Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp FDI kiểm soát 95% thị trường thức ăn cho tôm

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Doanh nghiệp FDI kiểm soát 95% thị trường thức ăn cho tôm

T.Hằng

Doanh nghiệp FDI kiểm soát 95% thị trường thức ăn cho tôm
Cán bộ trại thực nghiệm CADET Bình Đại thuộc Trung tâm khuyến ngư Bến Tre đang xem xét mẫu tôm giống. Ảnh: Thái Hằng

(TBKTSG Online) – Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang chi phối thị trường thức ăn cho tôm, ước tính đến 95%, đồng thời chi phối giá thức ăn cho mặt hàng thủy sản xuất khẩu chiến lược này của Việt Nam.

Theo ông Dương Ngọc Minh, Phó chủ tịch Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (Vasep), các công ty có vốn đầu tư nước ngoài trong ngành thủy sản như Uni President, CP, Tom Boy… đang nắm trong tay gần như toàn bộ thị phần thức ăn cho tôm, theo ước tính khoảng 95%. Do đang rơi vào thời điểm trái vụ, giá các loại thức ăn cho tôm tỷ lệ đạm 35-40% có giá từ 28.000 đồng đến 30.000 đồng/kg. Khi bước vào thời điểm chính vụ, giá thức ăn có thể lên đến mức từ 38.000 đồng đến 42.000 đồng/kg.

“Trong khi đó, giá thành thức ăn cho tôm khá thấp. Đầu vào thấp, trong khi đầu ra bán giá cao nên các doanh nghiệp nước ngoài thu được siêu lợi nhuận từ khoản chênh lệch này", ông nói.

Bên cạnh việc chi phối thị trường thức ăn chăn nuôi, trong 2 năm trở lại đây, các doanh nghiệp nước ngoài cũng “gom” luôn cả thị trường con giống. Ông Minh cho biết thị phần tôm giống của họ đang chiếm khoảng 70% và hiện nguồn cung con giống không đủ để đáp ứng nhu cầu. Dựa trên những yếu tố trên, doanh nghiệp nước ngoài nắm trong tay khả năng chi phối giá.

“Thiếu cạnh tranh trong sản xuất thức ăn và tôm giống nên Việt Nam đang có giá thành nuôi tôm cao hơn so các nước lân cận”, ông nói.

Trong khi đó, doanh nghiệp trong nước do kết hợp nhiều yếu tố như thiếu chiến lược kinh doanh dài hạn, khả năng tài chính yếu, kết hợp với chính sách thắt chặt tín dụng trong nước cũng như ít có doanh nghiệp chấp nhận rủi ro, nên đã chịu thua doanh nghiệp nước ngoài ngay trên sân nhà.

Theo Vasep, trong nửa đầu tháng 10-2011, kim ngạch xuất khẩu tôm Việt Nam đạt trên 106 triệu đô la Mỹ, nâng tổng giá trị xuất khẩu mặt hàng này từ đầu năm đến ngày 15-10 đạt gần 1,8 tỉ đô la Mỹ, tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Sau 3 tháng hồi phục, xuất khẩu tôm sang Nhật Bản lại giảm trong nửa đầu tháng 10 nhưng ít hơn nhiều so với xuất khẩu sang Mỹ giảm tới 46%. Xuất khẩu sang EU cũng giảm 11%. Trong khi đó, xuất khẩu sang Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng mạnh (tăng gần 90%)

Hiệp hội nhận định, tình hình lũ lụt tại Thái Lan đã khiến nhiều nhà nhập khẩu tôm từ nước này như Mỹ, Nhật Bản e ngại các vấn đề về an toàn vệ sinh thực phẩm do dịch bệnh có thể lây lan theo dòng nước lũ đến các vùng nuôi tôm, đặc biệt là tôm thẻ chân trắng, sản phẩm chiếm hơn 90% sản lượng tôm xuất khẩu của Thái. Và đây là cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu. Thái Lan hiện đang chiếm 37% thị phần nhập khẩu tôm của Mỹ và là nhà cung cấp tôm lớn nhất cho Nhật Bản.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới