Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp địa ốc bắt đầu lỗ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Doanh nghiệp địa ốc bắt đầu lỗ

Đình Dũng

Doanh nghiệp địa ốc bắt đầu lỗ
Một khu chung cư cao tầng tại khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng, quận 7, TPHCM. Ảnh: Đình Dũng

(TBKTSG Online) – Thị trường bất động sản trầm lắng năm vừa qua đã tác động mạnh đến tình hình hoạt động kinh doanh của các công ty kinh doanh phát triển địa ốc, khi lợi nhuận của hầu hết các công ty này đều giảm mạnh, thậm chí chỉ bằng 1% so với năm 2010.

Doanh thu giảm mạnh, khó khăn giải quyết hàng tồn kho vì sức mua thị trường căn hộ yếu, cộng với chi phí tài chính tăng là một trong những nguyên nhân đưa đến kết quả kinh doanh ảm đạm của nhiều doanh nghiệp. Điều này được nhìn thấy từ báo cáo của môt số doanh nghiệp địa ốc có niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Chẳng hạn như Công ty cổ phần địa ốc Sài Gòn Thương tín (Sacomreal) vừa ghi nhận khoản lỗ gần 40 tỉ đồng trong quí 4 vừa qua; doanh thu từ hoạt động bán hàng và cung cấp dịch vụ đã giảm phân nửa, từ 1.092 tỉ đồng năm 2010 xuống còn khoảng 540 tỉ đồng trong năm 2011. Điều này đã kéo mức lợi nhuận năm 2011 của Sacomreal xuống còn hơn 80 tỉ đồng, giảm 83% so với mức 485,5 tỉ đồng ghi nhận năm 2010.

Kết quả kinh doanh của Hoàng Anh Gia Lai cũng chẳng khá hơn, khi lợi nhuận của công ty này đã giảm 89%, từ 2.085 tỉ đồng năm 2010 xuống còn hơn 224 tỉ đồng trong năm 2011. Trong giải trình về kết quả kinh doanh trên báo cáo tài chính riêng của mình, công ty này cho biết cũng như các quí trước, công ty mẹ chủ yếu thực hiện chức năng quản lý, điều hành chung. Hoạt động sản xuất, kinh doanh được thực hiện ở các công ty con. Vì vậy, doanh thu và lợi nhuận từ hoạt động sản xuất kinh doanh không còn phát sinh nhiều ở công ty mẹ.

Trong khi đó, báo cáo tài chính riêng của Công ty cổ phần phát triển bất động sản Phát Đạt cho thấy, doanh thu cả năm chỉ khoảng 127 tỉ đồng, giảm 92% so với mức 1.574 tỉ năm 2010. Doanh thu giảm mạnh khiến lợi nhuận của công ty này rớt xuống mức 4,5 tỉ đồng trong năm 2011, chỉ chiếm 1% so với mức lợi nhuận hơn 331 tỉ đồng ghi nhận năm 2010.

Với khoản lỗ hơn 255 triệu đồng trong quí 4 vừa qua, Công ty cổ phần Nhà Việt Nam ghi nhận kết quả kinh doanh năm 2011 giảm 96% lợi nhuận so với năm trước đó. Tương tự, Công ty cổ phần dịch vụ và xây dựng địa ốc Đất Xanh cũng vừa ghi nhận khoản lỗ hơn 16,5 tỉ đồng trong quí vừa qua, làm giảm mức lợi nhuận của công ty này xuống hơn phân nửa so với năm 2010.

TBKTSG Online tổng hợp kết quả kinh doanh từ báo cáo tài chính riêng của một số công ty địa ốc tại TPHCM

Nhìn vào con số của 10 công ty trong bảng trên, có thể thấy tổng số lợi nhuận của tất cả các công ty đó thực hiện trong năm vừa qua (hơn 430 tỉ đồng) chưa bằng mức lợi nhuận của một công ty như Sacomreal thực hiện năm 2010, và thua xa mức mà Hoàng Anh Gia Lai kiếm đươc năm 2010.

Trong giải trình kết quả kinh doanh riêng của mình, hầu hết các công ty địa ốc đều cho rằng lợi nhuận giảm do tình hình thị trường khó khăn kéo dài, các dự án đều bán hàng rất chậm. Trong khi đó chi phí tài chính, cụ thể là chi phí lãi vay ngân hàng, là một áp lực rất lớn đối với nhiều doanh nghiệp.

Chẳng hạn như Công ty phát triển nhà Thủ Đức ghi nhận chi phí lãi vay ngân hàng khoảng 49 tỉ đồng trong năm 2011, tăng đáng kể so với mức 11 tỉ đồng năm 2010. Hay Sacomreal cũng họat động trong năm vừa qua với khoảng 249,5 tỉ đồng trả lãi vay ngân hàng, tăng khoảng 10% so với năm 2010.

Tùy vào quy mô, hầu hết các doanh nghiệp địa ốc hiện nay đều đang là con nợ của các ngân hàng, người vay ít thì vài trăm, kẻ vay nhiều thì đến cả ngàn tỉ đồng. Do vậy việc xoay xở để đẩy mạnh bán hàng giải quyết hàng tồn kho, đồng thời nỗ lực hơn trong việc thu hồi nợ để thanh toán nợ với ngân hàng là một thách thức không nhỏ đối với các doanh nghiệp địa ốc hiện nay.

Trong nhận định về triển vọng thị trường năm 2012, nhóm phân tích của Công ty cổ phần Bản Việt (VietCapital Securities) cho rằng trước tình trạng khủng hoảng thanh khoản cộng với việc hạn chế cho vay bất động sản, năm 2012 được dự đoán sẽ là một năm khó khăn nữa cho thị trường này.

Giới quan sát thị trường dự báo xu hướng chuyển nhượng dự án đã diễn ra trong năm 2011 sẽ tiếp tục diễn ra trong năm 2012, và thị trường sẽ khó có thể khởi sắc một khi tín dụng cho lãnh vực bất động sản chưa được nới lỏng hơn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới