Doanh nghiệp du lịch và bài toán tạm chuyển từ quốc tế sang nội địa
Nhân Tâm
(TBKTSG Online) – Ngành du lịch Việt Nam đang khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh trong ngành du lịch, từ lữ hành đến cơ sở lưu trú và nhà hàng, khai thác thị trường khách du lịch nội địa trong khi chờ du lịch quốc tế phục hồi. Nhưng, có vẻ như không phải ai cũng muốn thay đổi là được.
![]() |
Khách du lịch Việt Nam tham gia tour trải nghiệm biển đảo của công ty Danang Bay Discovery tổ chức giữa tháng 5-2020. Ảnh: Nhân Tâm |
Tạm chuyển từ quốc tế sang nội địa
Anh Trần Tấn Điền được biết đến là một trưởng đoàn kỳ cựu, chuyên dẫn các đoàn khách Việt Nam đi nước ngoài cũng như khách nước ngoài đến Việt Nam đi du lịch hoặc dự hội nghị. Covid-19 đến, anh phải “nằm nhà” ba tháng.
Mới đây khi Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch phát động chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” nhằm kích cầu du lịch nội địa, anh Điền cũng bắt đầu chuyển sang phục vụ đối tượng khách nội địa, bao gồm người nước ngoài đang ở Việt Nam. Anh đã tham gia dẫn đoàn du lịch đi du lịch Hải Phòng vào ngày 1-6 vừa qua với lời nhắn: “Hôm nay đã trở lại. Mùa kích cầu nội địa xin được bắt đầu”.
Bản thân công ty Vitours, nơi anh Điền đang làm việc, cũng tạm thời mở lại bộ phận nội địa để cùng Đà Nẵng kích cầu du lịch.
Theo ghi nhận, không chỉ riêng Vitours mà một số doanh nghiệp lâu nay có kinh doanh các loại hình tour inbound (khách nước ngoài vào Việt Nam du lịch), outbound (khách Việt Nam đi du lịch nước ngoài) và domestic (nội địa) đều tập trung khai thác khách nội địa.
Công ty lữ hành quốc tế Hải Vân Cát lâu nay chuyên tổ chức tour cho khách Trung Quốc du lịch Việt Nam. Ông Nguyễn Minh Xoang, Giám đốc công ty, chia sẻ, dịch bệnh đến, không chỉ mảng lữ hành của công ty phải đóng cửa mà mảng nhà hàng và cửa hàng cũng phải đóng theo. Khoảng hai tuần trở lại đây, ông quyết định cho bộ phận nội địa hoạt động trở lại (trước đây có hoạt động nhưng không mạnh bằng bộ phận quốc tế) để “lấy lại tinh thần” cho công ty. Mảng lữ hành tham gia gói kích cầu của Đà Nẵng để đón khách nội địa với giá khuyến mãi. Nhà hàng mở cửa trở lại để đón khách Việt.
“Nhưng tôi vẫn theo dõi tin tức hằng ngày và mong chờ du lịch quốc tế quay trở lại. Tuy nhiên chắc cũng phải sang năm 2021”, ông Xoang chia sẻ.
Không phải muốn chuyển là được
Cùng có dự báo về thời gian khách quốc tế quay trở lại như ông Xoang, ông Nguyễn Ngọc Anh, Giám đốc Công ty Omega Tours – chuyên thị trường Hàn Quốc và một số thị trường Châu Á khác, chia sẻ công ty ông chấp nhận “ngủ đông” ba tháng nay và chờ mở cửa thị trường quốc tế.
Ông Ngọc Anh vẫn còn đắn đo khi được khuyến khích tham gia kích cầu du lịch nội địa vì có nhiều trở ngại. Một trong những trở ngại đó là phải xây dựng lại các mối quan hệ, xây dựng gói sản phẩm và dịch vụ cho phù hợp với du khách Việt.
Theo ghi nhận thực tế, đây cũng là trở ngại của một số doanh nghiệp du lịch tại Quảng Nam lâu nay chuyên dòng khách quốc tế, đặc biệt là Tây Âu.
![]() |
Khách quốc tế "xông đất" thành phố Hội An đầu năm nay. Theo dự báo, thị trường du lịch quốc tế phục hồi hoàn toàn vào năm 2021. Ảnh: Nhân Tâm |
Ông Phạm Vũ Dũng là chủ của công ty Rose Travel Service và Hội An Chic Hotel tại thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. Lâu nay, 90% khách của ông là người nước ngoài, chủ yếu là Âu, Mỹ. Vì vậy, các sản phẩm và dịch vụ của ông hướng tới đối tượng này. Đó là trải nghiệm văn hóa bản địa, sinh thái và thân thiện môi trường. Ông đã tạm đóng cửa công ty và khách sạn ba tháng nay do không có khách. “Tôi đang cân nhắc mở dần trở lại đón khách nội địa nhưng rất khó”, ông Dũng nói.
“Không phải muốn chuyển là được. Để xây dựng mới một hệ sinh thái sản phẩm và dịch vụ du lịch mới cần thời gian là 2 năm”, ông Phan Xuân Thanh, Giám đốc công ty EMIC Hospitality, nói và chia sẻ thêm công ty ông, chuyên kinh doanh nhà hàng và tour trải nghiệm du lịch xanh, chấp nhận tiếp tục “ngủ đông” chờ khách quay trở lại.
Tuy nhiên, với vai trò là Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam (QTA), ông vẫn khuyến khích những công ty thành viên, nếu có thể, thì tham gia các gói kích cầu nội địa mà QTA cũng như Hiệp hội du lịch Việt Nam đưa ra. Việc kích cầu sẽ các doanh nghiệp một phần nào đó vượt qua khó khăn này.
Bên cạnh mong muốn chủ quan của doanh nghiệp, những yếu tố khách quan cũng sẽ chi phối quyết định của doanh nghiệp có tạm thời chuyển đổi hay không.
Trong một khảo sát chuyên gia mới đây do Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) tiến hành, hầu hết các chuyên gia đều nhận định du lịch quốc tế trên toàn cầu sẽ phục hồi sớm nhất là vào quý cuối cùng của năm 2020 và sang năm 2021.
Tại Diễn đàn Du lịch Huế 2020 cuối tuần trước, Nguyễn Đức Tuấn – Trưởng Chi nhánh Vietnam Airlines tại Huế – cũng chia sẻ trong tham luận của mình về tình trạng của hàng không thế giới và việc kích cầu du lịch. Cụ thể, thế giới có 21.000 máy bay thì đã dừng 19.000 máy bay. Do việc ngừng bay, không có nguồn thu để thanh toán các khoản chi phí lớn, một số hãng hàng không đã rơi vào tình thế phá sản cũng như đang nộp đơn làm thủ tục phá sản.
Với những nhận định trên thì có lẽ mỗi một doanh nghiệp phải tìm cách xoay xở để giải bài toán kinh doanh, chờ ngành kinh tế du lịch toàn cầu phục hồi vào đầu năm sau. Lúc đó, anh Trần Tấn Điền lại có cơ hội dẫn các đoàn khách du lịch đi quốc tế và các công ty chuyên khách quốc tế tại Việt Nam có cơ hội làm mới dịch vụ và sản phẩm của mình.
Lãnh đạo Tổng cục Du lịch nói gì về thị trường nội địa và quốc tế? Ông Nguyễn Lê Phúc, Phó Tổng Cục trưởng, Tổng cục Du lịch Việt Nam, cho biết trong thời gian tới, đối với thị trường nội địa, bên cạnh việc triển khai các gói kích cầu du lịch, tăng cường hợp tác, liên kết giữa các địa phương, các hiệp hội, các doanh nghiệp du lịch… ngành du lịch cần chú trọng công tác truyền thông về đảm bảo các quy định, điều kiện về an toàn phòng chống dịch cho khách du lịch, người lao động và cộng đồng người dân địa phương.
Đối với thị trường quốc tế, ngành du lịch cần khẩn trương thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sẵn sàng đón khách quốc tế ngay khi được cho phép. Về sản phẩm du lịch, thời gian tới chắc chắn sẽ có sự thay đổi trong xu hướng lựa chọn của du khách, các địa phương, các doanh nghiệp cần chuẩn bị các gói sản phẩm mới phù hợp với nhu cầu của thị trường. Dưới góc độ quản lý nhà nước toàn ngành, Tổng cục Du lịch đã ban hành những kế hoạch và định hướng về việc xây dựng điểm đến du lịch phát triển bền vững. Tổng cục Du lịch tiếp tục là cầu nối, tổ chức làm việc với các doanh nghiệp để chuẩn bị các gói sản phẩm du lịch đặc sắc và hấp dẫn. Ngoài ra, về công tác xúc tiến, quảng bá du lịch, Tổng cục Du lịch đề nghị các địa phương sẵn sàng tham gia các chương trình xúc tiến, quảng bá du lịch của Tổng cục Du lịch tổ chức tại các thị trường nước ngoài trọng điểm, cùng chung tiếng nói, quảng bá “du lịch Việt Nam an toàn” ngay sau khi dịch Covid-19 được khống chế toàn cầu. |