Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp còn “mơ màng” về các FTA

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Doanh nghiệp còn “mơ màng” về các FTA

Văn Nam

Doanh nghiệp còn “mơ màng” về các FTA
Đại diện các doanh nghiệp tham dự hội thảo về TPP tại TPHCM sáng nay. Ảnh: Văn Nam

(TBKTSG Online) – Khảo sát tại TPHCM năm 2015 cho kết quả đáng lo ngại: chỉ có 9% doanh nghiệp nắm kỹ về Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Nếu việc khảo sát này thực hiện ở các tỉnh thành khác thì kết quả sẽ còn thấp hơn. Điều này cho thấy mức độ quan tâm của doanh nghiệp đến các hiệp định thương mại còn quá thấp, không hiểu hoặc hiểu mơ màng về FTA.

Theo một khảo sát do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại TPHCM (VCCI) trình bày tại hội thảo “TPP – Cơ hội và thách thức tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu Việt Nam” do Bộ Công Thương tổ chức sáng nay, 15-4, kết quả đáng lo ngại là có đến 91% doanh nghiệp ít hiểu biết về TPP. Trong đó đến 20% doanh nghiệp chưa từng nghe về TPP, 45% doanh nghiệp có nghe nhưng không biết gì sâu, 26% doanh nghiệp từng tìm hiểu sơ sơ.

Theo đại diện VCCI, các doanh nghiệp lý giải rằng do tình hình kinh tế khó khăn, họ đang phải gồng mình để lo cho sự tồn tại của doanh nghiệp nên ít có thời gian tìm hiểu về TPP. Nhiều doanh nghiệp có chung tâm lý là "tới đâu hay tới đó!"

Theo Cục Xuất nhập khẩu thuộc Bộ Công Thương, thời gian qua tỷ lệ tận dụng ưu đãi từ các FTA mà Việt Nam đã tham gia hiện nay rất thấp, trung bình khoảng 35%, đồng nghĩa với việc số hàng hóa còn lại phải chịu thuế cao hơn so với mức thuế ưu đãi từ các FTA là 0 -5%.

Một trong những lý do chính là doanh nghiệp chưa hiểu biết đầy đủ về quy tắc xuất xứ nên không tận dụng được ưu đãi thuế quan mà các FTA mang lại.

Theo đại diện Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, Việt Nam đang tham gia 16 hiệp định thương mại (FTA) và dự kiến sẽ tăng lên 17 FTA vào tháng 5 tới vì cuối tháng 4 này dự kiến sẽ diễn ra vòng đầu tiên đàm phán hiệp định thương mại song phương Việt Nam – Cu Ba.

Với các hiệp định đã thực thi và đang đàm phán, dự kiến từ 3 đến 5 năm tới, tất cả các FTA giữa Việt Nam với các nước sẽ được áp dụng.

Đối với TPP, dự kiến sẽ được áp dụng từ năm 2018, việc tuân thủ quy tắc xuất xứ là yếu tố then chốt quyết định việc hưởng ưu đãi thuế quan, nếu các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam không đáp ứng bộ quy tắc xuất xứ thì việc hưởng thuế quan ưu đãi trở nên vô nghĩa.

Ví dụ đối với ngành dệt may, TPP thể hiện quy tắc xuất xứ “từ sợi trở đi” (yarn forward) có nghĩa là từ sợi tạo ra vải thô, vải thành phẩm và sau đó là hàng may mặc hoàn thiện, tất cả các công đoạn này phải sản xuất trong phạm vi khu vực TPP.

Do vậy, đại diện của Cục Xuất nhập khẩu nhận xét rằng, với các FTA cũ mà tỷ lệ tận dụng lợi thế còn thấp thì với các FTA mới, trong đó có TPP, nếu không có các chương trình tập huấn kịp thời và thường xuyên cho doanh nghiệp, bản thân doanh nghiệp không chủ động cập nhật thông tin và trang bị kiến thức về các FTA thì việc cải thiện tỷ lệ tận dụng ưu đãi FTA, nâng giá trị gia tăng trong sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam sẽ không khả thi.

Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương, cho biết khi TPP có hiệu lực thì hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sẽ được phân bổ đồng đều hơn, đa dạng thị trường hơn, tránh phụ thuộc vào một thị trường nào đó, nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam được giảm thuế nhập khẩu vào các thị trường lớn.

Bên cạnh đó, môi trường đầu tư của Việt Nam chắc chắn sẽ được cải thiện nhiều hơn trong thời gian tới khi TPP có hiệu lực, và khi môi trường đầu tư được cải thiện thì dòng vốn FDI sẽ tăng và thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo ra công ăn việc làm cho người Việt Nam. 

TPP là hiệp định thương mại tự do giữa 12 nền kinh tế hai bờ Thái Bình Dương gồm Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Hoa Kỳ và Việt Nam. Hiệp định được ký kết vào ngày 4-2-2016 và dự kiến có hiệu lực vào năm 2018.

Còn theo ông Trần Ngọc Liêm, Phó Giám đốc VCCI, xuất khẩu của Việt Nam vào năm 2025 do tận dụng TPP dự kiến tăng thêm 28,4% (so với việc không có TPP) với kim ngạch xuất khẩu dự kiến đạt 307 tỉ đô la Mỹ với các thị trường lớn là Hoa Kỳ, Nhật Bản…

Tuy nhiên, theo ông Liêm, để tận dụng được lợi thế TPP, các doanh nghiệp trong nước cũng cần phải lưu ý nhiều hơn về tiêu chuẩn sử dụng lao động, môi trường, nhiều ưu đãi trong nước sẽ không còn (không gian chính sách ưu đãi thu hẹp). Thậm chí, bên cạnh các ưu đãi về thuế, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải nắm rõ các rào cản thương mại, các biện pháp phòng vệ các nước tiếp tục áp dụng để bảo vệ ngành sản xuất của họ.

Xem thêm:

>> Bộ Công Thương: Cơ hội xuất khẩu còn nhiều từ các FTA

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới