Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp cũng liên can trong việc hối lộ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Doanh nghiệp cũng liên can trong việc hối lộ

Tư Hoàng

Doanh nghiệp cũng liên can trong việc hối lộ
Doanh nghiệp bị coi là đã chủ động tiếp tay cho tham nhũng. Ảnh TH

(TBKTSG Online) – Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói để chống tham nhũng hiệu quả cần xử lý nghiêm các công chức nhũng nhiễu, đòi hối lộ; mặt khác phải xử lý nghiêm các doanh nghiệp coi hối lộ là một giải pháp trong kinh doanh để hình thành nhóm lợi ích.

Phát biểu tại buổi đối thoại về phòng chống tham nhũng lần thứ 12 giữa Chính phủ Việt Nam với cộng động các nhà tài trợ, đối tác phát triển quốc tế ngày 12-11, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng lâu nay nhận thức của xã hội thường cho rằng doanh nghiệp là nạn nhân của tham nhũng vì phải đưa hối lộ cho các cơ quan công quyền. Tuy nhiên ông nói: "Điều đó đúng nhưng chưa đủ. Còn một thực tế khác là nhiều doanh nghiệp thường đưa hối lộ nhằm đạt được những lợi ích không chính đáng trong cạnh tranh trên thương trường, hoặc để trốn trách trách nhiệm pháp lý khi có sai phạm".

Đánh giá trên của ông Phúc đưa ra sau khi Thanh tra Chính phủ công bố một báo cáo cho biết đa số doanh nghiệp khẳng định họ là nạn nhân của tham nhũng vặt.

Có tới 70% cho rằng doanh nghiệp chủ động đưa hối lộ, 30% do cán bộ công chức gợi ý. Tham nhũng vặt phổ biến tới mức 81% doanh nghiệp cho biết việc này đã gây lãng phí thời gian, chi phí và gây tâm lý bức xúc cho họ.

Về câu hỏi tại sao phải đưa hối lộ, có 70% doanh nghiệp cho rằng phải chủ động làm thế để được giải quyết công việc nhanh chóng, 30% còn lại cho rằng việc đưa hối lộ xuất phát từ việc cán bộ công chức gợi ý.

Các doanh nghiệp lý giải, nếu không chịu hối lộ, cán bộ công chức sẽ có đủ hình thức để “hành” như cố tình kéo dài thời gian giải quyết công việc, không giải thích rõ quy trình, cố tình bắt lỗi doanh nghiệp, cố tình đặt ra các yêu cầu sai quy định, đưa ra thông tin hù dọa, gây sức ép,…

Báo cáo ghi nhận tình trạng lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước nhận hoa hồng, “gửi giá” trong các hợp đồng ký kết với doanh nghiệp tư nhân. Có tới 68% doanh nghiệp tư nhân nói đã phải chi trả hoa hồng để có hợp đồng với doanh nghiệp nhà nước; 40% nói phải sử dụng “chi phí không chính thức” để tiếp cận nguồn vốn ngân hàng.

Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam Antony Stokes cho rằng tham nhũng là thách thức với Việt Nam bởi tham nhũng có khả năng phá hoại nền kinh tế rất lớn.

Ông cho rằng bản thân các doanh nghiệp phải chung tay đẩy mạnh liêm chính trong kinh doanh. Ông nói các thảo luận kỹ thuật trước thềm đối thọai đã chỉ ra một số lĩnh vực tiềm năng cho các hành động tập thể, ví dụ như thuế, hải quan, mua sắm, và cấp phép.

"Bây giờ chính là lúc mà các doanh nghiệp và chính phủ Việt Nam cùng thống nhất những gì muốn làm trong những năm tới, và thực hiện chúng”, ông nói.

Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho rằng tham nhũng có những tác động tiêu cực đối với sự phát triển kinh tế xã hội của một đất nước, tạo ra sự bất bình đẳng trong cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trên thị trường, hình thành những nhóm lợi ích thân hữu.

Ông nhận xét, quản trị doanh nghiệp tốt cùng với sự tuân thủ pháp luật là cơ sở cho phát triển bền vững của khối doanh nghiệp Việt Nam.

Ông Tranh cho biết, Thủ tướng đã đồng ý việc áp dụng các thông lệ quốc tế tốt tại Việt Nam và mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật Phòng chống tham nhũng sang khu vực tư.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới