Thứ Tư, 17/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp du lịch sẽ như thế nào trước một ‘du khách khác’?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Doanh nghiệp du lịch sẽ như thế nào trước một ‘du khách khác’?

Đào Loan

(TBKTSG Online) –  Sau Covid-19, du khách quan tâm nhiều nhất đến sức khỏe và sự an toàn. Bên cạnh đó, nỗi sợ về việc sẽ bị mắc kẹt ở một quốc gia khác cũng sẽ định hướng hành vi của người tiêu dùng trong ngắn và trung hạn.

Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp du lịch cần phối hợp chặt chẽ với chuỗi cung ứng dịch vụ để đảm bảo yếu tố vệ sinh an toàn và xây dựng lòng tin ở du khách. Đó là những thông tin mà Công ty Outbox Consulting về dẫn nguồn từ Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới đưa ra khi hận định về khách du lịch hậu Covid-19 và những thay đổi mà doanh nghiệp, điểm đến nên tiếp cận.

Doanh nghiệp du lịch sẽ như thế nào trước một 'du khách khác'?
Khách du lịch ở Phan Thiết. Ảnh: Đào Loan

Du khách đã thay đổi như thế nào?

Trước hết, khách hàng xem an toàn là trên hết. Một cuộc khảo sát gần đây cho thấy 89% người Mỹ hiện có ý thức hơn về vi trùng. Có đến 90% cho biết đang rửa tay thường xuyên và kỹ lưỡng hơn trước.

Ngay cả sau khi có vaccine, du khách có thể vẫn thận trọng hơn về vấn đề sức khỏe và an toàn. 88% người Mỹ cho biết, sẽ duy trì chế độ rửa tay thường xuyên ngay cả khi Covid-19 đã được kiểm soát. Một khảo sát khác cho thấy, khách du lịch Trung Quốc sẽ tìm kiếm các điểm đến có cơ sở hạ tầng và cơ sở y tế chất lượng cao sau đại dịch.

Tiếp theo là yếu tố về niềm tin. Du khách sẽ tìm kiếm các nguồn thông tin kịp thời, chính xác về đại dịch từ các cơ quan mà họ tin tưởng.

Joe Richardson, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Auto Club Group, cho rằng các nhà cung cấp dịch vụ du lịch cũng như các điểm đến sẽ cần “cung cấp cho khách du lịch nhiều thông tin nhất có thể để tạo sự an tâm”.

Tiếp thị truyền miệng sẽ là cách thức hữu hiệu để truyền tải thông tin. Có đến 92% người tiêu dùng cho biết tin tưởng các đề xuất từ bạn bè và gia đình hơn các hình thức quảng cáo khác.

Thêm vào đó là nỗi sợ mắc kẹt ở một điểm đến nào đó. Ngay cả khi ở những điểm đến “an toàn”, khách du lịch sẽ vẫn lo lắng về khả năng bùng phát dịch trong tương lai. Khảo sát của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), cho thấy hơn 80% khách du lịch lo ngại về việc nhiễm virus trong khi đi du lịch.

Du khách cũng sẽ tránh một số điểm đến bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi Covid-19, theo dõi các thông tin cập nhật về khả năng đi lại, cơ sở hạ tầng y tế và hủy hoặc hoãn chuyến đi khi có dấu hiệu đáng ngại.
Thay đổi của doanh nghiệp và điểm đến để đảm bảo an toàn và vệ sinh

Doanh nghiệp bắt nhịp

Để thích nghi với bối cảnh mới, nhiều doanh nghiệp và tổ chức trên khắp thế giới đã khởi động các chương trình để đảm bảo sức khỏe và vệ sinh cũng như xây dựng lại lòng tin của du khách.

Trong đó, có những doanh nghiệp đã hợp tác với nhau để thực hiện chương trình. Chẳng hạn, Tập đoàn khách sạn Hilton đã hợp tác của Lysol và Mayo Clinic để triển khai chương trình “CleanStay”; IHG cũng tăng cường chương trình đã có sẵn là “Way of Clean” với sự hợp tác của Ecolab và Diversey hay United Airlines có chương trình United Clean Plus với sự hợp tác của Clorox và Cleveland Clinic…

Vấn đề đảm bảo vệ sinh và an toàn cho đội ngũ nhân viên cũng ngày càng được xem trọng. Điều này không chỉ giúp nâng cao tiêu chuẩn về vệ sinh mà còn đảm bảo an toàn cho đội ngũ nhân viên.

Theo các chuyên gia, trong thời điểm có nhiều bất ổn như hiện tại, việc lập kế hoạch dự phòng càng trở nên quan trọng. Những câu chuyện về du khách bị mắc kẹt ở nhiều địa điểm khác nhau trên toàn cầu đã khiến khách du lịch lo lắng. Do đó, khách hàng sẽ tìm kiếm sự đảm bảo, để chắc rằng vẫn có thể về nhà trong trường hợp khẩn cấp.

Để xây dựng niềm tin cho du khách, doanh nghiệp du lịch cũng như các điểm đến cần lập kế hoạch dự phòng, bảo hiểm du lịch và hỗ trợ hồi hương cho khách hàng. Đây sẽ là những yếu tố giúp xây dựng lòng tin ở du khách. 

Thêm vào đó, cần chú ý đến việc truyền tải thông tin hiệu quả. Khi thực hiện các chương trình các chương trình khử trùng và tăng cường đảm bảo vệ sinh, doanh nghiệp nên truyền tải thông tin một cách nổi bật đến khách hàng nhằm trấn an du khách ghé thăm và đạt được hiệu ứng truyền miệng sau đó.

Cùng với doanh nghiệp, cơ quan quản lý điểm đến cũng cần bắt nhịp với thay đổi của khách du lịch. Sau dịch, khách du lịch vẫn sẽ tránh các khu vực đông đúc, tìm đến các điểm đến nhỏ hơn, thưa người hơn thậm chí là các khu vực nông thôn và gần thiên nhiên hơn.

Xu hướng này đòi hỏi các điểm đến phải chuẩn bị và hành động nhanh chóng để đảm bảo sự an toàn cho cả cộng đồng địa phương và khách du lịch.

Mời đọc thêm:

Lối đi nào cho ngành khách sạn sau giai đoạn 'kiệt quệ' vì đại dịch?

Mới khởi động tour Tết thì bùng dịch, du lịch TPHCM 'kêu cứu'

TPHCM không bắn pháo hoa tết Tân Sửu, có ca nghi nhiễm Covid-19

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới