Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp kêu khó

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Doanh nghiệp kêu khó

Quốc Hùng

Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, lãnh đạo Ngân hàng và chuyên gia kinh tế trả lời những khó khăn, thắc mắc của doanh nghiệp Đồng Nai – Ảnh: Quốc Hùng

(TBKTSG Online) – Lãi suất cho vay quá cao khó cạnh tranh, vay vốn và đổi ngoại tệ khó cùng nhiều vướng mắc khác trong kinh doanh là những nỗi lo mà các doanh nghiệp Đồng Nai phản ánh và yêu cầu tháo gỡ tại hội thảo “Giải pháp phát triển kinh doanh trong giai đoạn kiềm chế lạm phát” diễn ra ngày 12-3 tại tỉnh Đồng Nai.

Khó sống với lãi suất quá cao

Hầu hết những bức xúc và khó khăn của doanh nghiệp hiên nay đều liên quan đến ngành tài chính ngân hàng. Nhiều doanh nghiệp than phiền lãi suất cho vay quá cao dẫn đến khó cạnh tranh trong kinh doanh. Ông Phan Văn Bình, Giám đốc Công ty Nhất Nam – đơn vị sản xuất đồ gỗ, thiết bị cơ điện và cung cấp dịch vụ…, cho biết, khoảng 90% doanh thu của công ty là từ lĩnh vực sản xuất, nhưng thực tế hiện nay công ty phải dựa vào lợi nhuận ở phần 10% doanh thu từ dịch vụ, để lo chi phí hoạt động của công ty cũng như tiền lương cho người lao động.

Theo ông Bình, hiện nay hầu hết doanh nghiệp trên địa bàn của tỉnh đều thiếu vốn làm ăn. Vì lãi suất quá cao doanh nghiệp không dám mạo hiểm vay vốn từ ngân hàng. “Điều này có nghĩa là doanh nghiệp sẽ không thể đầu tư đổi mới thiết bị công nghệ để nâng cao năng lực sản xuất, cải tiến sản phẩm nhằm cạnh tranh”, ông Bình nói và lo lắng: “Nếu cứ kéo dài tình trạng lãi suất cho vay quá cao như hiện nay, thì doanh nghiệp khó có thể tồn tại”.

Ông Bình đề nghị Chính phủ cần có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như đã từng hỗ trợ ở thời điểm của năm 2009 đó là hỗ trợ lãi suất, chậm nộp thuế…

Cùng nổi khổ của ông Bình, ông Nguyễn Chí Công, Giám đốc Công ty TNHH Công Trí – đơn vị chăn nuôi ở Đông Nai than phiền rằng với lãi suất như hiện nay, doanh nghiệp của ông đang buộc phải thu hẹp dần việc chăn nuôi, giảm bớt nhân công.Từ đàn heo trên 10.000 con cách đây 2 năm, hiện nay công ty của ông chỉ còn khoảng 2.000 con mà vẫn không tránh được lỗ lã, vì giá thịt bán ra thấp trong khi chi phí đầu vào như thức ăn chăn nuôi luôn tăng cao và quan trọng nhất là phải chịu lãi suất ngân hàng quá cao hiện nay.

Ông Công than phiền rằng các doanh nghiệp trong ngành chăn nuôi trong thời gian qua phải “hy sinh” để bình ổn giá cả mặt hàng thiết yếu là thực phẩm thịt, nhưng không được hỗ trợ về lãi suất vốn vay. “Các doanh nghiệp chăn nuôi như chúng tôi đang phải chịu lãi suất vay của ngân hàng giống như các doanh nghiệp thuộc ngành sản xuất công nghiệp khác, trong khi chương trình giải pháp bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu của một số địa phương trong thời gian qua đã làm cho sản phẩm của chúng tôi làm ra bị khống chế về giá dẫn đến bị thua lỗ nặng”, ông Công bức xúc nói với TBKTSG Online.

Theo ông Công, với một đất nước nông nghiệp như Việt Nam, nhưng 90% sản phẩm thức ăn cho chăn nuôi phải dựa vào nguồn nhập khẩu vốn đang chịu sức ép giá cả leo thang do tác động về tỷ giá, lạm phát…

Ông Công cho biết, nhiều đơn vị chăn nuôi khác trên địa bàn tỉnh Đồng Nai cũng đang bên bờ vực phá sản vì phải trả nợ lãi suất ngân hàng quá cao. “Cách đây 2 năm, chúng tôi chịu lãi suất vay ngân hàng chỉ ở mức 0,8%/ tháng bây giờ đã lên 1,6%-1,8% /tháng khiến không ít doanh nghiệp phải bán trang trại để trả nợ cho ngân hàng”, ông Công nói.

Đứng trước khó khăn đặc thù trong ngành chăn nuôi đó là nằm trong mặt hàng phải bình ổn giá, chịu thiên tai dịch bệnh thất thường cũng như chi phí đầu vào cao, ông Công kiến nghị Chính phủ cũng như ngân hàng cần hỗ trợ lãi suất hoặc khoanh lại lãi suất vay vốn ở mức cũ để doanh nghiệp trong ngành không phải đi đến phá sản.

Lãi suất cao nhưng vẫn khó vay vốn

Ông Phan Văn Bình, Giám đốc Công ty Nhất Nam bức xúc phản ảnh những khó khăn của doanh nghiệp mình -Ảnh: Quốc Hùng

Việc lãi suất cao đã khó khăn, nhưng việc vay được vốn ngân hàng đối với doanh nghiệp không phải dễ. Ông Phạm Đức Bình, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thanh Bình, cho rằng các ngân hàng luôn đòi hỏi doanh nghiệp vay vốn phải minh bạch mọi thứ, nhưng chính bản thân các ngân hàng thì lại không minh bạch vì khi cho vay đòi hỏi chi phí các loại mà doanh nghiệp không biết sẽ hạch toán vào đâu.

Mặt khác, theo ông Bình vấn đề kiểm soát được các khoản cho vay của các ngân hàng trong tình hình hạn chế đồng vốn cho vay hiện nay cũng cần xem xét. Ông dẫn dụ mặc dù trong thời gian qua giá thép tăng cao nhưng một số ngân hàng lại rót vốn cho các doanh nghiệp thương mại ngành thép để tích trữ hàng hoá, nhằm găm hàng làm lũng đoạn thị trường thép…

Đại diện một doanh nghiệp khác của tỉnh cũng than phiền, các ngân hàng khi quyết định duyệt hồ sơ cho vay đòi hỏi tài sản thế chấp. Nhưng tài sản thế chấp của doanh nghiệp phần lớn là đất, nhà xưởng nhưng chính quyền địa phương lại chậm cấp giấy quyền sử dụng đất, có dự án đất đã đã đưa vào sử dụng 3 năm nhưng vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận. Như vậy, thì lấy gì mà thế chấp?

Một số doanh nghiệp than phiền Ngân hàng nhà nước khống chế đầu vào với lãi suất không quá 14%, nhưng lại không khống chế đầu ra (cho vay) với lãi suất mỗi ngân hàng khác nhau, điều này theo các doanh nghiệp là không công bằng.

Trước tình hình chấn chỉnh thị trường ngoại tệ tự do, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa than phiền họ khó khăn trong việc mua ngoại tệ vì các ngân hàng không có ngoại tệ để bán cho doanh nghiệp. Những người có nhu cầu về ngoại tệ chính đáng lại lâm vào thế khó vì hầu hết các ngân hàng – nơi duy nhất được quyền bán ngoại tệ theo quy định của pháp luật đều từ chối với l‎í do không cân đối được nguồn ngoại tệ.

Cơ quan quản lý: rất khó!

Trước những lo lắng của doanh nghiệp rằng việc thắt chặt nguồn vốn vay đối với ngành bất động sản sẽ có tác động mạnh đến ngành này trong thời gian tới, tiến sĩ Trần Du Lịch cho rằng thị trường bất động sản Việt Nam được xem là ngành lôi thôi và khuyết tật nhất trong nền kinh tế thị trường hiện nay. Theo ông nhiều người Hà Nội có nhà mặt tiền ở các con đường với vài chục mét vuông đều có thể trở thành triệu phú, tỷ phú. Điều này cho thấy bất động sản Việt Nam đang tạo tài sản ảo với giá cao. Mặt khác, thị trường bất động sản Việt Nam đang khủng hoảng thừa cao ốc văn phòng và chung cư cao cấp. Do đó cần không chế, không bơm vốn vào lĩnh vực này trong điều kiện khó khăn hiện nay.

Cũng về vấn đề này, theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Trần Minh Tuấn, hiện nay đồng vốn cho vay đầu tư vào ngành bất động sản rất nhiều, không sinh lợi cho nền kinh tế. Việc thắt chặt nguồn vốn vay vào lĩnh vực bất động sản ở thời điểm này là cần thiết, để tập trung vốn cho các ngành sản xuất công nghiệp, các ngành ưu tiên phát triển trong tình hình kiềm chế lạm phát.

Vấn đề giảm lãi suất cho vay theo Phó Thống đốc Tuấn lộ trình giảm lãi suất thị đặt kỳ vọng vào giảm lạm phát. Về những đề xuất của doanh nghiệp xin hỗ trợ của Chính phủ về lãi suất, vốn vay… như đã thực hiện năm 2009, theo ông Tuấn là rất khó và không thích hợp với điều kiện hiện nay. Ông Tuấn thừa nhận trên thế giới chỉ có duy nhất Việt Nam thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất để duy trì tăng trưởng. Hiện nay, chính sách của Nhà nước là tập trung kiềm lạm phát đang tăng cao chứ không phải là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, do đó những kỳ vọng về hỗ trợ của Chính phủ như năm 2009 theo ông là khó xảy ra.

Đánh giá về nền kinh tế năm nay, tiến sĩ Trần Du Lịch cho rằng thị trường sẽ lấy được niềm tin nếu Chính phủ kiểm soát được lạm phát và tỷ giá không tăng cao.

Mặc dù vậy, cũng có doanh nghiệp xem khó khăn hiện nay là cơ hội cho việc kinh doanh của mình. Ông Phạm Đức Bình thuộc Công ty cổ phần Thanh Bình và là Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Đồng Nai, cho rằng đứng trước những khó khăn thách thức hiện nay, doanh nghiệp cần phải thích ứng. Các doanh nghiệp cần xem đây là cơ hội để kinh doanh như bản thân công ty ông đã phải điều chỉnh quản trị, cơ cấu vồn cũng như kinh doanh, cụ thể như hạn chế hàng tồn kho từ ba tháng xuống còn một tháng nhằm tránh việc chôn vốn vào hàng hoá trong bối cảnh tất cả chi phí đầu vào sản xuất quá cao. Với việc giảm hàng tồn kho này thì vốn vay ngân hàng cũng giảm …

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới