Thứ Ba, 16/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp đồ gỗ: Thận trọng bước trên sân nhà

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Doanh nghiệp đồ gỗ: Thận trọng bước trên sân nhà

Thái Hằng

Khách tham quan Ngôi nhà chung Hawa tại hội chợ Vifa Home sáng 18-11. Ảnh : Thái Hằng

(TBKTSG Online) – Thúc đẩy tiêu thụ đồ gỗ nội địa song song với xuất khẩu là mục tiêu đặt ra tại hội chợ Vifa 2010, và cũng ở đây đặt ra nhiều vấn đề doanh nghiệp cần giải quyết.

Ngành đồ gỗ của Việt Nam đã được biết đến tại nhiều quốc gia trên thế giới từ trên 20 năm. Kim ngạch xuất khẩu qua các năm không ngừng tăng lên, dự tính đạt hơn 3 tỷ đô la Mỹ trong năm 2010 với thị trường xuất khẩu lên đến hơn 120 nước.

Tuy nhiên, đồ gỗ Việt Nam lại đang “lép vế” trên chính sân nhà bởi các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc và các nước trong khu vực Asean như Malaysia, Thái Lan… Ý tưởng phát triển thị trường nội địa trỗi dậy mạnh hơn trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế thế giới vừa qua, nhưng đa số các doanh nghiệp chủ yếu chỉ bàn đến rồi thôi hoặc phát triển kinh doanh một cách chậm chạp, nặng tính thăm dò.

Những thanh gỗ ghép

Ở hội chợ đồ gỗ và trang trí nội thất Việt Nam – Vifa Home 2010, xu hướng hợp tác nhằm khai thác tối đa các thế mạnh và hạn chế điểm yếu về mặt thị phần, quảng bá… của doanh nghiệp được thể hiện khá rõ nét.

Theo ông Nguyễn Thanh Phong, Tổng thư ký hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM cho biết phải mất vài năm thì các doanh nghiệp xuất khẩu mới hiện thực hóa một hội chợ đồ gỗ “hướng nội” đầu tiên như vậy.

“Doanh nghiệp xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam yếu trong xây dựng hệ thống phân phối, chưa nắm bắt nhu cầu thị trường, tìm hiểu khách hàng nên bị lấn át bởi hàng nước ngoài trong mảng phân phối bán lẻ”, ông nói. Tuy nhiên, đến mảng thi công lắp đặt cho các công trình, được cho là phù hợp hơn với quy mô sản xuất xuất khẩu tức sản xuất hàng loạt, đồ gỗ Việt Nam cũng chưa được gây dựng được nhiều chỗ đứng, mà theo ông Phong là vì chưa chọn được cách tiếp cận, quảng bá phù hợp.

Do vậy, khách tham quan hội chợ Vifa Home 2010 lần này đã được ban tổ chức giới thiệu “Ngôi nhà chung”, xây dựng dựa trên kết hợp về sản phẩm của 8 doanh nghiệp.

“Ngôi nhà chung” với đầy đủ tiện ích, chiếm một diện tích trên 200 mét vuông của gian trung tâm của hội chợ với thiết bị nội thất: bàn, ghế, tủ, giường đến ván sàn, sơn, khung trần, vách ngăn, cửa, rèm màn, đèn trang trí do doanh nghiệp liên kết xây dựng trong một không gian nội thất hoàn thiện.

“Nhằm quảng bá thương hiệu và thể hiện năng lực của doanh nghiệp nội địa cho khách hàng, đặc biệt là các đơn vị kinh doanh địa ốc, bất động sản…” ông Phong nói.

Kết hợp với nhà thiết kế, sản xuất nước ngoài để tạo ra sản phẩm có chất lượng cao và nâng cao khả năng cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu cũng là một hướng đi của nhiều doanh nghiệp Việt Nam ở thị trường nội địa. Điển hình như Công ty Danh Mộc tại hội chợ Vifa Home đã cho ra mắt sản phẩm kết hợp với nhà thiết kế sản xuất nhà bếp Copart của Ý.

Bà Angelia Lee, phụ trách kinh doanh và marketing cho Copart tại Việt Nam cho biết, trung bình mỗi sản phẩm làm ra từ hợp tác giữa thiết kế, linh kiện Ý và nhà sản xuất Việt Nam có giá thấp hơn từ 2 đến 3 lần so với sản phẩm cùng loại nhập từ Ý. “Chúng tôi trong ngày đầu tiên đã nhận được nhiều phản hồi tốt từ khách hàng, chắc chắn việc hợp tác trong tương lai sẽ tiếp tục tiến xa”, bà Lee cho biết.

Thị trường nội địa vẫn “xương”

Theo ông Nguyễn Chiến Thắng, chủ tịch Hawa, hội chợ lần này đóng vai trò làm phép thử khả năng tiếp nhận của thị trường đối với các doanh nghiệp chế biến gỗ.

Hội chợ Đồ gỗ và Trang trí nội thất Việt Nam – Vifa Home 2010 do HAWA và Công ty Thủ công Mỹ nghệ Gỗ Liên Minh tổ chức từ ngày 18 đến 22-11 tại Trung tâm Hội chợ triển lãm Tân Bình, TPHCM. Hội chợ quy tụ 150 doanh nghiệp trưng bày tại 400 gian hàng, nhằm đẩy mạnh khai thác thị trường nội địa.

“Dẫu biết khai thác thị trường hơn 86 triệu dân là điều doanh nghiệp nào cũng muốn. Tuy nhiên, trong khi phần lớn các doanh nghiệp mạnh về xuất khẩu thì thị trường nội địa đòi hỏi tổ chức kinh doanh rất khác. Trong đó, khó khăn lớn nhất của họ hiện nay vẫn nằm ở khâu phân phối”, ông Thắng chia sẻ.

Thị phần nội địa được các doanh nghiệp chế biến gỗ phân ra mảng công trình và phân phối bán lẻ. Trong đó, mảng thi công lắp đặt nội thất cho các công trình được cho là có nhiều tương đồng với năng lực sản xuất xuất khẩu và được nhiều doanh nghiệp lựa chọn. Mảng còn lại, hướng đến đối tượng người tiêu dùng nhỏ lẻ tuy có nhiều tiềm năng nhưng doanh nghiệp “ngán” vì buộc phải có vốn mạnh để xây dựng có hệ thống phân phối, bán lẻ, và trữ hàng tồn kho.

Ông Trần Nguyên Vũ, giám đốc công ty Viet May Depot, nhà phân phối chính sản phẩm đồ gỗ của tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai chia sẻ, công ty phải mất đến 5 năm kinh doanh cầm cự “từ lỗ đến hòa vốn” để xây dựng hệ thống 2 tổng kho ở miền Nam và miền Trung để trữ hàng, 60 cửa hàng ủy nhiệm và hệ thống “chành” xe ở các tỉnh để phân phối hàng hóa trước khi đặt ra kế hoạch phát triển tiếp theo.

Trong khi đối với số đông các nhà chế biến gỗ là những doanh nghiệp nhỏ và vừa thì đây là cả một vấn đề nan giải.

Một doanh nghiệp khác ví von ngành chế biến gỗ trong hơn 1 năm trở lại như cuộc đua vượt chướng ngại vật, từ khủng hoảng kinh tế khiến sức mua giảm mạnh đến giai đoạn tỷ giá tăng, giá nguyên vật liệu tăng vùn vụt rồi nay đến ngân hàng thông báo chuẩn bị tăng lãi suất bình quân lên đến 17%. “Nội lực kém, dựa chủ yếu vào nguồn vốn vay là những lý do khiến những đòi hỏi của thị trường nội địa lại “xương” với doanh nghiệp như vậy”, bà này nói.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới