Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp CNTT Việt Nam muốn tăng cường hợp tác với Nhật

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Doanh nghiệp CNTT Việt Nam muốn tăng cường hợp tác với Nhật

Vân Ly

Doanh nghiệp CNTT Việt Nam muốn tăng cường hợp tác với Nhật
Doanh nghiệp mong Nhật Bản sẽ tạo điều kiện cho ngành CNTT Việt Nam. Ảnh minh họa: Vân Ly

(TBKTSG Online) – Doanh nghiệp Việt Nam đề nghị Chính phủ Nhật Bản tạo điều kiện cho kỹ sư, chuyên gia CNTT của Việt Nam sang quốc gia này làm việc dễ dàng hơn, nhất là về mặt thủ tục giấy tờ, cấp thị thực nhập cảnh…

Đó là đề xuất của các doanh nghiệp CNTT Việt Nam tại buổi tọa đàm doanh nghiệp Việt Nam – Nhật Bản diễn ra vào sáng nay (17-1), trong khuôn khổ chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tới Việt Nam từ ngày 16 đến 17-1.

Cụ thể, tại tọa đàm, ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch Công ty Phần mềm FPT (FPT Software), cho biết cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tập trung vào chuyển đổi số (digital transformation), internet kết nối mọi vật (IoT) đang cần hàng trăm nghìn kỹ sư CNTT; và Nhật Bản hiện đang rất thiếu nguồn lực này. Phần lớn các hệ thống CNTT của Nhật Bản cần xây mới, cần nâng cấp để đáp ứng cho sự cạnh tranh trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra này.

Phát biểu tại tọa đàm, ông Tiến mong Nhật Bản sẽ chọn Việt Nam cho công cuộc chuyển đổi số nêu trên. Và ông tin rằng Việt Nam sẽ đáp ứng được yêu cầu của Nhật Bản.

“Chúng tôi mong muốn chính phủ Nhật Bản tạo điều kiện cho các chuyên gia, kỹ sư CNTT Việt Nam sang Nhật Bản làm việc dễ dàng hơn, đặc biệt là về visa cả trong ngắn hạn và dài hạn. Chúng tôi cũng mong Chính phủ Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ đào tạo kỹ sư CNTT cho Việt Nam như trước đây và tiếp tục mở rộng chương trình cho sinh viên Việt Nam thực tập tại Nhật Bản…”, ông Tiến nói.

Sở dĩ ông Tiến đề xuất như trên bởi FPT mở công ty CNTT 100% vốn Việt Nam đầu tiên tại Nhật Bản từ 2005. Hiện FPT Nhật Bản đã tiệm cận với 50 công ty cung cấp dịch vụ CNTT lớn nhất tại Nhật Bản, bao gồm các công ty tên tuổi như Fujitsoft, DTS, Systena… Năm 2016, FPT Nhật Bản đạt doanh thu 2.847 tỉ đồng, tăng 51% so với năm 2015, chiếm 47% tổng doanh thu từ thị trường nước ngoài của FPT.

Không chỉ FPT và ngành CNTT, các doanh nghiệp Việt Nam trong nhiều ngành nghề khác cũng mong muốn hợp tác với các doanh nghiệp Nhật Bản.

Ông Nguyễn Thế Cường, Phó tổng giám đốc VEC – doanh nghiệp nòng cốt trong đầu tư phát triển đường cao tốc tại Việt Nam, cho hay rất mong muốn được hợp tác với các doanh nghiệp Nhật Bản trong lĩnh vực phát triển đường cao tốc. Còn đại diện của Vigracera thì mong được đón nhận các doanh nghiệp Nhật đến thuê mặt bằng tại các khu công nghiệp do doanh nghiệp này phát triển…

Cũng tại buổi tọa đàm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, hiện nay Nhật Bản là nước viện trợ ODA lớn nhất, là nước có vốn đầu tư FDI đứng thứ 2 trong các quốc gia đầu tư vào Việt Nam, là quốc gia có khách du lịch đứng thứ 2, là đối tác thương mại đứng thứ 4 của Việt Nam.

“Việt Nam mong muốn Nhật Bản đầu tư vào các lĩnh vực, các dự án gắn với tăng trưởng xanh, công nghiệp hóa, phát triển hạ tầng chất lượng cao, hợp tác công tư; các dịch vụ chất lượng cao đặc biệt là tài chính, ngân hàng, du lịch; nông nghiệp chất lượng cao; công ghiệp chế tạo; tham gia cổ phẩn hóa doanh nghiệp nhà nước”, ông Phúc nói.

Đáp lại, Thủ tướng Shinzo Abe cho rằng, hiện nay ASEAN là trung tâm tăng trưởng của thế giới, Việt Nam đang nằm ở trung tâm này. Hiện có hơn 1.600 doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam. Vì thế, ông cũng đề nghị Chính phủ Việt Nam tăng cường hỗ trợ để các doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động tốt tại thị trường đang tăng trưởng này.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới