Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp đường sắt, cao tốc, cảng hàng không sẽ về lại ‘nhà xưa’?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Doanh nghiệp đường sắt, cao tốc, cảng hàng không sẽ về lại ‘nhà xưa’?

Lan Nhi

(TBKTSG Online) – Sau khi Thủ tướng Chính phủ đề nghị Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu tiếp nhận lại quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, nhiều ý kiến cho rằng Tổng công ty Phát triển đường cao tốc (VEC) và Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam (ACV) sớm hay muộn cũng sẽ quay lại "mái nhà xưa" là Bộ GTVT, nhằm tránh khỏi sự đổ vỡ về tiến độ đối với các dự án xây dựng mới lẫn sửa chữ, duy tu, bảo trì.

Đường sắt Việt Nam sẽ dừng chạy tàu vì cơ chế?

Sự rút lui của Ủy ban quản lý vốn Nhà nước có giúp các dự án ngàn tỉ hết "tắc nghẽn"?

Doanh nghiệp đường sắt, cao tốc, cảng hàng không sẽ về lại 'nhà xưa'?
Do ngân sách cấp phát cho các dự án của Tổng công ty Đường cao tốc Việt Nam (VEC), nay doanh nghiệp về Ủy ban QLVNN quản lý thì việc hạch toán nguồn tiền phải cấp phát sẽ gặp nhiều khó khăn. Ảnh minh họa: TTXVN

Nguồn gốc của những cuộc chuyển giao

Cuối năm 2018, Bộ GTVT là nơi bàn giao sớm nhất quyền đại diện vốn chủ sở hữu tại 5 doanh nghiệp: Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), Tổng công ty Đường cao tốc Việt Nam (VEC), Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) và Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) sau quyết định của Chính phủ về việc thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước (CMSC) nhằm tách bạch quyền quản lý vốn nhà nước và quyền quản lý chuyên ngành đối với các doanh nghiệp.

Sự hào hứng ban đầu của cuộc chuyển giao nhanh chóng đi qua. Vì mục tiêu là sau khi tách bạch, các doanh nghiệp dưới sự quản lý của CMSC sẽ hoạt động hiệu quả hơn, nhưng thực tế cho thấy đồng vốn trong mô hình mới đã không phát huy được hiệu quả.

Các luật và quy định hiện hành chưa tính đến mô hình CMSC. Khi doanh nghiệp thực hiện các dự án đầu tư, tùy theo quy mô dự án mà Chính phủ hay Chủ tịch UBND các địa phương phê duyệt chủ trương đầu tư. Sau đó, Hội đồng thành viên của các doanh nghiệp phê duyệt dự án. Các quy định hiện hành chưa cho phép CMSC phê duyệt dự án. Hơn nữa, khi các doanh nghiệp đã chuyển về CMSC thì nhiều dự án sử dụng vốn ngân sách theo dự toán trước đây nay các bộ không thể giao trực tiếp được nữa.

Một khó khăn khác là các doanh nghiệp cũng không thể bỏ tiền tự thực hiện các dự án, kể cả trường hợp vốn của doanh nghiệp dồi dào (như trường hợp của ACV muốn cải tạo đường lăn, sân đỗ tại sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất) vì các hạng mục hạ tầng khu bay, an toàn bay (đối với hàng không) và hạ tầng đường ray… (đối với đường sắt) hiện vẫn do Nhà nước độc quyền quản lý và sử dụng ngân sách cấp phát để thực hiện duy tu, bảo dưỡng.

Những khó khăn thực tế

Thời điểm trước khi Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) chưa chuyển về CMSC, việc giao dự toán ngân sách hàng năm được Bộ GTVT giao về trước tháng 12. Sau khi được giao dự toán, VNR sẽ thực hiện đặt hàng dịch vụ công ích với 20 công ty trực thuộc để thực hiện đảm bảo an toàn chạy tàu (gồm: tuần đường, gác chắn, duy tu, bảo trì, sửa chữa nhỏ…).

Tuy nhiên, sau khi VNR chuyển về Uỷ ban QLVNN, Bộ GTVT không thể thực hiện việc giao dự toán ngân sách theo cơ chế như trên do vướng Điều 49, Luật Ngân sách Nhà nước về phân bổ và giao dự toán ngân sách nhà nước: Sau khi được Chính phủ, Uỷ ban nhân dân giao dự toán ngân sách, các đơn vị dự toán cấp 1 ở trung ương và địa phương thực hiện phân bổ và giao dự toán ngân sách cho các đơn vị sử dụng ngân sách trực thuộc và đơn vị thuộc ngân sách cấp dưới.

Do gặp vướng mắc về cơ chế, hiện nay các doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ công ích của ngành đường sắt như: bảo trì, sửa chữa, tuần đường, gác chắn… đang hoạt động mà không có kinh phí, không được ký hợp đồng. Tình trạng này ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn chạy tàu và vận tải đường sắt.

Khó khăn của VNR dẫn đến việc Chính phủ đề nghị Bộ GTVT và Ủy ban QLVNN xem xét việc đưa VNR quay lại cơ chế quản lý cũ. Lý do: chỉ quay lại Bộ GTVT, ngân sách mới cấp phát và giao dự toán 2.800 tỉ đồng năm nay để doanh nghiệp trực thuộc thực hiện đơn đặt hàng… Bằng không, tất cả các hoạt động dùng vốn ngân sách chưa thể giao về cho doanh nghiệp qua CMSC được.

Câu chuyện ngành đường sắt có thể ngừng chạy tàu vì cơ chế quản lý thay đổi không phải là trường hợp duy nhất. ACV cũng gặp vấn đề tương tự từ cách đây khoảng một năm và Bộ GTVT đã phải gửi văn bản cho Thủ tướng đề nghị cho phép ACV thực hiện Dự án cải tạo đường cất hạ cánh và đường lăn tại các sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất do ngày một xuống cấp.

Khi cổ phần hóa ACV cách đây vài năm, hạ tầng khu bay (bao gồm đường lăn, sân đỗ, cất hạ cánh) không tính vào giá trị doanh nghiệp mà vẫn để lại là tài sản Nhà nước. Đây là một quyết định đúng của Chính phủ. Tuy nhiên, cái khó là sau khi tách bạch tài sản nhà nước và tài sản doanh nghiệp mà tài sản nhà nước lại do CMSC quản lý, ACV không thể tự quyết định việc thực hiện nâng cấp, cải tạo các hạng mục trên mà phải chờ Chính phủ quyết định.

Bộ GTVT đã từng đề nghị Thủ tướng bố trí vốn ngân sách trong kế hoạch 2016-2020 khoảng 4200 tỉ để đặt hàng ACV thực hiện dự án. Nhưng do ACV lại là CTCP nên nhà nước nên hiện tại, doanh nghiệp này hiện muốn đề xuất gì lại phải chờ CMSC. ACV cũng “vướng” Bộ Tài chính cũng chưa đồng thuận vì đây là CTCP nhà nước không thể chỉ định thầu dự án . Chỉ có cách, ACV quay lại quyền chủ sở hữu 95,4% vốn Nhà nước thuộc Bộ GTVT và được Bộ Tài chính cho phép mới có thể thực hiện dự án cải tạo hệ thống đường lăn, sân đỗ tại 2 sân bay.

Trường hợp doanh nghiệp thứ ba là VEC, hiện là chủ đầu tư 5 dự án đường cao tốc: TPHCM – Long Thành – Dầu Giây, Cầu Giẽ – Ninh Bình, Nội Bài – Lào Cai, Bến Lức – Long Thành và Đà Nẵng – Quảng Ngãi. Trong nhiều bản bBáo cáo về nợ công của Chính phủ báo cáo Quốc hội từ năm 2016 đến nay, việc ngân sách nhà nước đã phải cấp phát thay gần 4.000 tỉ đồng cho doanh nghiệp do VEC không trả được trái phiếu doanh nghiệp (Chính phủ bảo lãnh) còn nguyên tính thời sự. Do ngân sách cấp phát cho các dự án của VEC, nay doanh nghiệp về CMSC quản lý thì việc hạch toán nguồn tiền phải cấp phát sẽ gặp nhiều khó khăn hơn nữa. Mà Bộ GTVT thì không thể giao vốn cho doanh nghiệp như trước.

Trong khi đó, việc thẩm định các dự án dùng ngân sách như thế nào cho hợp lý là việc quá khó đối với CMSC, hiện đang quản lý 9 tập đoàn, 21 tổng công ty với tổng nguồn vốn chủ sở hữu lên đến gần 5 triệu tỉ đồng.

Ngày 17-2, Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông vận tải (GTVT) và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đánh giá toàn diện đề xuất điều chuyển Tổng công ty Đường sắt Việt Nam từ Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp về trực thuộc Bộ Giao thông vận tải.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông vận tải và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đánh giá toàn diện những ưu điểm và nhược điểm của đề xuất này, báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án sắp xếp vào đầu tháng 3/2020.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới