Thứ Ba, 19/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp chưa tận dụng được ưu đãi xuất khẩu gạo hữu cơ, gạo tăng cường vi chất

Trung Chánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Doanh nghiệp xuất khẩu gạo hữu cơ, gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng không cần phải đáp ứng điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo hay nói cách khác được tự do xuất khẩu. Tuy nhiên, họ vẫn chưa tận dụng được ưu đãi này khi việc xuất khẩu còn rất hạn chế.

Doanh nghiệp chưa tận dụng được ưu đãi trong xuất khẩu gạo hữu cơ, gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng. Ảnh minh hoạ: Viễn Phú.

Bộ Công Thương vừa có văn bản gửi các Bộ, ngành và địa phương về việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 107/2018/NĐ-CP ngày 15-8-2018 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo.

Theo đó, đối với xuất khẩu gạo hữu cơ, gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng, Bộ Công Thương cho biết, đến tháng 12-2019 mới phát sinh xuất khẩu loại gạo này do Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Đại Dương Xanh thực hiện, nhưng số lượng rất nhỏ. Còn hiện tại, loại gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng chỉ có Công ty cổ phần thương mại Gạo Thịnh thực hiện xuất khẩu.

Thống kê của Tổng cục Hải quan, 10 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu chủng loại gạo hữu cơ, gạo lứt và gạo huyết rồng đạt gần 49.500 tấn với trị giá trên 28 triệu đô la Mỹ, giảm 32,3% về lượng và 13% về giá trị so với cùng kỳ.

Bộ Công Thương cho biết, cả hai doanh nghiệp nêu trên đều đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo. Trong khi đó, thương nhân xuất khẩu chủng loại gạo hữu cơ, gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng được ưu đãi từ Nghị định 107, tức không cần được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo của Bộ Công Thương vẫn được xuất khẩu.

Ưu đãi nêu trên trong Nghị định 107 được đưa ra nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu chủng loại gạo hữu cơ, gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng. Tuy nhiên, Bộ Công Thương nhận xét, doanh nghiệp vẫn chưa tận dụng được ưu đãi từ nghị định 107.

Trước đó, trong Nghị định 109/2010/NĐ-CP về điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo bắt buộc doanh nghiệp xuất khẩu gạo hữu cơ, gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng phải đáp ứng điều kiện về kho chứa và cơ sở xay xát, chế biến lúa gạo.

Tuy nhiên, quy định nêu trên trong Nghị định 109 từng bị doanh nghiệp phản đối vì gây cản trở hoạt động xuất khẩu đối với những doanh nghiệp xuất khẩu ở phân khúc gạo hữu cơ, gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng.

Cụ thể, vào thời điểm năm 2014, ông Võ Minh Khải, Giám đốc Công ty Viễn Phú- đơn vị sản xuất gạo hữu cơ- từng phản ánh, đơn vị này không xin được giấy phép xuất khẩu gạo. Bởi, quy định tại nghị định 109, thì doanh nghiệp muốn được cấp phép phải có ít nhất một kho chứa với sức chứa tối thiểu 5.000 tấn và ít nhất một nhà máy xay xát công suất tối thiểu 10 tấn/giờ.

Quy định nêu trên vào thời điểm lúc bấy giờ đã đẩy Công ty Viễn Phú rơi vào nguy cơ “bể” hợp đồng xuất khẩu gạo hữu cơ với các đối tác đến từ Nga và châu Âu.

Xuất phát từ những “nút thắt” gây cản trở nêu trên, Chính phủ đã ban hành Nghị định 107/2018 thay thế Nghị định 109/2010 về điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo theo hướng bãi bỏ quy định bắt buộc về kho chứa và công suất nhà máy chế biến đối với thương nhân xuất khẩu gạo hữu cơ, gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng.

Tuy nhiên, như đã nêu ở trên, Bộ Công Thương đánh giá rằng doanh nghiệp vẫn chưa tận dụng được ưu đãi từ Nghị định 107 hay nói cách khác xuất khẩu gạo hữu cơ, gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng vẫn còn rất khiêm tốn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới