chức đã dành riêng một phiên để nói về doanh nghiệp và sự chủ động với CPTPP.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, thành viên chủ chốt của đoàn đàm phán CPTPP nói rằng sức ép lớn nhất là doanh nghiệp phải tự đổi mới chính mình, coi cạnh tranh là đương nhiên. Đặc biệt phải chuyển từ bị động, phòng ngự sang tích cực, chủ động. Ông Khánh nói tất nhiên nhà nước luôn đồng hành cùng doanh nghiệp nhưng không làm thay doanh nghiệp.

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cũng đồng tình rằng: khả năng đáp ứng quy tắc xuất xứ và việc vượt qua các rào cản kỹ thuật đang cản trở sự chủ động của doanh nghiệp Việt trong CPTPP.

Cộng đồng doanh nghiệp tham gia phiên hội thảo này bị các cơ quan quản lý phê bình về sự thiếu chủ động, trông chờ vào sự hỗ trợ của cơ quan Nhà nước, khác hẳn tư thế lắng nghe doanh nghiệp như thường thấy trong các cuộc hội thảo khác.

Ông Nguyễn Nam Hải, Vụ trưởng Vụ đánh giá thẩm định và giám định công nghệ (Bộ KH-CN) cho rằng khi tham gia CPTPP, ngoài bảo vệ thị trường trong nước cần có cách thức tiếp cận tránh sự thụ động. “Năm 2018, chúng tôi đã chủ động nắm bắt các quy định mang tính dự thảo của các nước trong CPTPP đối với ngành dệt may”.

Cuộc tranh cãi của các cơ quan quản lý với doanh nghiệp xoay quanh sự chủ động trong CPTPP khá quyết liệt. Nó xuất phát từ việc ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội dệt may – ngành hưởng lợi đồng thời chịu tác động mạnh nhất trong CTTPP nói về những cản trở của doanh nghiệp dệt may khi tham gia hiệp định này.

Theo ông Giang, dệt may là ngành hàng có những tác động khác biệt nhất trong hiệp định, như chịu quy tắc xuất xứ từ sợi. Nghĩa là sản phẩm dệt may xuất khẩu đến các nước CPTPP để được hưởng thuế suất ưu đãi 0% (so với mức 10% trở lên của các hiệp định khác) phải được sản xuất tại Việt Nam hoặc các nước trong CPTPP. Nhưng 60% nguyên phụ liệu dệt may lại sản xuất ở Trung Quốc, ngoài CPTPP. Và xuất khẩu sợi của Việt Nam thậm chí còn lớn hơn xuất khẩu vải thành phẩm, trong tổng số kim ngạch 36,2 tỉ đô la Mỹ (2018).

Sở dĩ ngành dệt may Việt Nam dẫn đầu về xuất khẩu nhưng chưa “chạm” đến ngưỡng ưu đãi trong hiệp định vì chính sách của Nhà nước, nhất là các địa phương không hỗ trợ ngành này. Ngành dệt nhuộm đi đến đâu cũng bị địa phương “xua đuổi” hoặc hạ tầng không đủ lớn để phát triển chuỗi doanh nghiệp dệt may.

“Mỗi địa phương một kiểu, không có sự thống nhất nên doanh nghiệp chỉ được hưởng ít ở CPTPP”, ông Giang nói.

Ông Nam Hải thì cho rằng, do chiến lược phát triển kinh tế-xã hội ở mỗi địa phương khác nhau, ví như Quảng Ninh chọn du lịch là ngành mũi nhọn thì sẽ không chào đón công nghiệp dệt may.

Còn Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho rằng, đã có quy chuẩn quốc gia về quy hoạch dệt nhuộm và 10 thông số kiểm soát nước thải dệt nhuộm nhằm bảo vệ môi trường. Các nước như Trung Quốc, Ấn Độ tiêu chí kiểm soát còn chặt chẽ hơn. Do vậy, việc của doanh nghiệp là phải chủ động thích ứng chứ không thay đổi tiêu chuẩn quy định đã đặt ra để bảo vệ lợi ích riêng mỗi ngành được. Ông Khánh khẳng định, những quy định khắt khe trong CPTPP để hướng doanh nghiệp tới việc thay đổi cơ cấu sản xuất hiện đại hơn, quản trị doanh nghiệp thích ứng hơn cho dù thời kỳ đầu có những lúng túng.

Tổng giám đốc Công ty cổ phần May 10, Thân Đức Việt cũng thừa nhận “bất cứ một mô hình sản xuất nào cũng có chu kỳ và sự phát triển để thích ứng. May 10 đã làm gia công xuất khẩu cho Châu Âu hàng chục năm nay là đơn vị ít ỏi xuất khẩu theo hình thức FOB (65%)”.

Việc xuất khẩu theo chuỗi từ sợi tới nhuộm sợi, vải, may… là một quá trình không thể nhanh hay đốt cháy giai đoạn. Hiện nay, trong ngắn hạn, CPTPP có cho phép sử dụng hai nguồn nguyên liệu ngắn hạn là nguồn cung thiếu hụt (nhập khẩu từ các nước ngoài CPTPP) và nguồn cung vải trong nội khối (Nhật Bản, Mexico). Do vậy, doanh nghiệp chọn nguồn cung nào là hoàn toàn chủ động. Và May 10 chọn thị trường Canada rộng lớn để tiếp cận, chứ không ỷ lại vào sự trợ giúp của Chính phủ.

Vị trí đặt bình chọn

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới