Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp đã khó, nông dân càng khó hơn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Doanh nghiệp đã khó, nông dân càng khó hơn

Nông dân nuôi cá theo kiểu trang trại còn khó vay vốn hỗ trợ lãi suất, huống hồ nông dân nuôi hay trồng các nông thủy sản khác. Ảnh: Hồng Văn

(TBKTSG Online) – Đối với nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa, việc tiếp cận chính sách kích cầu của Chính phủ thông qua hỗ trợ lãi suất vay vốn ngân hàng đã khó khăn thì với nông dân càng khó khăn hơn nhiều.  

Ông Nguyễn Văn Tạo, một người nuôi tôm ở huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) khá may mắn vì khi ông làm thủ tục vay vốn Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng (Agribank Sóc Trăng) đúng vào lúc Chính phủ ban hành chính sách kích cầu, hỗ trợ lãi suất doanh nghiệp và cá nhân vay vốn lưu động.

Năm ngoái ông có vay vốn ngân hàng này và đã trả nợ sòng phẳng. Nhân viên ngân hàng nhiệt tình hướng dẫn ông làm thủ tục vay vốn để hưởng hỗ trợ lãi suất và nhờ mối quan hệ vay vốn từ lâu, lại là người có uy tín trong làm ăn nên cuối cùng rồi ông cũng vay được vốn ngân hàng có hỗ trợ lãi suất của Chính phủ.

Nhưng không phải nông dân nào cũng được như ông Tạo.  

Theo báo cáo của UBND tỉnh Sóc Trăng, tính đến cuối tháng 3, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh này đã cho vay hỗ trợ lãi suất với số tiền trên 2.855 tỉ đồng cho hơn 1.000 khách hàng; trong đó có 270 doanh nghiệp, còn lại là nông dân, chủ trang trại và các cá nhân khác.  

Chỉ với hơn 700 cá nhân, phần nhiều là nông dân, được vay vốn có hỗ trợ lãi suất nhưng chính quyền tỉnh này, trong báo cáo của mình, cho rằng so với các tỉnh khác ở ĐBSCL và cả nước thì tiến độ giải ngân cho nông dân ở Sóc Trăng vay vốn đạt khá cao.

Thế nhưng Sóc Trăng là tỉnh có thế mạnh về nông nghiệp, chỉ riêng diện tích nuôi tôm đã hơn 40.000 héc ta với hàng ngàn hộ nông dân nuôi tôm, hàng vạn hộ nông dân trồng lúa, cây ăn trái… thì con số vài trăm nông dân được vay vốn có hỗ trợ lãi suất chẳng thấm vào đâu.

Doanh nghiệp khó một, nông dân khó mười!

Nông dân trồng cà phê càng khó vay vốn hơn người nuôi trồng thủy sản. Ảnh: Hồng Văn.

Cũng như doanh nghiệp, khi đến làm hồ sơ tại ngân hàng, nông dân muốn vay vốn có hỗ trợ lãi suất thường nghe câu hỏi đầu tiên của nhân viên ngân hàng là “còn nợ cũ không?”. Nếu câu trả lời là “còn” thì nhân viên ngân hàng sẽ lắc đầu. 

Do vậy, theo thống kê (không chính thức) của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, chỉ có 40% số hộ nông dân có mối quan hệ vay vốn với các ngân hàng thương mại trên địa bàn là không còn nợ cũ, mới có khả năng vượt qua câu hỏi đầu tiên, còn lại thường là do năm ngoái nông dân nuôi cá bị thất bát, nợ nần chưa trả hết nợ cũ.  

Theo ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Nghề nuôi và chế biến thủy sản tỉnh Đồng Tháp, trường hợp những hộ nông dân còn thiếu nợ ngân hàng được cho khoanh nợ, giãn nợ vẫn gặp phải khó khăn khác từ những quy định của ngân hàng.

Vì tiền hỗ trợ lãi suất 4% là từ ngân sách nhà nước, nếu hộ nào có phương án sản xuất đủ điều kiện ngân hàng mới đồng ý cho vay và được hưởng lãi suất ưu đãi. Với nông dân, trong phương án sản xuất phải thể hiện rõ nông thủy sản làm ra bán cho ai, bán ở đâu và phải thể hiện bằng hợp đồng bao tiêu sản phẩm giữa nông dân và doanh nghiệp.

Nhiều chủ trại nuôi cá ở ĐBSCL, qua điện thoại cho biết họ đã đủ điều kiện đầu tiên là không còn nợ cũ với ngân hàng. Nhưng điều kiện kế tiếp là ngân hàng yêu cầu họ lập hồ sơ, viết phương án kinh doanh phải chứng minh ao nuôi cá của mình có chứng nhận của tỉnh và nằm trong vùng quy hoạch, cá thu hoạch phải có hợp đồng bán cho doanh nghiệp.

Vậy là vướng mắc phát sinh khi phần nhiều nông dân nuôi cá chưa có chứng nhận vùng nuôi mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mới ban hành quy định này từ năm ngoái, tới nay có tỉnh thì triển khai chứng nhận vùng nuôi cho nông dân, có tỉnh thì chưa, trong khi ao nuôi của nông dân đã có từ trước đó.

Một cán bộ ở Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang cho biết, nếu cứ có 10 nông dân nuôi cá thì may ra có 1 – 2 nông dân có hợp đồng bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp. Tuy nhiên, do những tranh chấp giữa nông dân nuôi cá nói riêng và nông sản nói chung với doanh nghiệp lâu nay khi tới mùa thu hoạch, nên hợp đồng bao tiêu sản phẩm mà doanh nghiệp ký với nông dân chỉ là hợp đồng nguyên tắc, hứa thu mua theo giá thị trường tại thời điểm thu hoạch.

Với các ngân hàng thương mại, hợp đồng bao tiêu sản phẩm phải có giá mua của doanh nghiệp, do vậy nông dân có hợp đồng bao tiêu sản phẩm đã ít mà số hộ được vay vốn ưu đãi càng ít hơn. Nên mới có trường hợp một chủ trại nuôi cá tra giống cung cấp con giống cho nông dân, gần như đủ điều kiện vay vốn ngân hàng, chỉ thiếu mỗi cái hợp đồng đầu ra vì chủ trại này khó lòng chỉ ra những ai là người mua cá con của mình trong tương lai.

Một khó khăn khác là nông dân phải có hoá đơn đầu vào trong quá trình mua vật tư, nguyên liệu cây con giống cho sản xuất, trong khi tập quán của nông dân lại mua bán không hề lấy hoá đơn, có những hộ nuôi cá bằng thức ăn tự chế, con giống thì mua trong dân, nên không có hoá đơn.

Theo quy định, việc hỗ trợ lãi suất áp dụng đối với các khoản vay vốn lưu động từ ngày 1-2 đến 31-12-2009, trong khi hầu hết nông dân vay vốn làm vụ đông xuân 2008-2009 đều vay trong thời điểm cuối năm 2008, đầu năm 2009 (gọi là vay lưu vụ, tức vay vụ trước nhưng chi phí cho vụ sau). Do vậy, nếu nông dân vay cuối năm ngoái hay trước thời điểm có chính sách này ban hành thì dù phục vụ cho vụ sản xuất đông xuân năm nay không được hưởng hỗ trợ lãi suất, mà phải trả nợ rồi làm hồ sơ vay lại.  

Những tình huống trớ trêu này càng khiến nhiều nông dân gặp khó, kể cả phải bán lúa ở thời điểm chưa thích hợp để có vốn trả nợ (để được vay lại). Chưa kể cả hai bên là nông dân và ngân hàng đều tốn thời gian do khối lượng công việc sẽ tăng lên.

Gỡ khó từng phần

Thấy tình hình cho vay vốn hỗ trợ lãi suất có nhiều thủ tục khó khăn cho nông dân nên ngày 2-4, Ngân hàng Nhà nước đã có công văn gửi các ngân hàng thương mại nhằm gỡ khó từng phần cho nông dân. Theo đó hộ nông dân vay vốn để chi phí sản xuất – kinh doanh thì giấy tờ chứng minh mục đích sử dụng vay vốn để hỗ trợ lãi suất là biên bản kiểm tra việc sử dụng vốn vay, có xác nhận của bên vay và ngân hàng thương mại.  

Biên bản nói trên xác định cụ thể những chi phí sản xuất – kinh doanh phù hợp với giá trị tài sản thực tế được hình thành từ vốn vay; thời điểm lập biên bản do ngân hàng thương mại quy định phù hợp với quy trình kiểm tra, giám sát vốn vay do ngân hàng thương mại ban hành. Có nghĩa, điều này gỡ khó phần nào cho nông dân trong việc mua sắm vật tư cho sản xuất mà không có hóa đơn chứng từ.

Theo dự thảo về tam nông của Agribank thì tới cuối năm 2008, dư nợ tín dụng khu vực nông nghiệp – nông thôn đạt 248.000 tỉ đồng, chiếm 19,86% tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế. Trong đó, riêng khối Agribank, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam và hệ thống quỹ tín dụng nhân dân chiếm phần lớn với 212.000 tỉ đồng.

HỒNG VĂN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới