Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp đã được xuất khẩu đường

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Doanh nghiệp đã được xuất khẩu đường

Ngọc Hùng

Doanh nghiệp đã được xuất khẩu đường
Một người dân đang thu hoạch mía. Ảnh: TL.

(TBKTSG Online) – Sau 3 lần có công văn khiến nghị được xuất khẩu đường của Hiệp hội mía đường Việt Nam (VSSA), cuối cùng Bộ Công Thương đã cho phép doanh nghiệp xuất khẩu đường. Tuy nhiên, phía hiệp hội không cho biết lượng đường được phép xuất khẩu là bao nhiêu.

>>> Hiệp hội mía đường lại muốn xuất khẩu đường

Một đại diện của VSSA cho rằng việc được xuất khẩu sẽ giúp các nhà máy giảm được lượng hàng tồn kho đang ngày càng lớn và có tiền để trả cho người dân trồng mía, nhưng cũng cho biết thêm những doanh nghiệp thương mại miền núi và hai tổng công ty mía đường 1 và 2 mới được phép xuất khẩu.

Vị này cũng lo ngại, doanh nghiệp sẽ gặp những thủ tục giấy tờ nên từ khi được phép xuất đến khi xuất đi sẽ mất nhiều thời gian, vì lần trước vào tháng 11-2011 Bộ Công Thương cho phép doanh nghiệp xuất 30.000 tấn đường nhưng do khó khăn về thủ tục, giấy tờ nên phải đến tháng 3-2012 đường mới được xuất đi.

Lượng đường mà VSSA xin xuất khẩu trong niên vụ mía đường 2012/2013 là 300.000 tấn.

Tính đến ngày 11-3, theo thống kê của VSSA, lượng đường tồn kho tại các nhà máy và các doanh nghiệp thương mại là hơn 450.000 tấn. Giá bán đường dao động ở mức 13.800- 14.500 đồng/kg, còn giá đường xuất sang Trung Quốc là 14.180 đồng/kg. Giá mua mía nguyên liệu dao động từ 900- 1.100 đồng/kg tùy theo từng địa phương và từng nhà máy.

Giá đường trên sàn giao dịch hàng hóa London kỳ hạn tháng 5-2013 là 534 đô la Mỹ/tấn, tương đương 11.200 đồng/kg. Như vậy, giá đường trong nước đang cao hơn giá thế giới khoảng 120 đô la Mỹ/tấn.

Nguyên nhân giá đường trong nước cao hơn thế giới được các nhà máy đường đưa ra là một héc ta trồng mía của Việt Nam chỉ cho sản lượng 60- 70 tấn, trong khi Thái Lan là từ 100 tấn/héc ta trở lên. Bên cạnh đó, các nhà máy mía đường đang sử dụng công nghệ từ những năm 90 của thế kỷ 20.

Ngoài ra, các nhà máy chỉ sản xuất đường còn những sản phẩm phụ như mật đường, cồn, điện… chưa được các nhà máy đầu tư sản xuất. Theo VSSA, hiện đã có một số nhà máy dùng bã mía để sản xuất điện nhưng giá bán điện không cao nên nhiều nhà máy không dám đầu tư.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới