Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp du lịch cần sự hỗ trợ thiết thực để quay lại thị trường

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Doanh nghiệp du lịch cần sự hỗ trợ thiết thực để quay lại thị trường

Nhân Tâm

(KTSG Online) – Nhiều ý kiến từ các hội ngành nghề lữ hành, lưu trú, vận chuyển du lịch…được đưa ra, mong có được những hỗ trợ thiết thực để các doanh nghiệp có thể quay lại kinh doanh hiệu quả sau thời gian “ngủ đông” vì Covid-19 và mưa lũ.

Doanh nghiệp du lịch cần sự hỗ trợ thiết thực để quay lại thị trường
Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Quỹ Xúc tiến Phát triển Du lịch thành phố Đà Nẵng (DTPF), đưa ra những con số không vui của du lịch Đà Nẵng tại Tọa đàm Giải pháp khôi phục và phát triển du lịch thành phố Đà Nẵng 2021 diễn ra hôm 1-4-2021 tại thành phố Đà Nẵng do DTPF cùng Sở Du lịch Đà Nẵng tổ chức. Ảnh: Nhân Tâm

Lỗ nặng và có khả năng ngừng kinh doanh

Xấp xỉ 80% doanh nghiệp giảm doanh thu từ 70%-100% và 30% doanh nghiệp lo ngại sẽ cạn vốn, buộc phải rời thị trường. Không có doanh nghiệp nào ghi nhận tăng trưởng về doanh thu trong năm 2020.

Gần 83% doanh nghiệp lỗ trong năm 2020 và chỉ có 8 doanh nghiệp hoà vốn (chiếm 7.2%). Hơn 21% doanh nghiệp thiệt hại hơn 10 tỉ đồng (chủ yếu rơi vào nhóm các doanh nghiệp vừa và lớn). Tất cả các doanh nghiệp nhỏ (chiếm 27,9%) đều thiệt hại khoảng 1 tỉ đồng trong năm 2020.

Khi du lịch nội địa có dấu hiệu khởi sắc trở lại từ mùa hè, cho đến cuối năm 2020, trong số gần 90% doanh nghiệp được khảo sát đã trở lại hoạt động, có đến 62,2% doanh nghiệp thiệt hại nhiều hơn dự tính ban đầu, do dịch bệnh bùng phát trở lại và thiên tai trong quí 4-2020.

Những con số này được ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Quỹ Xúc tiến Phát triển Du lịch thành phố Đà Nẵng (DTPF), đưa ra tại Tọa đàm Giải pháp khôi phục và phát triển du lịch thành phố Đà Nẵng 2021 diễn ra hôm nay, 1-4-2021 tại thành phố Đà Nẵng do DTPF cùng Sở Du lịch Đà Nẵng tổ chức.

Theo khảo sát, trong năm 2021, gần 50% doanh nghiệp dự đoán doanh thu sẽ tiếp tục giảm hơn 75% so với năm 2020. Đáng chú ý, có đến 25% doanh nghiệp lo ngại nguy cơ phá sản.

Chỉ có duy nhất một đơn vị tin tưởng sẻ tăng trưởng về doanh thu. Chỉ khoảng 11,9% doanh nghiệp cho biết có thể cầm cự vốn đến hết năm 2021.

Theo ông Dũng, đây là kết quả của khảo sát đợt 2 tác động Covid-19 đối với doanh nghiệp du lịch Đà Nẵng được thực hiện từ ngày 23-2 đến 10-3-2021 với sự tham gia trả lời của 117 doanh nghiệp du lịch và nhiều chuyên gia.

Qua  khảo sát này, trên cơ sở đối chiếu với khảo sát đợt 1 (năm ngoái), DTPF sẽ nắm bắt sát sao hơn tình hình “sức khỏe” của doanh nghiệp, cũng như lắng nghe tâm tư và nguyện vọng của các doanh nghiệp du lịch tại Đà Nẵng sau một năm 2020 nhiều sóng gió.

Trong khi đó, tính đến tháng 2-2021, tại Đà Nẵng, đã có 50,2% khách sạn, gần 39% lữ hành, 100% khu điểm du lịch, 37% doanh nghiệp vận chuyển du lịch và gần 52% tàu du lịch đã hoạt động trở lại.
Hầu hết các doanh nghiệp lữ hành tiếp tục duy trì hoạt động với lực lượng nhân sự nòng cốt (kế toán, điều hành, không nhận lương, chỉ hưởng hoa hồng từ doanh số).

Về khối khách sạn, chủ yếu khối khách sạn 4-5 sao và tương đương đã hoạt động trở lại. Riêng đối với khối khách sạn, chủ yếu các khách sạn 4-5 sao và tương đương đã trở lại hoạt động (82% khách sạn 5 sao và 71% khách sạn 4 sao). Đối với các cơ sở lưu trú từ 3 sao trở xuống, tỷ lệ đơn vị hoạt động trở lại chưa đến 50%. Các đơn vị phần lớn chỉ vận hành một phần công suất buồng phòng.

Doanh nghiệp cần hỗ trợ mọi mặt

Trong bài phát biểu về tình hình du lịch Đà Nẵng, ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, cũng chia sẻ, hiện nay doanh nghiệp muốn quay lại thị trường cũng gặp nhiều thách thức. Đó là dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai, doanh nghiệp du lịch bị thiệt hại do dịch bệnh, găp khó khăn để khôi phục hoạt động kinh doanh (về vốn, lãi vay, thiếu hụt nguồn nhân lực…), cạnh tranh điểm đến trong và ngoài nước, nguồn lực để chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin để thích ứng với xu hướng kinh doanh trong tình hình mới và thiếu sản phẩm du lịch mới.

Đại diện cho Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng (DATA), ông Hồ Thanh Tú, Tổng Thư ký DATA, kiến nghị các cơ quan chức năng cần hỗ trợ doanh nghiệp du lịch trong các vấn đề về xử lý nước dọc bãi biển phía Đông (kéo dài từ chân núi Sơn Trà đến Ngũ Hành Sơn), truyền thông điểm đến an toàn, tổ chức các khóa đào tạo lao động du lịch và hô hào người Đà Nẵng du lịch Đà Nẵng.

Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Anh, Giám đốc Công ty Omega Tours và là Phó Chủ tịch Hội Vận chuyển du lịch Đà Nẵng chia sẻ, trong thời gian qua, vì Covid-19, đến 90% xe của các thành viên trong hội phải nằm bãi, các thiết bị bị mất trộm. Doanh nghiệp hết khả năng tài chính để đưa vào các bãi đậu xe có thu phí, nên đưa vào các bãi đất trống không an toàn. Thêm vào đó là quy định từ 1-7-2021, các doanh nghiệp kinh doanh vận tải phải lắp đặt hệ thống camera giám sát hành trình trên xe. Điều này đã gây thêm khó khăn về tài chính cho các doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp tha thiết có được những hỗ trợ từ Chính phủ và chính quyền địa phương để có thể quay lại hoạt động du lịch hiệu quả. Ảnh: Nhân Tâm

“Chúng tôi đề nghị lùi thời gian áp dụng theo lộ trình, với tỷ lệ 30% lắp đặt camera cứ 6 tháng một lần”, ông Anh nói và chia sẻ thêm các doanh nghiệp cũng đang trông mong giãn thuế và giãn trả nợ vay ngân hàng.

Bà Hồ Nguyễn Phương Chi, Chủ tịch Hội Khách sạn Đà Nẵng thì đề nghị thành phố hỗ trợ các khách sạn, resort và cơ sở lưu trú nói chung thu hút khách nội địa, tăng doanh thu tối thiểu, tiết giảm các chi phí và phát triển nguồn nhân lực.

“Doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động nhưng phải vận hành, như hồ bơi, trang thiết bị… để tránh hư hỏng vì vậy chi phí khá cao trong khi hầu như không có doanh thu. Chúng tôi đề nghị áp dụng giá điện sản xuất cho giá kinh doanh để hỗ trợ doanh nghiệp đồng thời hỗ trợ ngân sách, kinh phí để hội đào tạo nhân lực”, bà Chi chia sẻ.

Về lĩnh vực lữ hành, theo ông Lê Long Phi, Giám đốc Công ty Viet Legend và cũng là Phó Chủ tịch Hội Lữ hành Đà Nẵng, các doanh nghiệp mong muốn vay lại với mức lãi suất hấp dẫn số tiền đã ký quỹ kinh doanh lữ hành. Được biết hiện nay, các doanh nghiệp đóng ký quỹ các mức từ 100 triệu đến 250 triệu và 500 triệu đồng. Ông Phi cũng gợi ý thành phố sớm đưa cầu đi bộ Nguyễn Văn Trỗi vào hoạt động và hoạt động kinh tế đêm trong trung tâm thành phố.

“Đà Nẵng triển khai thêm các gói hỗ trợ cho nhân viên hướng dẫn viên – những người vẫn còn thất nghiệp khi du lịch chưa trở lại – và có chính sách cho vay ưu đãi để họ chuyển đổi ngành nghề,” ông Võ Văn Anh, Chủ tịch Hội Hướng dẫn viên nêu ý kiến.

Trong khi đó, ông Đặng Hòa, Chủ tịch Hội Vận chuyển du lịch thủy Đà Nẵng, đề nghị thành phố sớm đầu tư cảng sông Hàn thành cảng chuyên dùng, làm việc với tỉnh Thừa Thiên Huế phát triển các bãi tắm nằm trong khu vực chồng lấn của hai địa phương và cởi trói một số quy định như mặc áo phao trên thuyền suốt hành trình và múa Chăm trên thuyền.

Tham dự buổi tọa đàm và lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp, ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, đề nghị các cơ quan liên quan như Sở Du lịch, Sở Giao thông Vận tải, Sở Lao động Thương binh & Xã hội, Ngân hàng chính sách…làm việc với nhau để trình lên UBND thành phố các phương án tháo gỡ vướng mắc của doanh nghiệp.

Phát biểu tổng kết tọa đàm, ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư thành ủy thành phố Đà Nẵng, chia sẻ, thành phố sẽ sử dụng đầu tư công, tạo ra sản phẩm du lịch mới để phục vụ khách trong nước và sắp tới đón dòng khách quốc tế. Ông cũng nhấn mạnh bản thân doanh nghiệp cũng cần tự nỗ lực để vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Đà Nẵng nghiên cứu lập sàn giao dịch du lịch

Chia sẻ tại tọa đàm, bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, cho biết qua một số ý kiến, Sở sẽ tiến hành nghiên cứu và lập kế hoạch thành lập Sàn giao dịch du lịch trực tuyến, bao gồm bán sỉ các gói du lịch và bán lẻ cho khách du lịch. Sau đó, Sở Du lịch sẽ báo cáo cho UBND thành phố Đà Nẵng về kế hoạch này trong tháng 6 năm nay.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới