Thứ Ba, 19/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp FDI tự tin nhưng cũng nhiều lo lắng

Quốc Hùng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Bất chấp những khó khăn và đứt gãy do đại dịch Covid-19 gây ra, các doanh nghiệp đến từ Mỹ và châu Âu vẫn có cái nhìn lạc quan về thị trường Việt Nam, nhưng chính sách và cách thực thi chính sách thì vẫn khiến họ lo lắng.

Tín hiệu dòng đầu tư từ Mỹ

Ông Andrew Lien, Tổng giám đốc Công ty Wanek Furniture, cho biết hoạt động sản xuất của Wanek Furniture tại tỉnh Bình Dương đã hồi phục được hơn 70%, và với niềm tin vào tương lai phát triển ở Việt Nam Wanek Furniture đang xúc tiến xây dựng cơ sở sản xuất mới ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu với vốn đầu tư hàng chục triệu đô la Mỹ.

Công nhân của một liên doanh có vốn đầu tư Mỹ tại Việt Nam đang làm việc ở nhà máy sản xuất ô tô. Ảnh: Quốc Hùng

Tương tự, ông KJ Ung, Giám đốc First Solar Việt Nam, cũng cho biết trong thời gian dịch bệnh hoành hành, công ty ông đã phải tăng nhiều khoản chi phí để duy trì sản xuất ở khu công nghiệp Đông Nam (TPHCM). Dù khó khăn, nhưng theo ông, First Solar vẫn có kế hoạch tăng đầu tư cho tổ hợp sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời hơn 1 tỉ đô la Mỹ này.

Với việc tái mở cửa phục hồi kinh tế, lãnh đạo Coca Cola Việt Nam cũng tin tưởng Việt Nam sẽ phát triển mạnh và nhanh trở lại. Coca Cola đang xúc tiến dự án đầu tư nhà máy mới bên cạnh các nhà máy hiện có tại TPHCM, Hà Nội, và Đà Nẵng. Các doanh nghiệp đến từ Mỹ khác như P&G, PepsiCo,… cũng cam kết rót thêm vốn mở rộng sản xuất.

Theo bà Mary Tarnowka, Giám đốc điều hành Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (Amcham), khảo sát mới nhất về cộng đồng doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam cho thấy bức tranh hồi phục các hoạt động sản xuất khá nhanh và có đến 99% số doanh nghiệp nước này lạc quan ở các mức độ khác nhau về khoản đầu tư của mình.

Doanh nghiệp EU tăng tốc

Tương tự, cộng đồng doanh nghiệp đến từ EU cũng nhìn thấy triển vọng dài hạn của nền kinh tế nên chọn Việt Nam là quốc gia sản xuất quan trọng trong chiến lược mở rộng đầu tư. Tám trong mười nhà lãnh đạo doanh nghiệp EU ở Việt Nam được khảo sát mới đây cho biết họ có kế hoạch duy trì hoặc tăng số lượng nhân viên và vốn đầu tư.

Đơn cử như Nestlé đã công bố đầu tư thêm 132 triệu đô la nhằm tăng gấp đôi công suất chế biến các dòng cà phê chất lượng cao tại nhà máy Nestlé Trị An (Đồng Nai). Khoản đầu tư này đã nâng tổng giá trị đầu tư của Nestlé Việt Nam lên gần 730 triệu đô la.

“Chúng tôi tin vào tương lai của Việt Nam với vai trò là trung tâm sản xuất toàn cầu và khu vực, chúng tôi tiếp tục mở rộng các hoạt động đầu tư bền vững tại Việt Nam”, ông Binu Jacob, Tổng giám đốc Nestlé Việt Nam nói, và cho biết với lực lượng lao động giỏi tay nghề và tinh thần làm việc cống hiến, hệ thống vận hành của Nestlé Việt Nam được ghi nhận đang nằm trong nhóm hiệu quả và linh động hàng đầu đối với tất cả thị trường mà Tập đoàn Nestlé đang có mặt.

Còn ông Lionel Adenot, Tổng giám đốc Decathlon Việt Nam, khẳng định Việt Nam đang và sẽ vẫn là một quốc gia sản xuất quan trọng của tập đoàn. Công ty sẽ khởi động lại mạnh mẽ vào năm 2022 và dự kiến sẽ tăng tốc trong những năm tiếp theo.

Bàn về kế hoạch phát triển sau đại dịch, ông Guru Mallikarjuna, Giám đốc điều hành của Bosch Việt Nam, khẳng định những lợi ích tiềm năng của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có tầm quan trọng lớn đối với cộng đồng doanh nghiệp.

Theo ông, năm đầu tiên thực hiện EVFTA đã cho thấy những nỗ lực lớn của Chính phủ và các địa phương trong cải thiện môi trường kinh doanh. “Chúng tôi có tham vọng đưa Việt Nam trở thành trung tâm phát triển hàng đầu của Tập đoàn Bosch toàn cầu và đã có lộ trình trong năm năm tới với kế hoạch như tăng gấp đôi nhân lực của trung tâm phần mềm tại TPHCM, lập chi nhánh trung tâm mới tại Hà Nội, và mở rộng quy mô nhà máy Đồng Nai…”, ông Guru chia sẻ.

Sau các đợt giãn cách kéo dài vì Covid-19, hiện các hoạt động sản xuất dần quay trở lại. “Giờ đây, với việc bước sang một giai đoạn mới trong cuộc chiến chống lại đại dịch, chúng ta nên bắt đầu tập trung vào tương lai. Mục tiêu của chúng tôi không còn chỉ là để tồn tại, mà là để phát triển”, ông Alain Cany, Chủ tịch EuroCham nói, và cho rằng: “Nếu tận dụng tối đa EVFTA sẽ mở ra một làn sóng thương mại đầu tư mới”.

Vaccine + chính sách nhất quán toàn quốc

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, vấn đề tiên quyết để doanh nghiệp yên tâm đầu tư kinh doanh là tiếp cận vaccine cho người lao động, cùng một chính sách nhất quán triển khai trên toàn quốc để sống chung an toàn với Covid-19.

Các doanh nghiệp đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong việc hỗ trợ vaccine và cho rằng, chiến lược vaccine cần tiếp tục tăng cường cũng như xây dựng chuỗi cung ứng mạnh mẽ hiệu quả. Đại diện PepsiCo Việt Nam và Wanek Furniture kỳ vọng Chính phủ và các địa phương linh hoạt và nhất quán trong việc phòng chống dịch. Và để việc sản xuất không bị gián đoạn thì cần phải đi trước, đón đầu triển khai vaccine bởi sau sáu tháng mọi người phải được tiêm mũi 3.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Mỹ còn chỉ ra những rủi ro khác đang hạn chế hoạt động tại thị trường Việt Nam như sự lo ngại sự đứt gãy chuỗi cung ứng, các chính sách liên quan đến F0 hay F1 chưa nhất quán, hay thủ tục đưa chuyên gia, lao động nước ngoài vào Việt Nam phức tạp…

Ông Hans Kerstens của EuroCham nhận định, Việt Nam đã nỗ lực cắt giảm các thủ tục hành chính và điều chỉnh các văn bản pháp luật theo hướng hài hòa với thông lệ quốc tế, song quá trình thực thi trên thực tế còn nhiều bất cập.

Vấn đề thiếu hụt lao động cũng đang là nỗi lo của doanh nghiệp. Theo bà Mary Tarnowka, có 57% doanh nghiệp Mỹ được khảo sát cho biết tình trạng thiếu hụt lao động sau dịch mà nguyên nhân chủ yếu là người lao động đã về quê và không có ý định quay trở lại thành phố. Trong khi đó trẻ em chưa thể đến trường buộc phụ huynh phải ở nhà làm việc, hướng dẫn con học trực tuyến.

“Phá” lực cản để dòng vốn khơi thông

Triển vọng thu hút vốn FDI ở Việt Nam được xem là rất sáng sủa trong bối cảnh nhiều nhà đầu tư từ các quốc gia phát triển dần chuyển hướng đến Việt Nam. Các nhà đầu tư đến từ Mỹ và EU tin tưởng việc đẩy nhanh cải thiện môi trường kinh doanh, pháp lý và cải cách thể chế sẽ giúp Việt Nam phục hồi nhanh sau đại dịch và sẽ tiếp tục nhận được những khoản đầu tư lớn.

Đơn cử trong lĩnh vực hạ tầng vận tải – hậu cần, ông Hans Kerstens của EuroCham nhận định, Việt Nam đã nỗ lực cắt giảm các thủ tục hành chính và điều chỉnh các văn bản pháp luật theo hướng hài hòa với thông lệ quốc tế, song quá trình thực thi trên thực tế còn nhiều bất cập. Ngoài ra, việc phát triển ngành dịch vụ logistics hiện rất khó khăn do thiếu kho bãi, thiếu đất xây các trung tâm phân phối hậu cần ở Hà Nội và TPHCM.

Hay trong lĩnh vực dược phẩm, đối với hoạt động đăng ký thuốc, các công ty dược nước ngoài tiếp tục gặp phải sự chậm trễ đáng kể và các rào cản pháp lý để được cấp và duy trì giấy đăng ký lưu hành.

Một số doanh nghiệp còn bày tỏ sự lo lắng khi cam kết sử dụng 100% năng lượng sạch trong tương lai gần. Bởi lẽ những cơ chế để đạt được mục tiêu 100% năng lượng sạch ở Việt Nam vẫn còn hạn chế. Điều này ảnh hưởng đến sức hấp dẫn của Việt Nam với tư cách là một địa điểm sản xuất.

Theo Đại sứ Giorgio Aliberti, Trưởng phái đoàn EU tại Việt Nam, để thu hút nhiều hơn nhà đầu tư đến từ EU, Việt Nam cần sửa đổi nhiều khung khổ quy định pháp lý, tiêu chuẩn liên quan tới đầu tư bởi thực tế đã có những quy định lỗi thời. “Việt Nam cần là nền kinh tế hiện đại công nghiệp hóa, thể chế pháp lý phù hợp thể chế kinh tế thị trường, không có sự phân biệt giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài liên quan thuế và các cơ chế quản lý khác”, ông Aliberti nói.

EuroCham tuần trước đã công bố Sách trắng 2021 tập hợp ý kiến của hơn 1.200 doanh nghiệp EU tại Việt Nam với nhiều khuyến nghị về cải thiện môi trường thương mại, đầu tư kinh doanh. Theo Chủ tịch EuroCham, nếu những khuyến nghị này được cải thiện, sẽ giúp Việt Nam phục hồi nhanh chóng sau đại dịch và trở thành thị trường rộng mở, cạnh tranh, hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư nước ngoài.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới