Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp gây ô nhiễm sẽ khó vay vốn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Doanh nghiệp gây ô nhiễm sẽ khó vay vốn

Tiêu chí bảo vệ môi trường đã trở thành một trong những tiêu chí để xét cấp tín dụng tại ACB .Ảnh: Lê Toàn.

(TBKTSG Online) – Các doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường từ đây sẽ khó khăn hơn khi tiếp cận vốn vay ngân hàng vì các ngân hàng xem xét kỹ hơn yếu tố tác động môi trường khi cấp tín dụng cho doanh nghiệp.  

Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online sáng 6-10, ông Nguyễn Sỹ An, Giám đốc Công ty bao bì và thương mại Quang Huy ở khu công nghiệp Vĩnh Lộc (một trong số 26 doanh nghiệp bị Hepza công bố vi phạm gây ô nhiễm môi trường vừa qua) đã khẳng định rằng ngân hàng đã làm khó doanh nghiệp ông sau khi các phương tiện thông tin đại chúng đăng tin doanh nghiệp ông vi phạm luật môi trường. Tuy nhiên, ông từ chối tiết lộ tên ngân hàng không cho công ty ông vay vốn.  

Ông Ngô Anh Tuấn, Phó trưởng ban Ban quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất TPHCM (Hepza), cũng cho biết các doanh nghiệp trong danh sách trên đã phản ánh rằng đối tác của họ đã liên tục gọi điện hỏi và bày tỏ sự quan ngại khi làm ăn với các doanh nghiệp vi phạm luật bảo vệ môi trường.  

Thời gian gần đây, các ngân hàng đã chú trọng hơn đến yếu tố tác động môi trường khi xét cho vay doanh nghiệp. Mới đây, Ngân hàng An Bình cho biết vừa ban hành chính sách thẩm định tín dụng mới. Theo đó, ngoài những điều kiện cần, điều kiện đủ để một doanh nghiệp sản xuất kinh doanh được cấp hạn mức tín dụng từ ngân hàng là đảm bảo các điều kiện bảo vệ môi trường.  

  Nội dung thẩm định các điều kiện bảo vệ môi trường phải được trình bày trong báo cáo thẩm định tín dụng; trong đó phải đánh giá đựợc mức độ ảnh hưởng đến môi trường của quá trình sản xuất và biện pháp bảo vệ. Ngoài ra, thẩm định tín dụng phải rà soát được rủi ro đối với môi trường khi khách hàng vi phạm quy định, điều kiện bảo vệ môi trường.    

Trong khi đó, ông Mai Tòng Bá, Giám đốc chi nhánh Sài Gòn của Ngân hàng Á Châu (ACB), cho biết rằng tiêu chí bảo vệ môi trường và đảm bảo đời sống công nhân đã trở thành một trong những tiêu chí để xét cấp tín dụng của ACB.

“Đối với các doanh nghiệp sản xuất ở các khu công nghiệp, ngoài việc đòi hỏi các doanh nghiệp đó phải có hệ thống xử lý nước thải nội bộ, ACB còn yêu cầu khu công nghiệp nơi các doanh nghiệp này đặt nhà máy cũng phải có hệ thống xử lý nước thải chung và hệ thống của doanh nghiệp phải đấu nối với hệ thống xử lý chung này”, ông Bá nói.  

Ngân hàng nước ngoài HSBC cũng là một trong những ngân hàng coi trọng yếu tố môi trường khi xét cấp tín dụng cho doanh nghiệp. Việc đánh giá tác động mội trường là một trong những yêu cầu bắt buộc được HSBC áp dụng từ năm 2003 trong bản đánh giá rủi ro tín dụng khi cho vay đối tượng doanh nghiệp.  

Ông Huỳnh Bửu Quang, Giám đốc khối tài chính doanh nghiệp của HSBC Việt Nam, cho biết tất cả các doanh nghiệp muốn vay vốn của HSBC phải đáp ứng các quy định về môi trường trong nước; đồng thời ngân hàng phải thấy được rằng khách hàng có thiện chí đóng góp cho sự phát triển bền vững tại nơi hoạt động.

“Những doanh nghiệp hoạt động trong các ngành có ảnh hưởng đến rừng, nguồn năng lượng, nước sạch, và ngành khai khoáng phải thỏa mãn các tiêu chí môi trường riêng cho từng ngành nghề được đặt ra bởi HSBC và áp dụng tại tất cả các văn phòng của HSBC trên toàn cầu”, ông Quang nói.  

Tất cả các yêu cầu được cấp tín dụng từ HSBC đều phải kèm theo một bản đánh giá tác động môi trường và người phụ trách hợp đồng phải chịu trách nhiệm đánh giá rủi ro tín dụng kể tác động đến môi trường của doanh nghiệp đó.

“Chúng tôi không muốn làm việc với những doanh nghiệp có hành động phá hoại môi trường cũng như sẽ từ chối mọi cơ hội làm ăn với những doanh nghiệp không coi trọng trách nhiệm bảo vệ môi trường,” ông Quang nói.  

V.NAM – T.TRIỀU

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới