Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp FDI lo ngại chuỗi cung ứng đứt gãy sau đợt dịch mới

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Doanh nghiệp FDI lo ngại chuỗi cung ứng đứt gãy sau đợt dịch mới

Ricky Hồ

(KTSG Online) – Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), các chuyên gia trong và ngoài nước băn khoăn về việc các quyết định phòng chống dịch nghiêm ngặt có thể tác động đến tiêu dùng trong nước và chuỗi cung ứng toàn cầu.Doanh nghiệp FDI lo ngại chuỗi cung ứng đứt gãy sau đợt dịch mới

Tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho công nhân, nhân viên làm việc tại Khu công nghệ cao TPHCM. Ảnh: TTXVN

Hôm 14-7, Samsung Electronics đã tạm dừng sản xuất tại 3 trong 16 phân xưởng ở TPHCM, giảm số nhân công còn 3.000 từ tổng số 7.000 – theo quyết định và khuyến cáo của Bộ Y tế. Tương tự, hãng gia công giày Pouyen của Đài Loan đóng cửa trong 10 ngày kể từ ngày 15-7, ảnh hưởng đến các đơn hàng của Nike và Adidas. Chỉ riêng 200 nhà thầu phụ của Nike tại Việt Nam đã có số công nhân hơn nửa triệu người, bao gồm luôn 56.000 lao động của Pouyen.

Tinh thần hợp tác ở mức cao nhất

“Ba tại chỗ” và “một cung dường hai dịa điểm” là hai quy định phòng chống Covid-19 nghiêm ngặt nhất đang tạo áp lực cho các doanh nghiệp có vốn nước ngoài đang đóng trụ sở tại TPHCM. Nhưng họ có tinh thần hợp tác cao với nhà chức trách địa phương.

Trong thời điểm dịch bùng nổ, Nike đã làm việc với các nhà cung ứng về các quy định phòng dịch, bao gồm “bảo đảm đúng thời gian và giữ kênh liên lạc tốt nhất với công nhân để giúp tất cả bớt căng thẳng và lo lắng giữa tình trạng bất định” –  theo lời ông Lương Cường, giám đốc về phát triển bền vững của Nike.

Hãng Coca-Cola đã lập trại cho công nhân ngay tại phân xưởng. Tập đoàn nước giải khát còn trả thêm 10 đô la mỗi ngày cho những công nhân ở qua đêm tại nơi sản xuất, và cũng yêu cầu công nhân viết cam kết rằng họ hiểu lý do tại sao phải ở lại. “Chúng tôi phải chuẩn bị tâm lý cho tất cả mọi người”, bà Huỳnh Thị Ngọc Trúc – giám đốc nhân sự của Coca-Cola Vietnam – phát biểu tại webinar do Phòng Thương mại Mỹ (AmCham) tổ chức ngày 13-7.

Hãng công nghệ Intel thì cho nhân viên ở khách sạn. Các công ty lớn và tập đoàn nước ngoài cải tạo cấp bách các container chở hàng thành nơi ở tạm. Họ phải trả thêm phụ cấp mỗi ngày cho những công nhân bị buộc ở tại nơi làm việc.

Các cơ sở tại TP.HCM chiếm tỷ lệ lớn nhất trong chuỗi lắp ráp và thử nghiệm chip của tập đoàn Intel trên toàn cầu. Ảnh: Intel Vietnam

Hãng Intel cho biết 71% nhân viên của họ tại Việt Nam đã sớm được tiêm chủng đầy đủ. Đây là yếu tố quan trọng giúp Intel đặt được các mục tiêu của mình tại Khu công nghệ cao TPHCM (SHTP). Trong sáu tháng đầu năm, Intel chiếm đến 64% tổng giá trị xuất khẩu của khu công nghệ cao này – theo bà Uyên Hồ, Giám đốc về quan hệ công chúng của Intel tại Việt Nam và Malaysia.

Đợt xét nghiệm diện rộng tại Khu công nghệ cao Sài Gòn (SHTP) tại TP.HCM. Ảnh: VGP

Tinh thần tập thể ứng phó với áp lực mới

Quy định mới về tổ chức ăn ở tại nơi sản xuất và có xe đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc cho công nhân đã tạo áp lực cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Các doanh nghiệp nước ngoài có nguồn lực và sức chịu đựng hơn, nhưng mối lo trăm gánh cùng một lúc khiến mọi việc xáo động. "Giờ chúng tôi không chỉ lo nguyên liệu sản xuất như đồng hay sợi nữa, mà phải kiêm thêm lo ăn ở, giặt giũ, xét nghiệm diện rộng và tập thể dục cho người lao động", các diễn giả tham gia webinar phát biểu.

DaikanVietnam: Khu nghỉ ngơi của công nhân Công ty Daikan Việt Nam tại khu công nghiệp Amata ở Đồng Nai. Ảnh: VGP

Riêng ông Jonathan Moreno, tổng giám đốc của hãng công nghệ y tế Diversatek Vietnam, đã dọn vào sống chung với công nhân của hãng hơn một tuần.

Diversatek đã nâng trợ cấp thêm giờ và các phụ cấp khác, gấp đôi lương bình thường – Moreno cho biết. Nhưng ông nói rằng nhân viên đã đồng ý làm việc và ở tại chỗ trước khi chế độ phụ cấp ban hành. Moreno nói rằng hành động này thể hiện tinh thần tập thể cao, khác với chủ nghĩa cá nhân ở phương Tây.

Tác động dây chuyền

Thu hút FDI của Việt Nam trong vài thập niên qua và sự dịch chuyển các cơ sở sản xuất, lắp ráp điện tử và may mặc – các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam – từ Trung Quốc sang Việt Nam trong ba năm qua đã giúp Việt Nam có vai trò lớn hơn, có sức cạnh tranh hơn trong các chuỗi cung ứng toàn cầu. Sự biến động hay gián đoạn chuỗi này sẽ đè nén trực tiếp lên sản xuất và tiêu dùng nội địa của Việt Nam, và ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế thế giới.

"Việt Nam đưa ra các quy định bắt buộc để bảo vệ an toàn của người dân là mục tiêu hàng đầu, nhưng chúng tôi cũng phải vận hành doanh nghiệp để bảo vệ tính cạnh tranh của Việt Nam", bà Uyên Hồ nhấn mạnh.

Trong khi đó, nhà phân tích thị trường tài chính Nguyễn Tiến Đức của BIDV Securities tại Hà Nội nói rằng quyết định bắt buộc đóng cửa các hãng xưởng có công nhân nhiễm Covid-19 có thể làm đình trệ chuỗi cung ứng toàn cầu về hàng hóa và nguyên liêu thô trong quí 3-2021 và có thể làm chậm lại tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Chuyên gia phân tích của BIDV Securities cũng nói rằng các đợt bùng phát dịch hiện nay của Việt Nam khác với các đợt trước với tỷ lệ lây nhiễm chưa từng có. Ông cũng nói rằng 15 ngày tới là quãng thời gian quan trọng để TPHCM có thể xoay chuyển và khống chế dịch thành công.

Riêng ông Nick Ainsworth, giám đốc tiếp thị (CMO) của Dragon Capital – hãng quản lý tài sản lớn nhất Việt Nam, nói rằng thậm chí các công ty bị ảnh hưởng bởi các quyết định dừng sản xuất hay đóng cửa tạm thời có thể sẽ không trả lương công nhân. Vì thế, sức tiêu thụ hay sức mua của nền kinh tế sẽ giảm.

Ông Ainsworth nói thêm rằng Việt Nam là nền kinh tế được dẫn dắt bởi sức tiêu thụ nội địa và bất cứ suy giảm nào sẽ có tác động tức thời đến thị trường chứng khoán trong nước.

Chỉ số VN-Index của sàn chứng khoán TPHCM (HOSE) đang suy giảm sau khi đạt kỷ lục cao 1.424,28 điểm vào hôm 2-7 vừa rồi. Chỉ số HOSE đã giảm 10% trong phiên đóng cửa cuối từ các mức cao kỷ lục trong chưa đầy hai tuần qua.

Sáng 15-7, chỉ số này đã có lúc giảm 0,1% về còn 1280,92 điểm. Chuyên gia phân tích Nguyễn Tiến Đức của BIDV Securities nhận định chỉ số HOSE sẽ đậu lại mức trên 1.200 điểm trước khi tăng dần trở lại trong tháng 8 tới.

Trong khi đó, các doanh nghiệp FDI đang ráo riết đẩy mạnh các giải pháp nhằm giảm thiểu thiệt hại của sự đứt gãy hay gián đoạn của chuỗi cung ứng toàn cầu.

Nike đang gấp rút vận chuyển các lô giày thể thao đã hoàn tất bằng đường hàng không từ Việt Nam đi Mỹ và châu Âu giữa lúc cuộc khủng hoảng giá cước tàu biển vẫn chưa dịu xuống.

Samsung đang lo ngại về các mục tiêu sản xuất kinh doanh trong năm sau khi dịch đã tấn công các nhà máy của họ ở phía Bắc – cứ điểm chiếm đến 50% năng lực chế tạo smartphone của Samsung – từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 7. Và nay, đến cụm nhà máy chế tạo đồ gia dụng điện tử tại TPHCM. Bên cạnh đó, Samsung cùng với LG và các tập đoàn khác của Hàn Quốc đang đối đầu với các cuộc bạo động và hôi của tại hai thành phố Johannesburg và Durban ở Nam Phi trong ngày 14-7.

Trong khi đó, tập đoàn Apple có phần nào an tâm hơn bởi dịch ở các khu công nghiệp phía Bắc đã được khống chế. “Nhà táo” đang có kế hoạch tăng 20% sản lượng dòng iPhone mới trong năm nay. Việt Nam là một mắt xích quan trọng trong kế hoạch tăng sản lượng này.

Trong khi các biện pháp chống dịch phần nào có hiệu quả, nhưng các doanh nghiệp FDI đề nghị rằng nên nới lỏng một số hạn chế để thúc đẩy sản xuất. Chẳng hạn, họ đề nghị chính quyền cấp phép cho nhà tư vấn nước ngoài được nhập cảnh Việt Nam, và chấp nhận các xét nghiệm nhanh tìm kháng nguyên thay cho các xét nghiệm RT-PCR khá tốn kém.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới