Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp, hộ kinh doanh mới được ‘giảm tải’ 99.300 tỉ đồng thuế, phí

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Doanh nghiệp, hộ kinh doanh mới được ‘giảm tải’ 99.300 tỉ đồng thuế, phí

Hoàng Thắng

(TBKTSG Online) – Tổng số tiền thuế, phí đã được gia hạn, miễn, giảm cho các đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 là khoảng 99.300 tỉ đồng tính đến hết tháng 10-2020, theo Vụ Chính sách Thuế thuộc Bộ Tài chính.

Doanh nghiệp, hộ kinh doanh mới được ‘giảm tải’ 99.300 tỉ đồng thuế, phí
Hoạt động của nhiều hộ kinh doanh chịu ảnh hưởng tiêu cực từ Covid-19. (Ảnh: Trọng Hiếu).

Cơ quan này ước số thực hiện cả năm 2020 là 110.000 tỉ đồng – bằng 61,1% tổng giá trị gói hỗ trợ theo Nghị định 41/2020. Trong đó số tiền thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất được gia hạn khoảng 80.000 tỉ đồng, còn số được miễn, giảm khoảng 30.000 tỉ đồng.

Ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn thuộc Tổng cục Thuế, cho biết có 46.265 hộ kinh doanh đã gửi hồ sơ đề nghị hỗ trợ đến UBND cấp xã tính đến 5-11-2020, theo Nghị quyết số 42/2020. Sau đó, hơn 42.800 hồ sơ được gửi đến cơ quan thuế đề nghị thẩm định.

“Số lượng hộ kinh doanh thuộc diện hỗ trợ là 33.251, số không được hỗ trợ là 8.368, số hồ sơ còn lại cơ quan thuế đang tiếp tục thẩm định. Số lượng hộ kinh doanh đã chuyển sang UBND cấp tỉnh phê duyệt được hỗ trợ là 15.136 hộ, số hộ không được hỗ trợ là 1.729 hộ”, ông Phụng chia sẻ tại Diễn đàn thuế 2020.

Trước đó, tại diễn đàn chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết có 46 văn bản cấp trung ương và 49 văn bản cấp địa phương với nội dung quy định về các chính sách hỗ trợ được ban hành, nhưng số lượng doanh nghiệp được thụ hưởng chính sách còn khiêm tốn.

Theo đó, gói hỗ trợ an sinh xã hội chỉ giải ngân được 11.000 tỉ đồng tính đến đầu tháng 10-2020 – đạt tỷ lệ 17,77%, theo VCCI. Với gói cho vay trả lương trị giá 16.000 tỉ đồng, chỉ có 75 doanh nghiệp vay được từ gói này để trả lương cho 3.851 lao động bị ngừng việc tính tới 27-11-2020. 

Còn số tiền giãn, giảm thuế, tiền thuê đất, chủ yếu phát sinh ở chính sách giãn nộp tiền thuê đất, thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô trong nước với mức 76.100 tỉ đồng tính tới tháng 10-2020. Số số tiền miễn, giảm các loại thuế, phí chỉ dừng ở mức 10.000 tỉ đồng, theo VCCI. 

Tương tự, cuộc khảo sát do trường Đại học Kinh tế quốc dân thực hiện với 150 doanh nghiệp ở Hà Nội, TPHCM và Thanh Hoá trong tháng 9 và tháng 10-2020 cho biết, 78,15% số doanh nghiệp chưa nhận được gói hỗ trợ của Chính phủ.

Lý giải nguyên nhân, nhóm nghiên cứu của trường này cho biết, 54,68% số doanh nghiệp kông đáp ứng được điều kiện để nhận hỗ trợ, gần 26,26% doanh nghiệp không biết về các chính sách hỗ trợ, 14,75% doanh nghiệp cho biết quy trình, thủ tục tiếp cận chính sách quá khó khăn.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Ban Pháp chế thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng, khoảng cách giữa chính sách hỗ trợ và thực thi còn rất lớn.

“Một phần do doanh nghiệp chưa biết đến thông tin về chính sách hỗ trợ. Ngoài ra, nhiều điều kiện, yêu cầu, thủ tục nhận hỗ trợ máy móc cũng làm giảm cơ hội tiếp cận chính sách của doanh nghiệp”, ông Tuấn cho biết.

Theo ông Tuấn, hầu hết doanh nghiệp chỉ cho người lao động tạm nghỉ việc không hưởng lương – thay vì cắt hợp đồng và bảo hiểm – nhằm giữ nguồn lực và quyền lợi cho người lao động, nhưng điều kiện để doanh nghiệp thụ hưởng gói vay ưu đãi hỗ trợ trả lương, đóng bảo hiểm cho người lao động là phải chứng minh đã cho ít nhất 50% nhân viên nghỉ việc.

Bên cạnh đó, Quyết định 15/2020 của Thủ tướng về điều kiện hỗ trợ người lao động bị tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương phải có đủ rất nhiều, gồm điều kiện: “Làm việc tại các doanh nghiệp không có doanh thu hoặc không còn nguồn tài chính để trả lương”.
“Việc chỉ hỗ trợ những doanh nghiệp không còn khả năng sản xuất và tạo ra doanh thu liệu có hợp lý. Vậy những doanh nghiệp đang nỗ lực duy trì hoạt động có nên được tiếp cận không?”, ông Tuấn băn khoăn.

Ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cho rằng nhiều chính sách hỗ trợ không chỉ đưa ra tiêu chuẩn khắt khe, mà các thủ tục đi kèm rất phức tạp.

“Doanh nghiệp sợ nhất là các thủ tục yêu cầu chứng minh về tài chính, doanh thu, mhưng nhiều chính sách hỗ trợ bắt buộc phải thực hiện những thủ tục này để được xác nhận thuộc đối tượng hỗ trợ. Điều đó khiến doanh nghiệp chấp nhận thà không được hưởng hỗ trợ còn hơn là phải chạy vạy khắp nơi xin xác nhận”, ông Cẩm chia sẻ.

Nhóm nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cũng cho biết, chính sách hỗ trợ chi phí cho doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của Covid-19 tỏ ra kém hiệu quả do thủ tục phức tạp và các điều kiện ngặt nghèo.
Cụ thể, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi Covid-19 dẫn đến phải giảm từ 50% lao động tham gia bảo hiểm xã hội trở lên so với thời điểm công bố dịch, gồm lao động ngừng việc, tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, thỏa thuận nghỉ không hưởng lương thì mới được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất tối đa không quá 12 tháng, theo Nghị quyết số 42/2020.

“Việc thiết kế chính sách như vậy không giúp giảm nhiều chi phí cho doanh nghiệp, và không khuyến khích doanh nghiệp duy trì việc làm”, theo nhóm nghiên cứu của VEPR.

Nhiều chính sách tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu ảnh hưởng bởi Covid-19 đã được Chín phủ và các Bộ, ngành triển khai, gồm: Gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất; Giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác; Tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết năm 2025; Giảm thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay; Giảm mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đến hết năm 2020.

Ngoài ra, Bộ Tài chính đã ban 21 thông tư điều chỉnh mức thu của nhiều loại phí, lệ phí.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới