Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp dệt may, da giày lo công nhân nghỉ tết vào muộn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Doanh nghiệp dệt may, da giày lo công nhân nghỉ tết vào muộn

Văn Nam

Doanh nghiệp dệt may, da giày lo công nhân nghỉ tết vào muộn
Các doanh nghiệp dệt may sẽ trở lại sản xuất đầu năm vào 12 âm lịch tới – Ảnh: Văn Nam.

(TBKTSG Online) – Sau hơn 10 ngày nghỉ tết, công nhân ngành dệt may sẽ trở lại sản xuất vào ngày mùng 8 và 12 âm lịch tới. Hiện các doanh nghiệp da giày, dệt may đã chuẩn bị đầy đủ nguyên liệu cho các đơn hàng xuất khẩu đầu năm. Tuy vậy, nỗi lo lớn nhất là công nhân không vào công ty làm việc đúng như kế hoạch.

Bà Trương Thị Thúy Liên, Giám đốc Công ty Giày Liên Phát chuyên sản xuất giày xuất khẩu tại Bình Dương cho hay, toàn bộ gần 2.000 công nhân của công ty đã được thông báo quay trở lại sản xuất vào ngày mùng 8 tết (ngày 26-2).

Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online hôm nay mùng 2 tết, bà Liên cho hay hiện công ty đã có một số đơn hàng xuất khẩu ngay những ngày đầu năm và công ty cũng đã chuẩn bị đầy đủ nguồn nguyên vật liệu từ trước tết.

“Cái lo nhất là không biết công nhân có trở lại làm việc đầy đủ hay không bởi hầu hết công nhân đều ở quê miền Trung, miền Bắc xa xôi quá. Hy vọng đến mùng 8 tới được 70% công nhân trở lại làm việc là mừng lắm rồi, số còn lại chắc phải qua mùng 10 mới vào”, bà Liên dự báo.

Trong khi đó, ông Phạm Xuân Hồng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết cũng vào mùng 8 tết tới sẽ có một số doanh nghiệp dệt may khởi động sản xuất trở lại, số doanh nghiệp dệt may khác cũng sẽ chọn ngày 12 âm lịch sản xuất lấy ngày đầu năm.

Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online hôm nay, ông Lê Quang Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần may Sài Gòn (Garmex Saigon) cho biết, kế hoạch vào ngày 12 tết tới khoảng 4.000 công nhân sẽ trở lại sản xuất ngày đầu năm.

Nhận định về thị trường tiêu thụ ngày dệt may trong năm 2015, ông Hùng dự báo năm 2015 có thể sẽ là một năm tốt cho tiêu thụ nội địa nhưng sẽ là một năm đầy khó khăn cho xuất khẩu dệt may bởi các nền kinh tế lớn như Châu Âu, Nhật Bản vẫn còn khó khăn, sức tiêu thụ hàng dệt may có thể sẽ giảm sút. Trong khi đó, các hiệp định thương mại tự do nếu ký kết trong năm 2015 chăng nữa vẫn có độ trễ nhất định, có thể sang đến năm 2016 doanh nghiệp mới được hưởng lợi.

“Có thể mỗi người mỗi đánh giá khác nhau, nhưng cá nhân tôi nhìn năm 2015 này sẽ là năm khó khăn đối với xuất khẩu dệt may”, ông Hùng chia sẻ.

Garmex Saigon năm 2014 đạt doanh thu 1.400 tỉ đồng và sang năm 2015 công ty đặt mục tiêu đạt doanh thu tăng lên 1.500 tỉ đồng. Theo ông Hùng thì phần kế hoạch doanh thu tăng thêm của Garmex Saigon là nhờ vào việc công ty sẽ tăng thêm 10 chuyền sản xuất nữa trong năm 2015. Trong tết năm nay, Garmex Saigon đã thưởng tết mỗi công nhân 15 triệu đồng và hỗ trợ 50% tiền vé xe về quê.

Ngành dệt may Việt Nam trong năm 2014 có sự tăng trưởng khá tốt về xuất khẩu lẫn tiêu thụ nội địa với kim ngạch xuất khẩu đạt gần 24,5 tỉ đô la Mỹ, tăng gần 16% so với năm 2013. Với điều kiện thuận lợi khi các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực, ngành dệt may đặt mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 28 – 28,5 tỉ đô la Mỹ trong năm 2015.

Điểm lại trong năm 2014 vừa qua, xuất khẩu đi các thị trường truyền thống của ngành dệt may đều tăng trưởng tốt như thị trường Mỹ tăng 12,6%, Châu Âu tăng 16,9%, Nhật Bản tăng 8,8%, Hàn Quốc tăng 26,6%.

Trong đó, thị trường dẫn đầu là Mỹ vẫn tiếp tục tăng trưởng khá với kim ngạch năm 2014 đạt 9,8 tỉ đô la Mỹ (tăng 12,6% so với năm 2013).

Xem thêm:

>> Dệt may: Dệt may: Cơ hội nhiều nhưng "cuộc chơi" vẫn khắc nghiệt

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới