Thứ Bảy, 25/03/2023, 03:05
27 C
Ho Chi Minh City

Đặt báo in

Thông tin quảng cáo

Thông tin quảng cáo


Doanh nghiệp hành động để “cứu giá” cổ phiếu!

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Doanh nghiệp hành động để “cứu giá” cổ phiếu!

Linh Trang

(TBKTSG) – Đăng ký mua cổ phiếu quỹ, trả cổ tức ở mức cao đang là giải pháp các doanh nghiệp có thể thực hiện nhằm “cứu giá” cổ phiếu.

Mua cổ phiếu quỹ

Theo định nghĩa, cổ phiếu quỹ là loại cổ phiếu mà doanh nghiệp mua lại từ thị trường bằng nguồn vốn hợp pháp và theo quy định. Thông thường, các doanh nghiệp tính đến chuyện mua lại cổ phiếu quỹ khi giá cổ phiếu có dấu hiệu sụt giảm mạnh nhằm gia tăng giá trị cho cổ đông và bình ổn giá thị trường. Đây cũng là biện pháp nhằm ngăn chặn khả năng các thế lực khác gom mua cổ phiếu khi giá lao dốc để thao túng, nắm quyền kiểm soát công ty. Thêm vào đó, mua cổ phiếu quỹ, giảm lượng cổ phiếu đang lưu hành cũng là cách để doanh nghiệp gia tăng tỷ lệ sinh lời trên mỗi cổ phiếu (EPS) khi số lượng cổ phiếu đang lưu hành giảm.

Với diễn biến giảm giá của nhiều cổ phiếu kể từ sau Tết Nguyên đán đến nay, đặc biệt là sự lao dốc mạnh trong một tuần trở lại đây khi Việt Nam xuất hiện lại ca nhiễm Covid-19 cũng như tình hình dịch bệnh lây lan mạnh trên toàn thế giới, động thái mua cổ phiếu quỹ của các doanh nghiệp càng trở nên cấp thiết. Những doanh nghiệp tiên phong trong làn sóng này có thể kể đến là PAN, HDC, TPB, DIG…

Với diễn biến giảm giá của nhiều cổ phiếu kể từ sau Tết Nguyên đán đến nay, động thái mua cổ phiếu quỹ của các doanh nghiệp nhằm gia tăng giá trị cho cổ đông và bình ổn giá thị trường càng trở nên cấp thiết. PAN, HDC, TPB, DIG… là những doanh nghiệp tiên phong trong làn sóng này.

Cụ thể, tập đoàn PAN (mã chứng khoán PAN) đã công bố sẽ mua lại tối đa 21,6 triệu cổ phiếu, tương đương với 10% lượng cổ phiếu đang lưu hành. Hội đồng quản trị (HĐQT) Công ty Phát triển nhà Bà Rịa – Vũng Tàu (HDC) cũng lên kế hoạch mua lại tối đa 2 triệu cổ phiếu để làm cổ phiếu quỹ với giá mua theo thị trường nhưng không quá 17.000 đồng/cổ phiếu. Thời gian thực hiện dự kiến trong quí 2 và sau 15 ngày kể từ khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận phương án giao dịch. Trong khi đó, TPBank (TPB) đăng ký mua lại tối đa 10 triệu cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ, tương ứng 1,17% vốn điều lệ, từ ngày 20-3 đến 18-4-2020 qua phương thức khớp lệnh và thỏa thuận. Tổng công ty Đầu tư phát triển xây dựng (DIG) cho biết sẽ triển khai phương án mua 15 triệu cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ, tương đương 4,7% vốn điều lệ.

Doanh nghiệp có tỷ lệ chào mua cổ phiếu quỹ cao nhất tính đến nay thuộc về Công ty Đầu tư phát triển Cường Thuận IDICO (CTI) với quyết định chào mua công khai 18,9 triệu cổ phiếu, tương đương với 30% vốn với giá chào mua công khai là 22.100 đồng/cổ phiếu và có thể thay đổi theo quyết định của Chủ tịch HĐQT tại thời điểm đăng ký mua (giá đóng cửa cuối tuần trước của CTI là 21.000 đồng/cổ phiếu).

Không chỉ doanh nghiệp mua cổ phiếu quỹ, lãnh đạo và người có liên quan cũng đăng ký mua khối lượng lớn cổ phiếu. Điển hình như ông Trần Vũ Minh, con trai ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT tập đoàn Hòa Phát (HPG), đăng ký mua 20 triệu cổ phiếu, giao dịch dự kiến được thực hiện từ ngày 17-3 đến 16-4-2020 thông qua phương thức khớp lệnh và thỏa thuận. Ông Nguyễn Quang Huân, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Halcom Việt Nam ( HID), đăng ký mua 4,2 triệu cổ phiếu nhằm tăng tỷ lệ sở hữu lên 34,82% vốn điều lệ. Bà Hà Nguyệt Nhi, Chủ tịch HĐQT Công ty Tàu cao tốc Superdong – Kiên Giang (SKG), đăng ký mua 1,2 triệu cổ phiếu. Bà Nguyễn Thị Quỳnh Anh, con gái Chủ tịch HĐQT Đặng Nhị Nương của Công ty cổ phần Sản xuất kinh doanh dược và trang thiết bị y tế Việt Mỹ (AMV), đăng ký mua 2 triệu cổ phiếu AMV, tương đương 5,3% vốn. Giao dịch này dự kiến thực hiện qua phương thức khớp lệnh và thỏa thuận, từ ngày 2-3 đến 1-4-2020.

Với các nhà đầu tư dài hạn, việc chia cổ tức ở mức cao, nhất là cổ tức bằng tiền là một động thái mang tính khích lệ rất lớn, bù đắp được phần nào những thua lỗ do diễn biến lao dốc của giá cổ phiếu trên sàn.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay, về phía cơ quan quản lý, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã khẳng định, cơ quan này sẽ xử lý hồ sơ mua cổ phiếu quỹ của doanh nghiệp trong vòng một ngày, thay vì xử lý trong vòng bảy ngày như quy định tại Thông tư 162/2015/TT-BTC. Động thái này cho thấy các thủ tục hành chính đang được cơ quan quản lý cắt giảm nhằm hỗ trợ tối đa cho thị trường trong bối cảnh VN-Index liên tục lao dốc như hiện nay.

Trả cổ tức ở mức cao

Ngoài kỳ vọng về động thái mua cổ phiếu quỹ của các doanh nghiệp, nhiều mã cổ phiếu có thể nhận được sự hỗ trợ từ quyết định chia cổ tức ở mức cao trong mùa họp đại hội đồng cổ đông sắp tới. Điển hình như FPT, theo tài liệu họp đại hội đồng cổ đông thường niên 2020, HĐQT của công ty này sẽ trình cổ đông phương án chia cổ tức bằng tiền mặt năm 2019 tỷ lệ 20%, trong đó 10% đã trả trong năm 2019 và 10% còn lại thực hiện sau khi đại hội đồng cổ đông phê duyệt, dự kiến trong quí 2. Đồng thời, FPT cũng chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 15% từ nguồn lợi nhuận giữ lại. Thời điểm thực hiện sẽ cùng với trả cổ tức tiền mặt còn lại của năm 2019. Hay HĐQT Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) cho biết sẽ trình cổ đông phương án chia cổ tức tiền mặt 2019 tỷ lệ 18% (đã tạm ứng 8%). Ngoài cổ tức tiền mặt, công ty cũng có phương án phát hành 22,5 triệu cổ phiếu tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu, tương ứng tỷ lệ 10%, tăng vốn điều lệ lên 2.478 tỉ đồng. Một trường hợp khác là tập đoàn Dabaco Việt Nam (DBC) vừa thông qua phương án trả cổ tức bổ sung năm 2018 với tỷ lệ 5% bằng cổ phiếu. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng thông qua trả cổ tức năm 2019 với tổng tỷ lệ 15%, gồm 10% bằng cổ phiếu và 5% tiền mặt. Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TPHCM (CII) dự kiến trình cổ đông phương án chia cổ tức 32%, trong đó 16% bằng tiền, 16% cổ tức còn lại bằng cổ phiếu. Còn Công ty cổ phần Đầu tư LDG (LDG) cho biết sẽ trình cổ đông kế hoạch chia cổ tức 7% bằng tiền.

Có thể nói, với các nhà đầu tư dài hạn, việc chia cổ tức ở mức cao, nhất là cổ tức bằng tiền là một động thái mang tính khích lệ rất lớn, bù đắp được phần nào những thua lỗ do diễn biến lao dốc của giá cổ phiếu trên sàn. Giai đoạn thị trường hoảng loạn vẫn luôn là cơ hội để nhà đầu tư tái cơ cấu danh mục, chọn lọc tìm ra các doanh nghiệp ít bị ảnh hưởng bởi đại dịch cũng như có tỷ lệ cổ tức ở mức cao, đặc biệt là cổ tức tiền mặt. 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới