Thứ Ba, 16/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp có thể sẽ chết nếu chậm chuyển đổi số

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Doanh nghiệp có thể sẽ chết nếu chậm chuyển đổi số

Vân Ly

(TBKTSG Online) – Hiện nay chuyển đổi số (số hóa mọi quy trình hoạt động của doanh nghiệp) đang là xu hướng trên thế giới. Nhưng tỷ lệ doanh nghiệp Việt chưa bắt đầu chuyển đổi số cao gấp 1,5 lần so với thế giới.

Có trên 70% số doanh nghiệp Việt thấy chuyển đổi số là xu hướng tất yếu. Nhưng 70% trong số đó không biết chính xác hiện trạng hệ thống công nghệ của doanh nghiệp của mình như thế nào và bắt đầu quá trình chuyển đổi số từ đâu.

Doanh nghiệp có thể sẽ chết nếu chậm chuyển đổi số
Có 3000 cá nhân, doanh nghiệp tham dự để tìm hiểu về công nghệ mới, dịch vụ chuyển đổi số của FPT tại ngày hội FPT Techday 2019. Ảnh: Vân Ly

Thông tin trên ghi nhận tại Ngày hội Công nghệ FPT 2019 được tập đoàn này tổ chức vào ngày 21-11 và thu hút khoảng 3.000 người tham dự.

Ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng giám đốc Tập đoàn FPT cho biết, tại Việt Nam có một số doanh nghiệp đã có những bước đi đầu tiên trong chuyển đổi số. Nhưng cũng có không ít doanh nghiệp chưa bắt đầu hành trình chuyển đổi số.

“Tỷ lệ doanh nghiệp ở Việt Nam chưa bắt đầu chuyển đổi số khá lớn. Con số này ở Việt Nam đang gấp khoảng 1,5 lần so với thế giới. Và phần lớn trong số đó thừa nhận rằng, vấn đề lớn nhất là họ chưa biết bắt đầu từ đâu,” ông Khoa nói.

Và ông Khoa cũng cho biết, ở vị trí điều hành một doanh nghiệp, ông hiểu rằng thật không dễ để một lãnh đạo doanh nghiệp quyết định con đường chuyển đổi số khi còn rất nhiều thứ ưu tiên trước mắt cần phải thực hiện như: tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận… Song ông cũng cho rằng nếu các doanh nghiệp không chuyển đổi số sẽ mất khả năng cạnh tranh và có thể chết. Thực tế, đã có không ít doanh nghiệp tên tuổi đã bị biến mất khỏi thị trường vì lý do chậm trễ chuyển đổi số.

Theo số liệu của FPT, sau khi làm việc với các doanh nghiệp Việt cho thấy, có tới trên 70% số doanh nghiệp nhận thức rằng chuyển đổi số là xu hướng tất yếu và cần phải triển khai. Nhưng có tới 70% trong số các doanh nghiệp ấy không biết chính xác hiện trạng hệ thống công nghệ của doanh nghiệp của mình như thế nào, và bắt đầu quá trình chuyển đổi số từ đâu.

Gần đây, FPT đã tiếp xúc với một công ty Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất và thương mại. Công ty này đã có 15 năm hoạt động. Trong 10 năm đầu tiên, công ty đạt tốc độ tăng trưởng rất cao, trung bình 50%/năm và dễ dàng vươn lên chiếm lĩnh vị trí số một thị trường. Nhưng rồi các đối thủ cạnh tranh nhảy vào cuộc đua. Họ tận dụng ưu thế về công nghệ, nắm vững khách hàng, tối ưu hóa hoạt động sản xuất, để rồi từ đó tăng tốc vượt lên. Tốc độ phát triển của công ty đã chững lại trong 5 năm gần đây, giảm xuống chỉ còn 15% trong năm ngoái. Tệ hại hơn lợi nhuận của công ty cũng suy giảm đáng kể. Lợi nhuận của năm tài chính 2018 chỉ còn tương đương 55% lợi nhuận của năm 2013. Tất cả sự “tụt lùi” trên đến từ việc không chuyển đổi số.

FPT đã hỗ trợ họ chuyển đổi số và kết quả là khách hàng đó đã rút ngắn được 15% thời gian thực hiện quy trình từ đặt hàng đến thanh toán và còn có thể rút ngắn được hơn nữa trong thời gian tiếp theo. Năng suất lao động đã tăng 10% sau quá trình triển khai thí điểm.

FPT cho biết, câu chuyện của khách hàng trên đây không phải là đặc biệt và duy nhất ở Việt Nam. Trong câu chuyện này, không ít doanh nghiệp Việt ít nhiều thấy có một chút bóng dáng mình trong đó.

Chuyển đổi số không nhằm mục đích gì khác ngoài việc giúp các doanh nghiệp thay đổi, tăng tính cạnh tranh, thúc đẩy phát triển hơn nữa. Theo FPT, chuyển đổi số là sự gắn kết không thể tách rời của chuyển đổi mô hình kinh doanh – chuyển đổi hạ tầng CNTT…

Chuyển đổi số còn chờ chính sách và thay đổi tư duy của lãnh đạo doanh nghiệp

Hiện vấn đề gặp phải của các doanh nghiệp Việt trong chuyển đổi số là thiếu sự đồng lòng của các bộ phận. Là một ngân hàng triển khai khá mạnh về chuyển đổi số, ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPbank) chia sẻ kinh nghiệm làm sao để có sự đồng lòng trong doanh nghiệp.

Ông Hưng cho rằng mảng kinh doanh và công nghệ cần ngồi với nhau để xem vướng ở đâu để cùng tháo gỡ. Doanh nghiệp không nên nghe quá vào tư vấn vì nhà cung cấp luôn luôn mong muốn bán được nhiều giải pháp nhất. Nhưng doanh nghiệp phải biết mình muốn gì và có bao nhiêu tiền.

“TPbank có những dự án tương tự như những ngân hàng bạn với chi phí chỉ bằng 2/3. Chỉ tiêu cao nhất là chỉ tiêu lợi nhuận thì cần phải đảm bảo làm sao để hài hòa giữa lợi nhuận và chuyển đổi số. Chuyển đổi số là lợi nhuận tích lũy cho 3-5 năm sau và cần phải đầu tư. Lợi nhuận đến từ tăng doanh thu và giảm chi phí. Chuyển đổi số giúp giảm chi phí và tạo cơ hội tăng doanh thu trong tương lai,” ông Hưng nói.

Ông Hưng cũng cho hay trong quá trình chuyển đổi số, dịch vụ tài chính số là quan trọng. Và Tpbank mong muốn được hợp tác với các công ty Fintech (công nghệ tài chính) và thậm chí ngân hàng này còn ươm mầm cho các công ty Fintech.

Song ông Hưng cho hay, ông sợ nhất là khi làm xong một ý tưởng, một dự án Fintech chạy ngon rồi thì cơ quan quản lý bảo không được. Bởi hiện luôn có một khoảng trống giữa pháp luật và thực tế.

Theo ông Dương Dũng Triều, Chủ tịch công ty FPT IS cho rằng triển khai ngân hàng số tại Việt Nam còn khó do rào cản pháp lý. Ngân hàng Nhà nước ủng hộ cho triển khai ngân hàng số nhưng hiện việc kiểm soát rủi ro đang là vấn đề và chưa có chính sách để triển khai mô hình sandbox cho Fintech. Thêm nữa lãnh đạo các ngân hàng đang nghĩ là bỏ tiền vào ngân hàng số nhưng lợi nhuận chưa tương xứng thì có nên đầu tư không và họ còn chần chừ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới