Chủ Nhật, 24/09/2023, 07:17
34 C
Ho Chi Minh City

Đặt báo in

Thông tin quảng cáo

Thông tin quảng cáo


Doanh nghiệp gặp “khó chồng khó”

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Doanh nghiệp gặp “khó chồng khó”

Thái Hằng

Các nhà máy sợi đang đau đầu với giá điện vừa qua tăng trung bình trên 15%. Ảnh: Mỹ Tú.

(TBKTSG Online) – Hầu như các phương án kinh doanh trong năm mới của nhiều doanh nghiệp đều không lường hết được các yếu tố từ tăng tỷ giá, lãi suất cao cho đến tăng giá năng lượng mà gần nhất là phương án tăng giá điện hơn 15%. Chính vì thế, không ít doanh nghiệp sản xuất bị đẩy vào tình thế bị động.

Khó từ sản xuất nhỏ đến lớn

Bà Dương Thị Lang, chủ một xưởng sản xuất mâm bánh xe ở đường Lò Siêu, quận 11 ít hôm sau ngày khai trương sau Tết Nguyên Đán đã nhận ngay báo tăng giá của các nhà cung cấp nguyên liệu nhôm, thép sẽ tăng giá từ 10-15% tùy sản phẩm. Ngay cả phế liệu như thân thùng thiếc loại 1,2 li cũng đã tăng từ 140.000 đồng/kg lên trên 150.000 đồng/kg, còn tôn dầu tăng lên 15.200 đồng/kg lên từ 14.000 đồng/kg trong Tết.

Cùng với đó, một số loại vật tư cho sản xuất như sơn, thiết bị hàn đều tăng giá. Sau Tết bà Lang cùng một số xưởng sản xuất thủ công ở khu vực Lò Siêu không ai bảo ai cũng tự động tăng tiền lương cho nhân công. Không ít thì nhiều chủ cũng trả thêm từ 5.000 đến 10.000/ngày công có bao cơm cho vì sợ thợ đột ngột nghỉ việc.

“Tất cả chi phí từ vật tư đến điện, nước đều tăng trong khi các đầu mối mua hàng của tôi ở chợ Kim Biên bán ra các tỉnh phía Bắc chỉ chấp nhận tăng giá 1.000 đồng/sản phẩm,” bà than.

Ngày thứ Hai ở công ty cổ phần đầu tư và phát triển Thiên Nam, chuyên sản xuất sợi ở tỉnh Bình Dương trải qua khá căng thẳng. Cuộc họp ban giám đốc kéo đến qua 12h trưa mới kết thúc, ông Trần Đăng Tường, tổng giám đốc công ty với nét mặt đăm chiêu cho biết

“Chính phủ vừa công bố tăng giá điện từ tháng 3 trong ngày thứ 6 tuần rồi, cùng với nhiều thay đổi trong chính sách tỷ giá, lãi suất mới đây khiến tôi không thể không triệu tập ban giám đốc để cùng bàn giải pháp gỡ khó cho công ty”, ông nói.

Theo ông Tường, Công ty điện lực Bình Dương vừa rồi yêu cầu doanh nghiệp sản xuất giảm 13% lượng tiêu thụ điện trong khi đặc trưng ngành sợi thường tiêu thụ điện cao. “Hệ thống máy chạy 24/24 thì yêu cầu giảm bao nhiêu lượng tiêu thụ điện đồng nghĩa với giảm bấy nhiêu sản lượng sợi. Theo tính toán, với sản lượng hàng tháng vào khoảng 1.600 tấn sợi, việc cắt giảm trên trước mắt sẽ gây thiệt hại 208 tấn sợi/tháng, nếu tính dựa trên giá thành sản xuất sẽ cho ra kết quả giảm doanh thu của công ty hàng tỉ đồng!”, ông cho biết.

Cũng theo ông, tiền điện chiếm khoảng 1/4 giá thành một kilogram sợi nên trên dù việc buộc phải cắt giảm kia sẽ “tiết kiệm” được cho công ty chỉ 1/4 số tiền nhưng doanh thu còn lại lẽ ra doanh nghiệp hưởng thì lại chịu thiệt hại.

Mức tăng giá chính xác cho điện phục vụ sản xuất mặc dù chưa được Bộ Công thương công bố, nhưng theo tính toán ban đầu của ông Tường thì với chi phí điện cho hệ thống dệt của các nhà máy vào khoảng 5 tỉ đồng/tháng trong năm 2010 thì mức tăng giá bán điện trên 15% vừa qua đồng nghĩa với việc công ty sẽ phải trả thêm 750 triệu đồng/tháng so với mức giá cũ.

Giám đốc một doanh nghiệp sợi khác nhận xét giá bán điện được điều chỉnh tăng gần như hàng năm nhưng chất lượng điện vẫn không được cải thiện.

“Ở những dây chuyền sản xuất sợi tổng hợp đòi hỏi máy phải chạy liên tục hay một số công đoạn cần phải duy trì nhiệt độ cao. Chỉ cần nguồn điện không tốt, điện chớp trong 1 phần trăm giây thì sản phẩm sẽ trở thành sợi phế liệu ngay. Điện tăng giá nhiều lần trong các năm qua nhưng chất lượng thì vẫn không được đảm bảo”, ông này nhận xét.

Doanh nghiệp bị động

Việc tăng giá các mặt hàng năng lượng phục vụ cho nền kinh tế vào thời điểm tỷ giá mới được điều chỉnh tăng cùng với lãi suất đứng ở mức cao đã gây nên “khó chồng khó” không chỉ cho doanh nghiệp trong nước mà cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Giám đốc một doanh nghiệp 100% vốn Hàn Quốc ở khu công nghiệp Nhơn Trạch 2, Đồng Nai không tiện nêu tên cho biết đang gặp nhiều khó khăn với việc tăng hàng loạt chi phí đầu vào đã làm giảm sức cạnh tranh của hàng xuất khẩu.

“Trong 2 năm trở lại đây, mức tăng của chi phí đầu vào như điện, nước, vật tư cùng với lương trả lao động đã đứng ở mức 2 con số. Chúng tôi đã phải rất chật vật để hàng xuất khẩu có thể cạnh tranh với các nước khác trong khu vực. Nếu tình hình không thay đổi trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tính đến chuyện dời nhà máy sang nước khác”.

Chỉ vào mức tăng giá điện 15% vừa công bố, ông bày tỏ sự lo ngại: “Mức tăng giá điện trong 1 lúc như vậy rõ ràng là gây ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh. Nếu việc tăng giá này được xem xét chia ra tăng theo lộ trình ngược lại sẽ giúp doanh nghiệp có chuẩn bị tốt hơn”, ông nói thêm.

Ông Trần Đăng Tường cho hay, đứng trước những thiệt hại cho doanh nghiệp được tính toán ở trên, ông có thể cân nhắc hoãn một trong 2 dự án, trong đó có có dự án xây dựng nhà máy mới trong năm 2011.

Ông Đặng Triệu Hòa, Giám đốc công ty sợi Thế kỷ ở khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi thì cho biết việc tăng giá điện hay tăng tỷ giá vừa qua thực chất không đáng ngại bằng “hiệu ứng tăng giá dây chuyền” kéo theo đó.

“Việc các nhà cung cấp tất cả các loại vật tư, bao bì đóng gói cho đến cước vận chuyển tăng giá sẽ là điều khó tránh khỏi. Kế hoạch kinh doanh cho cả năm 2011 của tôi đã bị “bể”, thậm chí kế hoạch kinh doanh dự phòng dù đã tính luôn cả các phương án tăng giá đầu vào cũng không lường hết được những điều chỉnh mạnh và khá bất ngờ như vậy”, ông nói.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới