Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp đuối sức

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Doanh nghiệp đuối sức

Tư Giang

(TBKTSG) – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Cao Sỹ Kiêm trao đổi với TBKTSG về sức khỏe của doanh nghiệp.

TBKTSG: Cập nhật đến cuối năm nay, ông thấy sức khỏe doanh nghiệp nhỏ và vừa như thế nào?

Ông Cao Sỹ Kiêm: Càng về cuối năm, doanh nghiệp nhỏ và vừa đã khó càng khó hơn. Sản xuất của nhiều doanh nghiệp đã bị đình trệ.

Lãi suất cho vay hiện nay nói là còn 17-19%, nhưng tiếp cận rất khó. Mức lãi suất đó nói là tập trung vào ba đối tượng là sản xuất hàng xuất khẩu, nông nghiệp nông thôn và doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhưng chủ yếu là vào xuất khẩu chứ hai loại hình sau không được. Hơn nữa, mức lãi suất 17-19% hiện nay không phải là giá vốn tốt, cộng với chi phí đầu vào tăng lên nên doanh nghiệp gặp khó là điều dễ hiểu. Trong bối cảnh chung như thế, các doanh nghiệp nhỏ và vừa càng đuối sức hơn.

TBKTSG: Hồi tháng 7 vừa rồi, Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ đưa ra báo cáo là 20% doanh nghiệp phá sản trong sáu tháng đầu năm. Đến nay ông có số liệu cập nhật không?

– Bây giờ khó khăn hơn nhiều. Có nơi nói 40%, có nơi nói 50%, nhưng nói chung đến nay số doanh nghiệp phá sản, biến mất khỏi thị trường đã gấp đôi con số của tháng 7 rồi. Nếu kéo dài 5-6 tháng nữa thì tình hình sẽ trầm trọng thêm. Số phá sản, đình trệ sản xuất sẽ tăng lên rất nhanh.

TBKTSG: Trong cuộc gặp với các doanh nhân gần đây thì ông nhận thấy tinh thần chung của họ như thế nào?

– Tinh thần của doanh nghiệp hiện nay đang ở mức thấp nhất trong bốn năm nay. Họ thấy bế tắc, không rõ lối ra.
Tôi thấy họ có ba khuynh hướng. Một là đóng của chờ thời. Hai là chấp nhận khó khăn, chuyển hướng sản xuất. Thứ ba, tự động sáp nhập, giải thể.

TBKTSG: Ông giải thích thế nào về giá trị sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, rồi thậm chí cả GDP nữa vẫn tăng cao, trái với tình hình như ông vừa nói?

– Giá trị sản xuất công nghiệp gia tăng là do lạm phát tăng. Trước đây sản phẩm bán giá 1 đồng, nay bán đồng rưỡi, tưởng là tăng lên, nhưng sự thật thì khác. Còn xuất khẩu tăng là do giá lương thực thực phẩm thế giới tăng. Đây là mặt hàng Việt Nam có lợi thế. Xuất khẩu tăng không đều ở các ngành hàng khác.
Còn các doanh nghiệp sản xuất để tiêu thụ nội địa thì đang có tình trạng sản xuất đình đốn như tôi vừa nói.

TBKTSG: Về cá nhân, ông có chứng kiến những doanh nghiệp quen biết co hẹp sản xuất hay phá sản chưa?

– Nhiều lắm chứ, ai cũng thế thôi. Anh nên đi thực tế mà xem, chỗ nào cũng có tình trạng đó. Mà không chỉ doanh nghiệp nhỏ và vừa khó khăn, các doanh nghiệp bất động sản, chứng khoán, ngân hàng cũng khó. Tới mấy trăm ngàn tỉ đồng đầu tư vào bất động sản mà giờ đắp chiếu thì làm sao bảo là tình hình ổn định, không có vấn đề gì được. Hiện nay, Chính phủ đã nhận thức rõ những thách thức này rồi.

TBKTSG: Ông có quá bi quan không, khi mà vẫn có nhiều ý kiến cho là tình hình vẫn tốt với các chỉ số vừa được công bố?

– Ai mà nhận xét tình hình tốt lên là không chuẩn xác. Có rất nhiều biểu hiện khó khăn rõ ràng. Chẳng hạn nói là tăng trưởng tín dụng 15%, nhưng bao nhiêu vào được sản xuất kinh doanh? Rất ít, vốn chỉ loanh quanh trong ngân hàng với nhau thôi.

Còn về số hơn 49.000 doanh nghiệp giải thể hoặc ngừng hoạt động trong 10 tháng đầu năm, mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Quốc hội, tôi cho là chưa sát thực tế, phải lớn hơn, chứ không phải vậy. Tôi cho rằng năm 2012 sẽ còn tiếp tục khó khăn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới