Thứ Hai, 25/09/2023, 14:46
34 C
Ho Chi Minh City

Đặt báo in

Thông tin quảng cáo

Thông tin quảng cáo


Doanh nghiệp gạo thuận lợi, dệt may gặp khó

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Doanh nghiệp gạo thuận lợi, dệt may gặp khó

Hải Hà – Phương Thảo

Cây bông vải ở Việt Nam đang hồi sinh nhưng diện tích còn khiêm tốn – Ảnh: TL.

(TBKTSG Online) – Nông sản thế giới trong tuần qua đa phần đều tăng nhưng với các doanh nghiệp Việt Nam thì có những thuận lợi và khó khăn trái chiều nhau.

>>Giá bông vải tăng cao kỷ lục trong vòng 150 năm qua

>>VFA: Xuất khẩu gạo theo hướng linh hoạt

Cơ hội cho lúa gạo

Sau khi đạt kỷ lục 6,8 triệu tấn trong năm 2010, triển vọng xuất khẩu gạo Việt Nam sẽ tiếp tục thành công trong năm 2011 nhờ nhu cầu mạnh không chỉ từ những khách hàng truyền thống mà cả những khách hàng mới. Việc giá gạo tương đối ổn định trong khi giá những ngũ cốc khác tăng hơn 50% trong năm qua đang khiến cho người tiêu dùng ngũ cốc chuyển hướng sang sử dụng gạo thay thế. Đây là cơ hội tốt cho ngành lúa gạo nước ta.

Trong khi giá bắp và lúa mì trên thị trường Mỹ đã tăng hơn 50% kể từ đầu năm ngoái tới nay thì giá gạo tại Thái Lan hầu như không thay đổi từ đầu năm tới nay, sau khi giảm khoảng 10% trong năm qua. Điều này sẽ hấp dẫn các nhà tiêu thụ ngũ cốc chuyển hướng sang mặt hàng gạo.

Theo Tổ chức Nông Lương Liên Hiệp Quốc (FAO), chỉ số giá 55 loại lương thực, thực phẩm đã tăng 3,4% trong tháng 1 so với tháng trước đó, lên 231 điểm, là tháng thứ 7 liên tiếp tăng, và chưa có dấu hiệu ngừng lại, do giá ngũ cốc, đường và sữa tăng mạnh.

Dấu hiệu khả quan đầu tiên là xuất khẩu gạo của cả nước trong tháng 1 vừa qua đạt trên 485.000 tấn, tăng mạnh so với mục tiêu 350.000 – 400.000 tấn, trong đó trên 300.000 tấn gạo xuất sang Malaysia và Indonesia, theo số liệu của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA).

Với đà này, xuất khẩu trong quí 1 có thể đạt 1,6 triệu tấn, và tăng lên 2,25 triệu tấn trong quí 2.

Nguồn cung gạo trên thị trường thế giới lúc này khá dồi dào, khi mà cả Việt Nam và Thái Lan – hai nước xuất khẩu hàng đầu thế giới – đều vào vụ thu hoạch. Tuy nhiên, việc giá lương thực toàn cầu tăng lên mức cao kỷ lục trong mấy tháng gần đây, chủ yếu do giá lúa mì, bắp và hạt có dầu cao, sẽ khiến một số nhà nhập khẩu xúc tiến việc mua gạo sớm hơn so với kế hoạch để đảm bảo an ninh lương thực và tránh lạm phát.

Dự kiến với nhu cầu gia tăng từ Indonesia, Bangladesh và Srilanka, giá gạo sẽ tăng trong vài tháng tới, mặc dù nguồn cung hiện khá dồi dào ở cả hai nước xuất khẩu lớn là Thái Lan và Việt Nam, và Philippine có kế hoạch giảm nhập khẩu gạo.

Từ mức 540 – 545 đô la/tấn hiện nay, giá sẽ tăng lên mức 550 đô la/tấn vào cuối tháng, và tiếp tục tăng lên 567,5 đô la/tấn trong tháng tiếp theo.

Trong báo cáo mới nhất, Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo dự trữ gạo thế giới cuối vụ 2010/11 sẽ giảm nhẹ 0,3% xuống mức 94,4 triệu tấn. Sản lượng gạo toàn cầu sẽ tăng khoảng 3% lên 452 triệu tấn, song tiêu thụ cũng tăng lên 452,8 triệu tấn.

Dệt may gặp khó

Giá bông vải trên thị trường thế giới hiện đang ở mức cao nhất trong vòng 150 năm qua bởi nhu cầu vượt xa nguồn cung. Dự báo trong những ngày tới, giá bông tiếp tục tăng và sẽ chạm mốc 2 đô la/lb (1 lb = 0,454 kg).

Tính đến ngày 11/2, giá bông giao kỳ hạn tại Sở giao dịch hàng hoá New York (ICE) đã có 3 phiên lập kỷ lục liên tiếp và đang dao động quanh mức 1,9 đô la/lb – mức cao nhất kể từ cuộc nội chiến Mỹ giữa thế kỷ trước, bởi nhu cầu mua vào mạnh từ các nhà đầu cơ và các quỹ hàng hoá, trong khi nguồn cung lại rất hạn chế. Trong tuần đến ngày 11/2, giá bông đã tăng 12% – tuần tăng nhiều nhất kể từ tuần kết thúc ngày 3/12/2010.

Kể từ giữa tháng 1 tới nay, giá bông đã tăng hơn 30% dưới sức mua mạnh từ các nhà máy trong bối cảnh vật tư khan hiếm. Tình hình càng trở nên trầm trọng hơn bởi thực tế nguồn cung từ Mỹ, nước xuất khẩu lớn nhất thế giới, đang thắt chặt. Trong khi đó tại Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ bông nhiều nhất, lại đang chịu hạn hán, còn kế hoạch xuất khẩu lượng lớn bông như dự kiến của Ấn Độ có thể không hoàn thành.

Tại Mỹ, các thương nhân ước tính, có tới hơn 95% trong tổng sản lượng 18,32 triệu kiện ( 1 kiện = 480 lb) đã bán hết. Tại Ấn Độ, sản lượng bông trong năm nay chắc chắn thấp hơn so với dự kiến bởi năng suất thấp và điều này có thể khiến chính phủ phải cắt giảm kế hoạch xuất khẩu 5,5 triệu kiện.

Hãng tin Reuters dẫn lời của người đứng đầu Hiệp hội Bông Ấn Độ cho biết, sản lượng có thể chỉ đạt 30,5 triệu kiện, so với 32,9 triệu kiện đề ra trước đó. Sản lượng của các nước Trung Á năm nay dự kiến sẽ chỉ đạt 7,02 triệu kiện.

Nhu cầu bông trong khi đó lại tăng không ngừng. Hạn hán khiến sản lượng giảm có thể buộc Trung Quốc phải nhập tới 11,94 triệu kiện trong năm nay. Còn Pakistan, quốc gia tiêu thụ bông lớn thứ 3 thế giới, đang trong tình trạng thiếu bông nghiêm trọng và dự kiến sẽ nhập khẩu từ 1,5 đến 2 triệu kiện trong năm nay nhằm đáp ứng sự thiếu hụt bông sau trận lũ lịch sử mà nước này phải gánh chịu hồi năm 2010. Sản lượng bông trong mùa vụ 2010/11 dự đoán chỉ khoảng 11,7 triệu kiện, thấp hơn mức 14 triệu kiện mà chính phủ đề ra hồi đầu năm, trong khi nhu cầu nội địa ước tính ở mức 14 – 16 triệu kiện.

Ở nước ta, xuất khẩu dệt may năm 2010 đã đứng trong top 5 thế giới và hướng tới mục tiêu thuộc top 3 trong năm nay, thế nhưng nguồn bông nguyên liệu phục vụ sản xuất lại phụ thuộc phần lớn vào nhập khẩu, chủ yếu từ Mỹ và Ấn Độ.

Trong bối cảnh giá bông cao kỷ lục, ngành dệt may sẽ khó tránh khỏi những trở ngại trên con đường đi tới mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 13 tỉ đô la đề ra cho năm nay.

Dự báo tháng 2/2011 của Bộ Nông nghiệp Mỹ về niên vụ bông 2010/11

Mỹ

Thế giới

Sản lượng

18,32 triệu kiện

115,25 triệu kiện

Tiêu thụ

116,55 triệu kiện

Xuất khẩu

15,75 triệu kiện

Dự trữ cuối vụ

1,90 triệu kiện

42,81 triệu kiện

(Theo Reuters, Bloomberg)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới