Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp giấy cỡ nhỏ hết đất sống!

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Doanh nghiệp giấy cỡ nhỏ hết đất sống!

Minh Tâm

(TBKTSG Online) – Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất giấy với quy mô 10.000-20.000 tấn/năm sẽ không còn đất sống trong thời gian tới, đơn giản là vì họ không đủ năng lực xử lý nước thải và cũng không thể chịu nổi mức xử phạt đã tăng lên rất cao, chưa cần nói đến năng lực cạnh tranh, chất lượng sản phẩm.

Doanh nghiệp giấy cỡ nhỏ hết đất sống!
Phát triển sản xuất giấy được kỳ vọng sẽ kéo theo việc tạo công ăn việc làm cho người thu gom giấy đã qua sử dụng và giảm rác thải cho môi trường. Ảnh: Giấy đã qua sử dụng phục vụ sản xuất của một nhà máy giấy . Ảnh: Minh Tâm

Tại buổi họp báo giới thiệu Triển lãm ngành giấy và bột giấy Việt Nam (sẽ diễn ra vào giữa tháng 6-2017), ông Bùi Ngọc Bảo, Tổng thư ký Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam, đã vẽ ra viễn cảnh như trên trong năm 2018 đối với các doanh nghiệp nhỏ.

Ông Bảo nhấn mạnh, tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường, xử lý nước thải ngày càng khắt khe chính là sức ép lớn nhất với doanh nghiệp nhỏ vốn không đầu tư bài bản và đúng chuẩn thời gian qua. “Chúng ta phải nói thẳng là các doanh nghiệp ngành giấy lâu nay làm chưa thật đúng những gì pháp luật quy định. Nay thì phải khác rồi, không thể lơ là được”, ông Bảo nói. Bởi lẽ, mức xử phạt với các vi phạm môi trường từ đầu năm sau sẽ lên mức rất cao, doanh nghiệp không thể “nửa này nửa kia”.

Cũng theo ông Bảo, đến năm 2018, các dự án “khủng” với công suất vài trăm ngàn tấn/năm của các nhà đầu tư (trong đó nước ngoài chiếm đa số) đang triển khai sẽ chính thức vận hành. Công suất gia tăng thêm ước tính vào năm 2018 của hàng loạt dự án này vào khoảng 3 triệu tấn giấy. Tất nhiên, con số sản lượng gia tăng chắc chắn không tương ứng vì có thể nhiều nhà máy sẽ chạy chưa hết công suất.

Nguồn cung cho thị trường sẽ được gia tăng nhưng Việt Nam vẫn còn phải nhập khẩu khoảng 400.000 tấn giấy kraft (giấy tái sinh, dùng nhiều trong công nghiệp và Việt Nam chưa sản xuất được). Số lượng nhập khẩu hiện nay đang là 1,6 triệu tấn giấy các loại.

Thị trường, theo đó sẽ về tay của các doanh nghiệp lớn, đầu tư bài bản. Các doanh nghiệp nhỏ hơn, ở mức dưới 400.000 tấn/năm chưa đến mức phải đóng cửa mà có thể vẫn trụ lại được nhưng chỉ chiếm lĩnh được thị trường ở phân khúc thấp, làm những sản phẩm mà doanh nghiệp lớn không làm.

“Chúng tôi mong rằng doanh nghiệp xác định được chỗ đứng, làm ăn bền vững theo nghĩa đảm bảo lợi ích cho mình, cho cộng đồng, cũng như tuân thủ quy định, nhất là về môi trường”, ông Bảo nhấn mạnh.

Ông Mạc Cẩm Phước, Trường phòng Kinh doanh Công ty Valmet Việt Nam thì cho rằng, “bố cục” trong ngành bao bì và bột giấy đã được sắp xếp xong.

Trong đó, phần bánh ngon đều đã nằm trong tay các doanh nghiệp Thái Lan, Trung Quốc, Đài Loan. Phần xương xẩu, nước ngoài "không ăn" mới đến lượt doanh nghiệp Việt Nam. Việt Nam chỉ được vài cái tên như An Hòa, Tổng công ty Giấy Việt Nam…

Đáng tiếc nhất là các doanh nghiệp Việt Nam đã bỏ lỡ miếng bánh ngon nhất là giấy bao bì, ngành công nghiệp phụ trợ của mọi ngành hàng.

Doanh nghiệp nước ngoài sản xuất bằng máy móc, công nghệ châu Âu, chi phí sản xuất thấp nhờ tiết kiệm được nguyên liệu, sức người nên thu lợi nhuận lớn, đảm bảo môi trường. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn làm bằng máy Trung Quốc gây ô nhiễm môi trường và cũng khó cải thiện điều này khi không đủ sức tái đầu tư do biên lợi nhuận thấp.

Ở một diễn biến khác, Bộ Công Thương đang xây dựng và lấy ý kiến về quy chuẩn của mặt hàng giấy tissue (khăn ăn và giấy vệ sinh). Theo đại diện Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam, dự kiến quy chuẩn này sẽ bắt đầu áp dụng từ đầu năm sau với rất nhiều yêu cầu khắt khe, thậm chí bất khả thi.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới