Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp có nợ xấu không dễ vay tiếp

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Doanh nghiệp có nợ xấu không dễ vay tiếp

T.Triều

Doanh nghiệp có nợ xấu không dễ vay tiếp
Các ngân hàng rất dè dặt cho vay mới đối với những doanh nghiệp đang có nợ xấu. Ảnh: Kinh Luân.

(TBKTSG Online) – Dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành công văn 7558 cho phép các ngân hàng xem xét cho vay tiếp đối với các doanh nghiệp có nợ xấu nhưng các ngân hàng mà Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online tiếp xúc cho biết không dễ dàng gì để quyết định cho một doanh nghiệp đã có nợ xấu vay tiếp.

>>Khó giải ngân vốn mới cho doanh nghiệp có nợ xấu

>>TPHCM: Doanh nghiệp có nợ xấu vẫn được vay mới

Công văn 7558 ban hành ngày 14-10-2013 quy định doanh nghiệp có nợ xấu tại ngân hàng nhưng có phương án sản xuất – kinh doanh mới có thể được ngân hàng xem xét tính khả thi, hiệu quả của dự án để tính toán cho vay. Với chủ trương này, các doanh nghiệp sẽ có cơ hội xoay xở nguồn vốn, nhằm phục vụ cho dự án sản xuất – kinh doanh. Quy định này chỉ còn được áp dụng trong tháng 12-2013.

Ông Phan Huy Khang, Tổng giám đốc Ngân hàng Sacombank, cho biết đến nay vẫn chưa có doanh nghiệp nào có nợ xấu đề nghị ngân hàng cho vay dự án khác. “Ngân hàng rất muốn hỗ trợ các doanh nghiệp nhưng vấn đề là doanh nghiệp có dự án tốt hay không. Và dĩ nhiên khi xem xét cho vay theo diện này thì các ngân hàng sẽ xét rất kỹ”, ông Khang nói.

Ông cho rằng quy định này giúp cho các doanh nghiệp đang gặp khó khăn có thể vay vốn tiếp, nhưng việc có thực hiện được hay không còn phải tùy thuộc các doanh nghiệp.

Ông Đặng Bảo Khánh, Tổng giám đốc Ngân hàng SeABank, cho biết ông cũng chưa nhận được hồ sơ nào xin vay tiếp theo dạng này, bởi vì không phải doanh nghiệp nào đang có nợ xấu cũng muốn tiếp tục mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, khi xem xét cho vay những khoản như vậy, ngân hàng cũng phải xem rất kỹ lưỡng, để nếu cho vay không đạt hiệu quả thì lại tiếp tục dẫn đến nợ xấu cho ngân hàng.

Hơn nữa, ông Khánh cho biết những khoản vay này sẽ phải báo cáo NHNN, nếu nó không hiệu quả thì chắc chắn NHNN sẽ đặt dấu hỏi lớn cho ngân hàng.

Phó tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần có trụ sở tại TPHCM thẳng thắn cho biết rằng ông không cho vay theo công văn này, vì doanh nghiệp đã có nợ xấu rồi thì làm sao mà dám cho vay tiếp nữa. Tuy nhiên, ông cho rằng công văn này đã tạo ra một cơ chế giúp ngân hàng cho vay tiếp các doanh nghiệp đang gặp khó thông qua kênh bao thanh toán.

Ví dụ, một doanh nghiệp đang có nợ xấu nhưng ký được một đơn hàng tốt với một công ty lớn chẳng hạn. Thường đơn hàng ký sẽ phải trả chậm khoảng 3 tháng, doanh nghiệp sau khi ký, giao hàng sẽ đem hợp đồng này đến bán lại cho ngân hàng với một tỷ lệ chiết khấu, và lấy tiền về liền để xoay xở cho những hoạt động khác. Trước đây, nếu không có công văn 7558 thì các ngân hàng sẽ khó làm theo hình thức này, thì nay việc thực hiện sản phẩm bao thanh toán như trên đã dễ hơn và vị này kiến nghị tiếp tục giữ nguyên cơ chế này sang năm sau dành riêng cho hoạt động bao thanh toán của ngân hàng.

Ông nói: “Cho vay qua bao thanh toán thì được chứ cho vay khoản mới cho các dự án kinh doanh mới của các doanh nghiệp có nợ xấu thì không thể nào”.

Trước đó, phó tổng giám đốc của một ngân hàng nhỏ cũng cho Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online biết rằng ông không quan tâm đến công văn này, vì doanh nghiệp nào có nợ xấu mà có thể xử lý tài sản đảm bảo, ngân hàng sẽ xử lý, chứ cho vay nữa sẽ rất rủi ro. Ông cho rằng quy định trên được đưa ra để tạo phương tiện cho ngân hàng hỗ trợ các doanh nghiệp thực sự có năng lực nhưng đang gặp khó khăn, nếu lạm dụng thì sau đó ngân hàng phải gánh trách nhiệm.

Trong thời gian qua, đề tài thảo luận về tiếp tục cho vay đối với doanh nghiệp có nợ xấu, đã thu hút nhiều ý kiến đóng góp của bạn đọc. Bạn đọc và là Luật sư Lê Trọng Dũng, Công ty FaroLaw Việt Nam, cho rằng việc áp dụng chính sách này cũng có thể bị hiểu rằng, NHNN đang bật đèn xanh cho hoạt động đảo nợ. Dường như giải pháp mà NHNN đưa ra không chỉ hướng đến việc giúp đạt được mục tiêu 12% tăng trưởng tín dụng, mà còn như một biện pháp kỹ thuật giúp các ngân hàng giảm thiểu nợ xấu thông qua việc đảo nợ. Bởi, cho phép ngân hàng giải ngân vốn mới đối với doanh nghiệp có nợ xấu, sẽ không tránh khỏi tình trạng ngay sau khi được ngân hàng giải ngân khoản vay mới, doanh nghiệp sẽ trích một phần tiền đó để trả món nợ cũ cho chính ngân hàng cho vay mới hoặc trả nợ cũ cho một ngân hàng khác. Cả doanh nghiệp và ngân hàng đều có lợi.

Tuy nhiên, nếu vì thành tích, vì lợi trước mắt mà lợi dụng chính sách tiến hành một cách đại trà, không thẩm định có chọn lọc, thì việc ngân hàng giải ngân vốn mới đối với doanh nghiệp có nợ xấu có nguy cơ trở thành vỏ bọc mới cho nợ xấu. Việc giải ngân khoản vay mới chỉ như muối bỏ bể, nợ xấu này nối tiếp nợ xấu khác, nếu kinh tế không khá hơn, doanh nghiệp kinh doanh tiếp tục thua lỗ. Khi đó, hiện tượng nợ xấu bị che giấu, bị làm méo mó, chất lượng tín dụng sai lệch sẽ là rào cản lớn cản trở việc xử lý nợ xấu.

Do đó, chính sách cho phép ngân hàng giải ngân vốn mới đối với doanh nghiệp có nợ xấu chỉ nên đáp ứng với các doanh nghiệp có việc quản trị, khả năng tài chính lành mạnh, chịu sự tác động khách quan của khủng hoảng kinh tế và thật sư đã có “sức đề kháng” tốt trước những sóng gió trong thời gian qua. Để làm được điều đó, thì việc hướng dẫn chi tiết của NHNN về tiêu chí, điều kiện thực hiện chính sách này cùng với cách thức xác định tỷ lệ vốn vay trả nợ, tỷ lệ vốn vay đưa vào sản xuất kinh doanh là điều cần thiết.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới