Doanh nghiệp kêu gọi ngân hàng hỗ trợ
Minh Phương
![]() |
Các doanh nghiệp và chính quyền thành phố đang kêu gọi các ngân hàng hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Ảnh: Lê Toàn. |
(TBKTSG Online) – Các doanh nghiệp hiện đang đối mặt với hai khó khăn là tỷ giá và lãi suất trong buổi họp với UBND TPHCM chiều ngày 16-2 đã kiến nghị chính quyề nên kêu gọi các ngân hàng chia sẻ, hỗ trợ khó khăn cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất.
>>Vẫn còn nạn hai tỷ giá trong ngân hàng
>>Lãi suất, đô la giá cao làm khó doanh nghiệp
Theo các doanh nghiệp tham dự cuộc họp, hiện nay các doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp xuất khẩu đang đau đầu khi tỷ giá tăng, vì 60-80% nguyên liệu sản xuất của các ngành như gỗ, dệt may đều nhập khẩu.
Với mức tăng tỷ giá vừa rồi, chắc chắn các doanh nghiệp sẽ phải điều chỉnh giá thành sản phẩm tăng thêm 10%, và điều này sẽ làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước. Các doanh nghiệp tại TPHCM cũng phản ánh hiện vẫn phải mua đô la Mỹ với mức giá cao hơn giá ngân hàng đang niêm yết.
Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM, đề xuất ủy ban nên hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn giá của thành phố. Đồng thời, ông Hưng cũng đề nghị thành phố kêu gọi các ngân hàng thương mại cho vay ưu đãi đối với các doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng và sử dụng nhiều lao động.
Về vấn đề ngoại tệ, các doanh nghiệp cũng phản ánh rằng sở dĩ họ phải nắm giữ ngoại tệ trên tài khoản là vì không có ngân hàng nào dám cam kết bán ngoại tệ theo giá niêm yết nếu doanh nghiệp cần.
Chiều ngày 16-2, giá đô la Mỹ trên thị trường tự do đã lên đến 21.900 đồng, cao hơn gần 5% so với giá niêm yết của các ngân hàng, và doanh nghiệp vẫn đang phải trả thêm phí để mua ngoại tệ này từ ngân hàng.
Tham dự buổi họp, ông Trần Hoàng Ngân, thành viên Hội đồng tư vấn tài chính tiền tệ quốc gia, cho biết Hội đồng tư vấn tài chính tiền tệ quốc gia đã có đề xuất với Ngân hàng Nhà nước về vấn đề lãi suất. Theo đó, các nơi như TPHCM sẽ đề xuất danh mục các ngành và doanh nghiệp cần được hỗ trợ vốn, và Ngân hàng Nhà nước sẽ bơm vốn rẻ và chỉ định các ngân hàng quốc doanh cho vay theo danh mục đã được duyệt. Như vậy sẽ giúp lãi suất cho vay các ngành sản xuất giảm xuống.
Ông Ngân cho rằng không thể giảm ngay mặt bằng lãi suất tiền đồng được, vì đất nước đang trong quá trình chống lạm phát, nếu giảm ngay lãi suất đô la thì sẽ làm giảm tính hấp dẫn của đồng nội tệ và người dân có khả năng chuyển sang nắm giữ tài sản bằng ngoại tệ. “Thời gian tới, ưu tiên số 1 là giảm nhập siêu và chi tiêu công, kinh tế sẽ suy giảm nhưng phải chấp nhận vì mục tiêu ổn định vĩ mô”, ông Ngân nói.
Đối với tỷ giá, ông Ngân cho biết Hội đồng tư vấn tài chính tiền tệ quốc gia đang soạn thảo một đề án chống đô la hóa và hy vọng sẽ sớm được ban hành. Đề án này sẽ bao gồm cả việc định nghĩa thế nào là đầu cơ ngoại tệ, như găm giữ ngoại tệ quá lâu trong lúc đất nước đang cần ngoại tệ, và sẽ có biện pháp xử lý những trường hợp đó, hy vọng sẽ giúp giảm được tình trạng đô la hóa của Việt Nam.
Ngày mai (17-2), Chính phủ sẽ họp với Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính đề tìm hướng giải quyết cho vấn đề lãi suất và tỷ giá.