Doanh nghiệp FDI lo ngại ùn tắc giao thông, chậm phát triển hạ tầng
Hùng Lê
(TBKTSG Online) – Hàng loạt ý kiến liên quan đến việc cải thiện môi trường đầu tư, như sớm phát triển hạ tầng để giảm nạn ùn tắc giao thông, cải cách hơn nữa thủ tục hành chính, đào tạo nguồn lao động chất lượng cao, bảo hộ quyền lợi hợp tác của các nhà đầu tư, cần ưu tiên tăng trưởng xanh… được đại diện Hiệp hội, tổ chức doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam gửi đến lãnh đạo TPHCM tại một sự kiện vào ngày 23-3.
![]() |
Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân (trái) bắt tay, trao đổi với các nhà đầu tư tại hội nghị -Ảnh: Hùng Lê |
Sự kiện Hội nghị gặp gỡ giữa lãnh đạo TPHCM và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài năm 2019 với chủ đề: TPHCM: Hội tụ nguồn lực, kiến tạo tương lai do Thành ủy- Hội Đồng Nhân dân và UBND TPHCM tổ chức thu hút đại diện của 25 hiệp hội doanh nghiệp, tổ chức nước ngoài và gần 200 doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang hoạt động tại TPHCM.
Ông Tomaso Andreaatte, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam cho rằng cơ sở hạ tầng giao thông còn yếu kém, và nạn ùn tắc giao thông còn diễn ra thường xuyên được cho là ảnh hưởng đến nhà đầu tư mà thành phố cần sớm cải thiện.
Đại diện EuroCham kiến nghị thành phố đẩy mạnh thực hiện các dự án kết cấu hạ tầng như mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất; đảm bảo hoàn thành dự án đường sắt đô thị Bến Thành – Suối Tiên vào năm 2020 như dự kiến; xử lý ngập lụt; nâng cao chất lượng các trạm giao thông công cộng; xây dựng một cơ sở hạ tầng toàn diện hài hòa với trật tự đô thị và quy hoạch giao thông.
EuroCham cũng quan tâm về tăng trưởng xanh, kiến nghị thành phố thành lập một bộ phận chuyên trách các tiêu chuẩn về xử lý nước thải, tập trung quản lý các khu công nghiệp xả thải trực tiếp chưa qua xử lý môi trường, áp dụng các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc. Đáng chú ý; EuroCham kiến nghị thành phố đề xuất với Chính phủ ban hành các chính sách cụ thể để kiểm soát chất lượng không khí và khí thải; đẩy mạnh phát triển phương tiện giao thông công cộng.
Trong khi đó, ông Matthew Lourey, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Úc tại Việt Nam (AusCham), lo TPHCM như một điểm đến hấp dẫn cho nhà đầu tư lâu nay đã phần nào bị mờ nhạt trong những năm gần đây do vấn đề giao thông.
"Các nhà đầu tư đang thất vọng về tình trạng tắc nghẽn giao thông ngày càng tăng và tiến độ chậm trễ của dự án tàu điện ngầm", ông Lourey lưu ý. Ông cho rằng nếu không giải quyết được những vấn đề này thì xu hướng hay mong muốn đặt cơ sở tại TPHCM của các nhà đầu tư nước ngoài có tiềm năng sẽ bị giảm đi. Các chiến lược bao gồm ưu tiên giao thông công cộng, cung cấp đầy đủ chỗ đỗ xe và hạn chế vận chuyển tư nhân vào các khu vực trọng yếu là tất cả lĩnh vực cần tập trung để TPHCM không bị bỏ lại phía sau.
Những thay đổi gần đây đối với quy định nhân viên nước ngoài phải đóng bảo hiểm xã hội vẫn gây lo ngại về việc làm thế nào các cá nhân nước ngoài sẽ có thể hưởng lợi thực tế từ những đóng góp của họ. Vấn đề vẫn chưa được giải quyết kể từ khi những thay đổi về bảo hiểm có hiệu lực từ ngày 1/12/2018. AusCham mong muốn được làm việc với Ủy ban Nhân dân TP.HCM, các sở ngành để giải quyết các vấn đề nêu ra và tiếp tục thúc đẩy các hoạt động đầu tư, kinh doanh của Úc với TP.HCM và Việt Nam.
Phó Trưởng đại diện Văn phòng Kinh tế và Thương mại Tây Ban Nha tại TPHCM, ông Carlos Dominguez Agulleiro, cho rằng vẫn còn những cản trở làm chậm sự tăng trưởng và ảnh hưởng đến các khoản đầu tư và dự án tiềm năng. Đáng chú ý, sự chậm trễ hiện nay của các dự án metro, cũng như các dự án quan trọng khác như sân bay, có những ảnh hưởng đối với các đối tượng liên quan đến sự phát triển của dự án. Việc thiếu cơ sở hạ tầng phù hợp làm giảm đáng kể khả năng cạnh tranh của Việt Nam so với các nước khác vì nó làm tăng chi phí sản xuất. Mặc dù có những cải tiến lớn đạt được về thủ tục hành chính, nhưng theo ông TPHCM vẫn thiếu sự minh bạch trong các thủ tục, gây ra sự chậm trễ và không chắc chắn cho các doanh nghiệp và dự án đầu tư.
Giải quyết sự thiếu hụt ngày càng tăng trong nguồn cung so với nhu cầu về năng lượng điện theo đại diện AmCham là nhu cầu bức thiết hiện nay. Các doanh nghiệp thành viên AmCham rất muốn góp phần phát triển năng lượng cho thành phố với tiêu chí bảo vệ môi trường, sức khỏe, kinh tế và mục tiêu an ninh chính trị của quốc gia.
Về cơ chế chính sách thu hút đầu tư, năm 2018, thành phố đã thu hút đầu tư nước ngoài đạt trên 7,6 tỉ đô la, trong đó M&A chiếm 83%, điều này không tạo nên giá trị gia tăng cao cho nền kinh tế. Do đó, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND thành phố chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài giai đoạn 2019 – 2025 theo hướng thu hút đầu tư có chọn lọc, phù hợp với quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, phát huy lợi ích và hạn chế các bất cập do đầu tư nước ngoài mang lại; giao Sở Khoa học và Công nghệ tham mưu các giải pháp tận dụng và gắn kết đầu tư nước ngoài với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Tại hội nghị này, Thành phố công bố 255 dự án mời gọi đầu tư, trong đó có 245 dự án xã hội hóa và Thành phố cũng nêu ra những định hướng nghiên cứu, phát triển trọng tâm của Thành phố trong giai đoạn tới. Vì vậy, Thành phố kêu gọi các doanh nghiệp FDI tham gia vào các dự án lớn của Thành phố, đồng hành, sáng kiến và góp sức cùng Thành phố trong việc xây dựng và triển khai các chương trình, đề án trọng tâm mà TP đang tập trung triển khai trong giai đoạn 2015 – 2020. |