Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp gặp khó vì tỷ giá ngoại tệ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Doanh nghiệp gặp khó vì tỷ giá ngoại tệ

Thịt bò Mỹ bày bán tại một cửa hàng chuyên bán thịt bò Mỹ ở quận 1, TPHCM. Đây là mặt hàng nhập khẩu đang ngày một tăng ở TPHCM. Ảnh: Hồng Văn

(TBKTSG Online) – Chỉ trong vòng hơn 2 tháng mà tỷ giá ngoại hối đã đảo chiều mạnh khiến cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu gặp nhiều khó khăn. Trong những ngày đầu tuần, giá đô la Mỹ có lúc vượt ngưỡng 17.000 đồng. 

Bà Nguyễn Thị Ý Thơ, Tổng giám đốc một công ty cung cấp phụ gia thức ăn chăn nuôi 100% vốn của Mỹ tại Đồng Nai cho biết, công ty của bà thường nhập khẩu phụ gia thức ăn từ Mỹ nhưng tỷ giá ngoại hối trong mấy ngày qua cùng với những khó khăn trong việc vay ngoại tệ để mở thư tín dụng nhập khẩu (L/C) đã làm công ty khốn đốn.

Các doanh nghiệp chỉ có tài khoản nội tệ nhưng để thanh toán nhập khẩu thì phải chuyển số nội tệ ra ngoại tệ thông qua hình thức vay ngoại tệ của ngân hàng và mở L/C, theo giá ngoại tệ tại thời điểm quy đổi. 

“Trên lý thuyết thì tỷ giá ngoại hối của các ngân hàng thương mại niêm yết khá ổn định; mấy bữa trước thì 16.100 đồng, nay là 16.200 – 16.230 đồng/đô la Mỹ. Nhưng thực tế, doanh nghiệp nhập khẩu chúng tôi không thể vay được theo giá niêm yết”, bà Thơ cho hay.  

Bà cho biết giá đô la Mỹ nói trên, nếu có, các ngân hàng chỉ dành cho các doanh nghiệp lớn, khách hàng quen và quan trọng, chứ doanh nghiệp nhỏ thì khó vay được đô la Mỹ theo giá niêm yết. Thông thường, các ngân hàng vẫn nói là cho vay ngoại tệ để nhập hàng theo giá niêm yết nhưng doanh nghiệp nhỏ phải chờ, mà trong kinh doanh thì không thể chờ đợi thanh toán tiền hàng nhập khẩu, buộc doanh nghiệp phải chấp nhận theo đề nghị của ngân hàng là cộng thêm phí vay ngoại tệ. “Có động chạm mới biết thực hư”, bà nói.

Ông Hàn Quốc Sinh, Giám đốc Công ty TNHH Maika, một nhà nhập khẩu cũng gặp cảnh tương tự. Ông nói, chỉ trong vòng hai tháng qua, thị trường ngoại tệ trong nước đảo chiều bất ngờ, làm cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu điêu đứng.  

Cách nay hai tháng, đô la Mỹ mất giá so với tiền đồng, các ngân hàng không thèm mua vào đô la Mỹ. Thế là các nhà xuất khẩu bị thiệt hại vì tiền đồng lên giá và không bán được ngoại tệ.  

“Nay lại đảo chiều, đô la Mỹ lên giá, nhà nhập khẩu không vay được ngoại tệ, ngân hàng thì kêu thiếu ngoại tệ, hạn chế cho chúng tôi vay và mở L/C hàng nhập khẩu”, ông Sinh bức xúc.  

Mấy ngày qua, giá đô la Mỹ trên thị trường tự do cao hơn nhiều so với giá niêm yết của các ngân hàng, có lúc chênh lệch tới hơn 1.000 đồng/đô la Mỹ.

Mặc dù lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước khẳng định các ngân hàng thương mại cho vay ngoại tệ theo giá niêm yết, nhưng ông Sinh nói: “Làm gì có chuyện đó, phải nộp thêm phí còn không thì phải chờ, mà nhà nhập khẩu chẳng ai dám chờ để bị đối tác nước ngoài phạt chậm thanh toán”.  

Một nhà xuất khẩu hàng dệt may cho biết, giá đô la Mỹ trên thị trường tự do lên cao, ngân hàng thương mại cho vay theo giá niêm yết cộng với khoản phí tùy theo ngân hàng; nhưng ngược lại, khi mua đô la Mỹ của nhà xuất khẩu thì mua theo giá niêm yết.

HỒNG VĂN

Đô la đã hạ nhiệt

Sau khi đã tăng mạnh trong những ngày đầu tuần, giá đô la Mỹ và giá vàng trên thị trường tự do đã có xu hướng hạ nhiệt vào giữa tuần. Theo một số tiệm vàng, giá đô la Mỹ trên thị trường tự do sáng ngày 29-5 đã bình ổn trở lại, xoay quanh mức 16.600 đồng giá mua vào và 16.700 đồng giá bán ra. Tại các ngân hàng, giá bán đô la Mỹ được niêm yết là 16.238 đồng.

Giá đô la và giá vàng đã bắt đầu hạ nhiệt từ ngày thứ Năm (28-5). Khoảng 10 giờ sáng ngày 28-5 đã có khá đông người đến tiệm vàng Mai Tiến gần chợ Bến Thành để bán đô la Mỹ. Lúc này, đô la được các tiệm vàng chào mua với giá 16.900 đồng. Tiệm vàng Hoàng Thứ trên đường Lê Thánh Tôn thì chỉ mua đô la Mỹ với giá 16.800 đồng, nếu bán nhiều thì có thể mua với giá 16.850 đồng. Tuy nhiên, chỉ khoảng nửa tiếng sau, giá đô la thu vào của các tiệm vàng đã giảm mạnh xuống còn 16.700 đồng, có nơi chỉ thu đô la vào với giá 16.400 đồng.

Chủ tiệm vàng Hiếu Nhân trên đường Phan Chu Trinh (Q.1) cho biết, buổi sáng chị vừa mua đô la Mỹ với giá 16.900, sau đó giá giảm xuống 16.700 làm chị bị lỗ mất một khoản tiền. “Hôm nay (28-5) chủ yếu người đi bán nhiều hơn mua và cũng không đông khách như ngày 27-5, ngày mọi người mua bán sôi động nhưng chủ yếu mua nhiều hơn bán”.  

Giá bán đô la cho doanh nghiệp của các ngân hàng thương mại vẫn cao hơn mức 17.000 đồng. Tại ngân hàng Eximbank, giá bán đô la Mỹ cho doanh nghiệp vào khoảng 17.000 đồng, cao hơn mức giá niêm yết của ngân hàng là 16.230 đồng.

Nguyên nhân được nhân viên ngân hàng giải thích là do ngân hàng không thể mua được đô la với giá niêm yết nên không thể bán cho khách hàng theo giá niêm yết.  

 THỦY TRIỀU

  

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới