Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp FDI đề xuất Hà Nội bỏ mô hình sản xuất “3 tại chỗ”

Vân Ly

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đề nghị chính quyền Hà Nội không nên áp dụng mô hình sản xuất “3 tại chỗ”. Thay vào đó, nên cho phép người lao động có chứng nhận đã tiêm phòng vaccine từ 1 mũi trở lên hoặc có chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính được phép đi làm từ nhà không liên quan đó là vùng dịch hay không.

Bên cạnh đó, các nhà đầu tư còn đề nghị rút ngắn thời gian xin cấp phép cho chuyên gia nước ngoài vào Việt Nam làm việc… Các thông tin trên được các doanh nghiệp đề xuất tại cuộc hội nghị đối thoại về tháo gỡ khó khăn đối với các doanh nghiệp FDI trên địa bàn Hà Nội trong bối cảnh dịch Covid-19 được thành phố này tổ chức vào ngày 19-10.

Lãnh đạo Hà Nội trao đổi với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Ảnh: TP. Hà Nội

Doanh nghiệp cần được tự chủ về phương án chống dịch

Tại sự kiện, ông Nguyễn Hải Minh, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) cho biết, dù độ tiêm phủ vaccine khá rộng nhưng tại khối khách sạn, vẫn còn nhân viên chưa được tiêm mũi 2.

Ông Nguyễn Hải Minh cho hay ở khu vực quy mô nhỏ cấp xã, phường, ngành y tế có thể đánh giá độ rủi ro ở từng khu vực để doanh nghiệp và người dân biết. Hà Nội đã mở cửa trở lại, doanh nghiệp hy vọng đường bay từ Hà Nội đến các địa phương khác và quốc tế được mở, đồng thời mở cửa trường học để người lao động yên tâm trở lại làm bình thường. Đại diện Eurocham cũng đề xuất, thời gian tới doanh nghiệp cần được tự chủ hơn hơn về phương án chống dịch, tránh tình trạng chỉ vì có một ca nhiễm mà đóng cửa toàn bộ nhà máy…

“Chúng tôi tin rằng, đầu tư từ châu Âu sang Việt Nam tiếp tục tăng mạnh. Hà Nội là điểm đến tiềm năng của doanh nghiệp châu Âu. Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung tiếp tục cải cách như năm qua sẽ là điểm đến của dòng vốn đầu tư nước ngoài FDI chất lượng cao từ doanh nghiệp châu Âu,” ông Nguyễn Hải Minh nói.

Theo ông Inouce, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI) từ thực tiễn thời gian qua, ông đề xuất trong trường hợp sau này nếu dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp chính quyền không nên áp dụng biện pháp 3 tại chỗ (ăn ở và làm việc tại nhà máy). Nên cho phép người lao động có chứng nhận đã tiêm phòng vaccine từ 1 mũi trở lên hoặc có chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính được phép đi làm từ nhà, không liên quan đó là vùng dịch hay không. Bên cạnh đó chính quyền chỉ nên yêu cầu xét nghiệm đối với một số lượng người nhất định. Gia hạn hiệu lực của giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính là khoảng 2 tuần.

Ông Inoue mong muốn Hà Nội thống nhất tiêu chí áp dụng tại những khu vực trên địa bàn và thực hiện thủ tục cấp phép theo các tiêu chí, qua đó đẩy nhanh quy trình hành chính. Trong trường hợp phát sinh ca nhiễm F0 tại nhà máy thì có thể khoanh vùng dây chuyền sản xuất trong phạm vi cần thiết tối thiểu.

Bên cạnh đó các doanh nghiệp còn đề xuất liên quan đến nới lỏng quy định vận tải hàng hóa, việc xét nghiệm RT-PCR đối với lái xe chở hàng hóa làm tăng chi phí vận tải. Họ cho rằng khi áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tại khu vực có phát hiện ca nhiễm cộng đồng thì các phương tiện vận tải hàng hóa không được đi qua khu vực quận, huyện đó. Điều này gây cản trở lớn đến việc cung cấp vật tư, hàng hóa cần thiết phục vụ sản xuất nhu yếu phẩm của người dân và hoạt động sản xuất của nhà máy. Hơn thế, biện pháp 3 tại chỗ đối với doanh nghiệp vận tải cũng làm hạn chế nhiều đến số lượng lao động làm việc.

Các doanh nghiệp đề xuất nới lỏng tần suất xét nghiệm RT-PCR đối với lái xe chở hàng hóa nếu họ đã tiêm vaccine. Cho phép lưu thông qua cả khu vực đang thực hiện giãn cách xã hội nằm trên tuyến đường lưu thông có điểm đầu và điểm cuối là địa phương không thuộc diện giãn cách xã hội…

Còn ông Park Seung Bae, Tổng giám đốc Công ty TNHH JR22 Việt đề xuất, do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 nên tiến độ thực hiện của dự án xây dựng khách sạn 5 sao và văn phòng tại Khu đô thị Tây Hồ Tây do công ty này làm chủ đầu tư đã bị chậm lại, gây ra nhiều khó khăn. Đây là một dự án phát triển có sự tham gia trực tiếp của nhiều tổ chức tài chính Hàn Quốc. Vì vậy, doanh nghiệp mong muốn thành phố Hà Nội giúp đỡ, hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ triển khai các thủ tục hành chính để dự án được triển khai thành công.

Đại diện Bệnh viện Việt Pháp cho biết, bệnh viện này đã đầu tư dự án mở rộng quy mô với những công nghệ mới. Tuy nhiên, dịch Covid-19 gây ra những khó khăn trong việc hoàn thiện cấp phép cho dự án đầu tư. Bệnh viện đề nghị chính quyền cho phép gia hạn để đẩy nhanh quá trình cấp phép và thông qua, nhất là quá trình làm việc với các bộ liên quan để gia hạn giấy phép.

Trước tình trạng thiếu chuyên gia để cung cấp những dịch vụ chất lượng cao, bệnh viện mong muốn có giải pháp cấp phép nhanh hơn để các chuyên gia được vào làm việc. Ngoài ra, doanh nghiệp này còn cho rằng Hà Nội cần tiếp tục các chính sách gia hạn thuế giúp các doanh nghiệp hồi phục kinh doanh sau đại dịch.

Ngoài ra, một số đại diện doanh nghiệp cũng đề nghị rút ngắn thời gian xin cấp phép cho chuyên gia nước ngoài. Vì hiện nay chuyên gia phải chờ từ 1 đến 2 tháng mới hoàn thiện thủ tục vào làm việc tại Việt Nam. Cần lập ra một đơn vị giải quyết những khó khăn cho các doanh nghiệp FDI, tránh để doanh nghiệp phải đi đến quá nhiều bộ, sở, ngành mà không biết đơn vị nào sẽ giải quyết.

Các doanh nghiệp cũng kiến nghị Hà Nội cần tạo cơ chế về thuế suất. Các quy chế được giản đơn, hấp dẫn, dễ kiểm soát, tạo sự cạnh tranh không chỉ trong nước mà cả quốc tế. Doanh nghiệp cho rằng giảm thuế, miễn thuế nhưng không nên dùng cơ chế giãn thuế vì doanh nghiệp đang đuối sức thì việc giãn thuế không hỗ trợ được doanh nghiệp…

Giải quyết khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư

Chia sẻ tại hội nghị, ông Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã trả lời cụ thể ý kiến của các doanh nghiệp và việc quản lý lao động người nước ngoài tại Việt Nam, nhập cảnh chuyên gia, gia hạn giấy phép cho lao động nước ngoài.

Theo đó, việc nhập cảnh của các nhà đầu tư và chuyên gia trong bối cảnh dịch bệnh đã được quy định rõ và có cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm xử lý hồ sơ. Việc xử lý nhanh hay chậm tùy thuộc vào các địa phương. Theo quy định mới, giấy phép cho lao động người nước ngoài hết hạn cần được cấp mới, thủ tục đã thuận lợi hơn rất nhiều.

Cũng tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh, mục tiêu của Chính phủ là bảo vệ tối đa sức khỏe người dân, hạn chế ca mắc và tử vong, khôi phục, phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội. Đồng thời, căn cứ Nghị quyết 128/NQ-CP ban hành quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, UBND các tỉnh, thành phố cần bảo đảm sự lãnh đạo thống nhất từ trung ương đến địa phương, bảo đảm cho các doanh nghiệp vừa sản xuất, vừa chống dịch tốt.

Cũng theo Thứ trưởng Bộ Y tế, trong đợt dịch thứ 4, khi ca F0 xuất hiện tại phân xưởng nhà máy, chúng ta đã thực hiện theo nguyên tắc chỉ phong tỏa phân xưởng, sàng lọc, phun trùng khử khuẩn. Sau 24 giờ, phân xưởng được hoạt động trở lại, chứ không phong tỏa cả nhà máy như các giai đoạn trước.

Tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, với mong muốn thu hút nhiều nguồn lực đầu tư vào thủ đô, chính quyền thành phố Hà Nội đã và đang tập trung tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để nâng cao năng lực cạnh tranh của thành phố.

Tiếp thu, tổng hợp những ý kiến đóng góp của doanh nghiệp, ông Chu Ngọc Anh, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cam kết sẽ đồng hành để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong giai đoạn đại dịch Covid-19.

Tính đến hiện tại, Hà Nội đã thu hút được 6.625 dự án đầu tư nước ngoài đang còn hiệu lực, với tổng số vốn đăng ký vào khoảng 48,7 tỉ đô la Mỹ. Trong năm 2018 và năm 2019, Hà Nội đã dẫn đầu trên cả nước về thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài, với số vốn tương ứng của 2 năm đó là là 7,5 tỉ đô la Mỹ và 8,67 tỉ đô la Mỹ. Năm 2020, Hà Nội đứng thứ 3 cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài, đạt 3,83 tỉ đô la Mỹ.

Trong 9 tháng đầu năm nay, mặc dù Hà Nội chịu nhiều tác động tiêu cực bởi đại dịch Covid-19, nhưng các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào Hà Nội với số vốn đăng ký là 1,28 tỉ đô la Mỹ.

1 BÌNH LUẬN

  1. Đề nghị Chính phủ bỏ hẳn mô hình 3 tại chỗ trên cả nước, với công ty chưa tiêm vaccine cứ 7 ngày test nhanh 30% công ty là được rồi. Công ty đã tiêm 1 mũi hết rồi thì khỏi test, vì test ra cũng chả giải quyết được gì. Theo quy luật thì chủng delta giờ đã bị tự suy yếu trên toàn cầu và có thể tự biến mất vào tháng 12 này.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới