Thứ Năm, 18/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp đề xuất giải pháp hỗ trợ hoạt động ‘đi chợ hộ’

Chánh Trung

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Một số nhà cung cấp dịch vụ hậu cần (logistics), ứng dụng giao hàng, sản thương mại điện tử… đề xuất nhiều giải pháp về phương tiện, công nghệ để hỗ trợ lực lượng “đi chợ hộ” tại TPHCM trong bối cảnh mô hình này đang gặp rất nhiều khó khăn.

Bộ đội “đi chợ giúp” người dân tại TPHCM. Ảnh: Minh Hoàng

Cung cấp hạ tầng công nghệ cho hoạt động “đi chợ giúp dân”

Đại diện công ty Loship đề xuất cho mượn hạ tầng công nghệ để hỗ trợ việc phân phối hàng hóa, giúp cho việc “đi chợ hộ” trở nên thuận lợi hơn, đặc biệt ở những khu vực đang hạn chế shipper hoạt động. Theo đó, hạ tầng công nghệ của Loship sẽ giúp người dân có thể chọn được những điểm bán gần nhà nhất để đặt hàng và thực hiện thanh toán không tiền mặt.

Viettel Post cho biết đợt đầu Viettel Post sẽ giao 488 xe, trong đó, 200 chiếc đã được trao tại quận 3, quận 11 và quận Tân Phú ngay trong sáng 27-8 và sẽ hoàn thành trao 288 chiếc còn lại trong ngày 28-8. Các đợt bàn giao tiếp theo sẽ được chuẩn bị và thực hiện dựa trên danh sách, nhu cầu từ phía Bộ Chỉ huy Quân sự TPHCM để phân phát đều số lượng xe máy tới các khu vực trên toàn địa bàn, đại diện Viettel Post cho biết thêm.

Khi người dân đặt hàng trên ứng dụng, cán bộ đi chợ hộ sẽ nhận được thông báo qua ứng dụng Loship và đến điểm bán để nhận hàng, giao cho người đặt theo đúng địa chỉ. Việc ứng dụng công nghệ vào giải quyết vấn đề cung ứng hàng hóa sẽ giúp Chính phủ và lực lượng chức năng tiết kiệm được nhiều thời gian, công sức và hành động hiệu quả hơn.

Mỗi ứng dụng giao hàng được đăng ký một lượng tài xế nhất định hoạt động theo từng quận nhằm bổ sung khả năng cung ứng hàng hóa. Khi đội ngũ shipper được tiêm chủng hoàn toàn, chúng tôi hy vọng sẽ được hoạt động trở lại bình thường, chung tay cùng lực lượng chức năng đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân, đại diện Loship chia sẻ.

Trong ngắn hạn, chúng tôi nghĩ rằng các cán bộ khi mua hàng nên hạn chế tối đa thanh toán bằng tiền mặt, thay vào đó là thanh toán online qua ngân hàng hoặc ví điện tử, việc này sẽ giúp giảm tiếp xúc và ngăn ngừa dịch bệnh lan rộng. Về dài hạn, để đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dân, các quy định dành cho shipper nên được nới lỏng dần, đại diện Loship cho hay.

Đại diện sàn thương mại điện tử Chợ Tốt cho biết sẵn sàng cung cấp nền tảng ứng dụng “đi chợ hộ” và phối hợp với các cơ quan chức năng để hỗ trợ công tác cung ứng hàng hóa thiết yếu, giảm bớt áp lực hiện tại.

Chợ Tốt có thể xây dựng ngay cổng thông tin Thực phẩm – Đồ thiết yếu với thiết kế tối ưu cho công tác tổ chức đi chợ mùa dịch hiện tại của lực lượng chức năng. Tại đây sẽ có thông tin các điểm cung ứng như siêu thị, hợp tác xã, cửa hàng đồ thiết yếu… đăng tải các sản phẩm thực phẩm, mặt hàng thiết yếu theo dạng đơn lẻ hoặc gói combo. Các điểm cung ứng được sắp xếp theo từng phường, từng quận, huyện. Người dân ở mỗi phường, quận, huyện có thể đặt hàng trực tiếp cho đơn vị cung ứng bằng cách gọi điện trực tiếp hoặc nhắn tin thông qua ứng dụng.

Chợ Tốt cho biết bước đầu đã trao đổi với đại diện Tổ công tác 970 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để cùng thành lập được những trạm kho tập kết ở từng phường, quận kết nối với cán bộ đi chợ hộ, để giảm tải áp lực phân phối từ đầu vào.

Trong khi đó đại diện công ty Viettel Post cho hay đã đề xuất triển khai hỗ trợ 1.000 xe máy cho chiến sĩ tuyến đầu cho cuộc chiến chống dịch tại TPHCM. Đại diện Viettel Post cho biết hiện tại nhu cầu về lương thực, thực phẩm tại TPHCM là rất lớn. Mỗi ngày đều có hàng chục nghìn đơn hàng liên quan đến nhu yếu phẩm.

Tuy nhiên, khả năng đáp ứng quá trình vận chuyển của các siêu thị, chuỗi cung ứng thực phẩm vẫn còn hạn chế dù đã có sự hỗ trợ của lực lượng quân sự. Vì vậy việc cung cấp phương tiện cho đội ngũ “đi chợ hộ” sẽ giúp các lực lượng này di chuyển, đi lại nhanh chóng, thuận lợi hơn và giúp nâng cao số lượng người dân nhận được hàng hóa.

Cố gắng khắc phục các bất cập của “đi chợ hộ”

Sở Công Thương TPHCM cho biết sau 5 ngày triển khai, việc “đi chợ hộ” gặp nhiều khó khăn, nhiều người dân phản ánh việc liên hệ với các đầu mối tổng đài quá tải, nhiều mặt hàng không được giao, đặt 3-4 ngày vẫn chưa thấy giao… Ngoài ra, do các lực lượng kiêm nhiệm nhiều công việc ở địa bàn nên việc “đi chợ hộ” đang có phần chậm trễ.

Nhiều đề xuất nên tận dụng hạ tầng công nghệ, shipper của các doanh nghiệp để hỗ trợ “đi chợ hộ”. Ảnh: Mỹ Duyên

Việc cung ứng hàng hóa theo phương án “đi chợ hộ” là việc hoàn toàn mới, chưa có tiền lệ, chưa có kinh nghiệm. Khi triển khai cũng có rất nhiều người tham gia, trong đó có nhiều tình nguyện viên không có kinh nghiệm, không có chuyên môn. Nhiều phường, xã, thiếu nhân sự nên có huy động lực lượng từ Tổ Covid-19 cộng đồng, cán bộ hưu trí và một số người không biết công nghệ thông tin, không rành thương mại điện tử, Sở Công Thương TPHCM cho biết.

Bên cạnh đó hiện có nhiều trường hợp đội công tác phát phiếu không được, mang hàng hóa đến nhưng không liên lạc được… phải mang về nên hàng hóa bị hư hỏng hoặc bị giao chậm. Ngoài ra còn có tình trạng người dân gọi điện để đặt hàng nhưng khi giao hàng thì không nhận… nên cũng làm cho hoạt động đi chợ hộ bị khó khăn.

Để khắc phục các bất cập này, Sở Công Thương đã phân công đầu mối phụ trách địa bàn quận, huyện. Trong trường hợp gặp khó khăn mà liên hệ địa phương không được thì đề nghị người dân liên hệ các đầu mối của Sở Công thương.

Cụ thể nếu người dân gặp trường hợp hàng hóa giao trễ, hư, hỏng, người dân có thể liên hệ với tổ dân phố, UBND phường, phòng Kinh tế quận, huyện hoặc các đầu mối của Sở Công thương.

Đại diện công ty Loship cho biết: “chúng tôi nhận thấy những khó khăn khi triển khai mô hình “đi chợ hộ”. Thứ nhất là việc nhận đơn hàng và ghi giấy thủ công, một số nơi thực hiện qua Zalo hoặc mẫu form chung nhưng cũng không tránh được việc xử lý thủ công, mất nhiều thời gian và số lượng người dân được phục vụ giảm xuống. Thứ hai là khi xử lý thủ công thì sai sót sẽ diễn ra nhiều hơn, dẫn tới những tranh cãi không đáng có giữa người mua hàng và người bán hàng, trong khi đây là thời điểm mà mọi người cần chung tay với nhau để vượt qua dịch bệnh.

Để khắc phục các vấn đề của “đi chợ hộ”, chúng tôi nghĩ sự can thiệp của công nghệ là điều cần thiết. Công nghệ sẽ giúp giải quyết triệt để vấn đề xử lý đơn hàng thủ công, cho phép thanh toán không tiếp xúc,… đại diện Loship cho biết thêm.

 

 

 

 

 

1 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới