Thứ Sáu, 26/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, giá thủy sản tiêu thụ nội địa giảm mạnh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, giá thủy sản tiêu thụ nội địa giảm mạnh

Trung Chánh

(KTSG Online) – Hiện tại, hoạt động của các doanh nghiệp ngành thuỷ sản gần như “tê liệt” khi có đến 70% đơn vị phải tạm ngưng sản xuất. Trong khi đó, thuỷ sản tiêu thụ nội địa rớt giá mạnh do chợ đóng cửa, quán ăn ngưng hoạt động.

Người chăn nuôi đau đầu với bài toán ‘tái đàn hay đốt bỏ con giống’

Để chuỗi cung ứng hàng hoá, nông sản không bị đứt gãy

Doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, giá thủy sản tiêu thụ nội địa giảm mạnh
Doanh nghiệp chế biến hoạt động cầm chừng, thuỷ sản nội địa rớt giá. Trong ảnh là nông dân thu hoạch tôm càng xanh bán cho thương lái. Ảnh: Huỳnh Thiện.

Doanh nghiệp cần được tiếp sức

Sau yêu cầu áp dụng “3 tại chỗ”, tức sản xuất tại chỗ, ăn uống tại chỗ và nghỉ ngơi tại chỗ, nhiều doanh nghiệp ngành thuỷ sản khu vực phía Nam nói chung và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói riêng đã tạm dừng sản xuất do không đáp ứng hoặc không triển khai được quy định phòng chống dịch.

Giám đốc một doanh nghiệp chế biến thuỷ sản đang tạm dừng sản xuất tính toán rằng để duy trì được hoạt động trong bối cảnh phải đáp ứng yêu cầu “3 tại chỗ”, doanh nghiệp phải tốn kém rất nhiều về tài chính để bố trí ăn nghỉ, xét nghiệm, phụ cấp tiền lương cho công nhân… Do đó, công ty đã quyết định tạm dừng, chờ qua giai đoạn giãn cách xã hội.

Còn ông Đỗ Lập Nghiệp, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Nam Việt, cho biết dù đang triển khai “3 tại chỗ” nhưng có khó khăn, trong đó, tâm lý công nhân rất hoang mang. Công ty cũng động viên nhưng nếu cứ kéo dài thì chưa chắc thực hiện được.

Ông Trương Đình Hoè, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về những khó khăn trong phòng chống dịch Covid-19 cho biết VASEP có 270 doanh nghiệp thành viên, tập trung chủ yếu ở ĐBSCL và các tỉnh Nam Trung bộ.

Theo ông Hoè, hiện chỉ có khoảng 30% doanh nghiệp đảm bảo được điều kiện “3 tại chỗ”, tức có khoảng 70% doanh nghiệp ngành thuỷ sản buộc phải tạm dừng sản xuất. Với những doanh nghiệp sản xuất “3 tại chỗ”, thì công suất hoạt động trung bình cũng chỉ đạt 40-50%. Họ cũng chỉ có khả năng duy trì 2-3 tuần, hoặc nhiều hơn là 4-5 tuần với những doanh nghiệp lớn.

Tại diễn đàn trực tuyến “Kết nối cung cầu sản phẩm chăn nuôi và thuỷ sản trong điều dịch Covid-19” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức cuối tuần rồi, đại diện Công ty Cỏ May Đồng Tháp cho biết từ khi dịch bùng phát, tình hình tiêu thụ cá tra hết sức khó khăn. Vị đại diện này đề xuất nên có chính sách hỗ cho doanh nghiệp thuỷ sản vay theo hình thức thế chấp hàng hoá. Mặt khác, nên giảm lãi suất ngân hàng, khoanh nợ, giảm thuế thu nhập cá nhân cho người lao động và tiền điện; xem xét tạm ngưng đóng phí công đoàn cho đến khi sản xuất bình thường trở lại. 

Trong khi đó, VASEP đề xuất Chính phủ có các chính sách ưu tiên giảm lãi suất vay ngân hàng; giảm 30% tiền điện cho đến ít nhất hết năm 2021; giảm mức đóng kinh phí công đoàn từ 2% quỹ lương xuống còn 1% quỹ lương cho các doanh nghiệp. Đồng thời, tăng mức hỗ trợ từ nguồn bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, tai nạn lao động cho doanh nghiệp và đề nghị bảo hiểm xã hội chi trả lương và chi phí cho các trường hợp người lao động đi cách ly do dịch bệnh Covid-19 theo yêu cầu của cơ quan y tế.

Thuỷ sản rớt giá vì chợ đóng cửa, quán ăn ngưng hoạt động

Tại diễn đàn nêu trên, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu, cho biết việc tiêu thụ tôm sú và tôm thẻ chân trắng của địa phương tương đối thông suốt, nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh nên giá bán đã sụt giảm 15-20%.

Theo đó, tôm sú loại 20 con/kg hiện có giá chỉ khoảng 200.000 đồng/kg, loại 30 và 40 con/kg lần lượt có giá 160.000 đồng và 140.000 đồng/kg. Tôm thẻ chân trắng loại 50 con/kg có giá 100.000 đồng/kg và loại 100 con/kg có giá khoảng 70.000 đồng/kg.

Đối với các loại thuỷ sản chủ yếu tiêu thụ ở thị trường nội địa, hiện việc mua bán khá khó khăn do sản lượng thu hoạch nhiều, trong khi lưu thông bị ách tắc, chợ truyền thống đóng cửa.

Đại diện Công ty Cỏ May Đồng Tháp cho biết cá rô phi, cá lóc và ếch ở địa phương này đang tắc nghẽn đầu ra. Bởi những loài này bán nội địa qua chợ đầu mối Bình Điền (TPHCM), khi chợ này đóng cửa thì hầu hết các sản phẩm không bán được. “Hiện nay, chúng tôi sản xuất “3 tại chỗ” rất cần nguồn này mà không có, trong khi nông dân tiêu thụ không được”, vị đại diện công ty cho biết và thông tin việc đi lại khó khăn do kiểm soát dịch bệnh là nguyên nhân gây ra.

Ở khu vực huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp, giá ếch giảm xuống còn chưa đến 20.000 đồng/kg, trong khi bình thường có giá trên 35.000-40.000 đồng/kg; giá cá rô cũng chỉ còn 20.000 đồng/kg và cá lóc nuôi chỉ 20.000-25.000 đồng/kg.

Theo tìm hiểu của KTSG Online, giá tôm càng xanh ở ĐBSCL thời gian gần đây cũng giảm khá mạnh, chỉ còn khoảng 100.000-130.000 đồng/kg đối với loại 20-30 con/kg. Bởi, đây là loại thuỷ sản tiêu thụ chính qua các kênh nhà hàng, quán ăn, nhưng do giãn cách xã hội nên phân khúc này đã bị “đóng băng”.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới