Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp ‘khát’ vaccine cùng nỗi lo đứt gãy đơn hàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Doanh nghiệp ‘khát’ vaccine cùng nỗi lo đứt gãy đơn hàng

V.Dũng

(KTSG Online) – Trong tình thế hiện nay, doanh nghiệp đang đứng trước nỗi lo đứt gãy chuỗi cung ứng lẫn đơn hàng vì điều kiện sản xuất bị thu hẹp hay dừng sản xuất khá lâu. Dưới sức ép này, nhiều hiệp hội doanh nghiệp đã chủ động tiếp cận nguồn vaccine và kiến nghị Chính phủ hỗ trợ thủ tục nhập khẩu để tiêm cho người lao động nhằm sớm hoạt động bình thường trở lại.

Doanh nghiệp ‘khát’ vaccine cùng nỗi lo đứt gãy đơn hàng
Doanh nghiệp rốt ráo tìm nguồn vaccine để nhanh chóng hoạt động trở lại. Ảnh minh họa: TTXVN

Trong bối cảnh hiện nay, cả TPHCM chỉ có hơn 500 doanh nghiệp đủ điều kiện thực hiện phương án "3 tại chỗ" và rất nhiều doanh nghiệp sản xuất còn lại phải tạm đóng cửa. Trên thực tế, nếu doanh nghiệp sản xuất cầm chừng với "3 tại chỗ" hay tạm dừng hoạt động quá lâu thì sức ép từ các đơn hàng dở dang, chuỗi cung ứng đứt gãy và thất thoát khách hàng là rất lớn.

Triển khai tiêm vaccine cho người lao động chính là giải pháp tối ưu để doanh nghiệp trở lại trạng thái sản xuất bình thường, nuôi hy vọng về sự phục hồi. Chính vì vậy, hầu hết hiệp hôi doanh nghiệp – ngành nghề đã kiến nghị với Chính phủ về việc đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine hoặc hỗ trợ về thủ tục để họ nhanh chóng mua vaccine khi tìm được nguồn.

Doanh nghiệp rốt ráo tìm nguồn vaccine

Trước nỗi lo dịch Covid-19 bùng phát tại các khu công nghiệp, nhiều doanh nghiệp cho biết sẵn sàng chi trả kinh phí mua vaccine Covid-19 cho người lao động, cũng như tự chủ động tìm nguồn cung, nhưng cần hướng dẫn cụ thể từ ngành y tế. Theo thông tin từ bốn hiệp hội doanh nghiệp gồm Dệt may, Da giày và túi xách, Điện tử, Gỗ mỹ nghệ cho biết họ đã chủ động tìm nguồn cung vaccine từ Tập đoàn Royal Stratergic Parner UAE (UAE).

Để chắc chắn nguồn cung đảm bảo, các hiệp hội cũng đã kiến nghị đại sứ quán nước sở tại hỗ trợ, thẩm định thông tin và làm việc với tập đoàn này để xác minh về khả năng cung ứng vaccine. Doanh nghiệp chỉ có thể làm được việc là tìm nguồn, kết nối, còn việc phối hợp các cơ quan chức năng để thẩm định thêm thông tin, triển khai các thủ tục nhập khẩu cần phải có sự hỗ trợ từ Bộ Y tế và Chính phủ.

Theo các hiệp hội này, Bộ Y tế đã có công văn hướng dẫn cho doanh nghiệp triển khai thủ tục nhập khẩu vaccine nhưng do đây là hoạt động chưa có tiền lệ nên sẽ có nhiều vướng mắc về thủ tục.

"Chúng tôi mong muốn Chính phủ và Bộ Y tế chủ trì đàm phán với tập đoàn trên hoặc chỉ định đơn vị nhập khẩu Việt Nam đủ điều kiện triển khai thủ tục, ưu tiên hỗ trợ các hiệp hội thực hiện việc tiêm chủng cho người lao động tại nhà máy. Mọi chi phí để triển khai các hoạt động trên sẽ do doanh nghiệp các hiệp hội ngành hàng trực tiếp chịu trách nhiệm", các hiệp hội đề xuất.

Bên cạnh kiến nghị của các hiệp hội này, trước đó nhiều doanh nghiệp cũng đã chủ động tìm nguồn “giải cơn khát” tiêm chủng để yên tâm hoạt động. Một lãnh đạo của Masan Group từng cho biết, với số lượng hơn 40.000 lao động, tập đoàn đang rốt ráo đi tìm nguồn vaccine phòng Covid-19, gửi công văn đến Bộ Y tế, Bộ Công Thương, UBND TPHCM, Hà Nội, tận dụng một số mối quan hệ doanh nghiệp khác ở nước ngoài. Trong đó, doanh nghiệp tập trung vào các nguồn vaccine nước ngoài ở Nga và Úc. Tìm được vaccine rồi, các chi phí như lưu kho, vận chuyển… doanh nghiệp sẽ tự chịu hết.

Không phải doanh nghiệp nào cũng đủ tiềm lực về tài chính để chủ động tìm kiếm nguồn vaccine như trên. Tuy nhiên chủ doanh nghiệp cũng đang xoay xở nguồn vốn để sớm thực hiện được việc tiêm ngừa cho người lao động.

Theo bà Đặng Thị Minh Phương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty MP Logistics, thời gian tới, việc kinh doanh khó tránh giảm sút. Vì vậy, bà Phương đề xuất cho doanh nghiệp được vay tiền để mua, tiêm vaccine với lãi suất 0%. Ngoài ra, doanh nghiệp mong muốn được vay để trả bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế với lãi suất 0% vì việc giãn, hoãn không còn phù hợp, hiệu quả nữa.

Khẳng định tầm quan trọng của vaccine đối với các doanh nghiệp, ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội Cơ khí – Điện TPHCM, cho rằng các giải pháp thiết yếu nhất nhằm đảm bảo hoạt động ổn định của doanh nghiệp lúc này đều quay về vấn đề cung cấp nguồn vaccine và đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng. 

Nỗi lo đứt gãy chuỗi cung ứng

Ba tháng gần đây, khi Covid-19 bùng phát trở lại và nghiêm trọng tại các nhà máy, khu công nghiệp, đặc biệt tại khu vực phía Nam, các doanh nghiệp được yêu cầu thực hiện "3 tại chỗ" (sản xuất, ăn, ngủ tại chỗ). Tuy nhiên do các doanh nghiệp thuộc nhóm ngành may mặc, da giày, gỗ mỹ nghệ có quy mô lớn, dùng hàng nghìn lao động nên không đủ khả năng triển khai.

Do vậy, các hiệp hội doanh nghiệp mong muốn được tổ chức cuộc đối thoại trực tuyến với Chính phủ và các bộ ban ngành để bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp.

"90% doanh nghiệp trong các ngành nghề trên dừng sản xuất làm ảnh hưởng đứt gãy phần cung toàn cầu cho các nhãn hàng đã tin tưởng đặt hàng sản xuất tại Việt Nam. Đồng thời ảnh hưởng đến uy tín, niềm tin của các nhãn hàng, các nhà nhập khẩu về thị trường Việt Nam", đại diện bốn hiệp hội cho biết.

Doanh nghiệp lo ngại dừng sản xuất lâu sẽ ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu lẫn đơn hàng. Ảnh minh họa: DNCC

Thậm chí, riêng trong ngành dệt may đã có đến 97% doanh nghiệp phải đóng cửa vì không thể vừa sản xuất vừa chống dịch. Điều này trở thành thách thức lớn cho doanh nghiệp khi đã nhận được đơn hàng nhưng không thể thực hiện. Trong khi đó, các nguồn nguyên liệu đầu vào của công ty cũng bị đứt gãy do các nhà cung cấp trong nước phải đóng cửa vì dịch bệnh càng khiến doanh nghiệp khó khăn.

Ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean, cho biết với phương án "3 tại chỗ" công ty chỉ sắp xếp được chỗ ở cho khoảng 35% trong số 3.500 công nhân ở lại làm việc. Tình hình dịch nếu kéo dài đến tháng 9 với việc hoạt động "3 tại chỗ" giảm năng suất như hiện nay thì không doanh nghiệp nào chịu nổi. Chưa kể công ty không biết phản hồi như thế nào với khách hàng về thời gian quay trở lại sản xuất theo nhịp độ bình thường khiến đơn hàng dịch chuyển sang các nước khác.

Trong khi đó, bà Trương Thị Chí Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI), cho hay dịch Covid-19 đã khiến các chuỗi cung ứng trong ngành công nghiệp chế tạo trên thế giới bị đứt gãy. Đã có 50% số doanh nghiệp thuộc hiệp hội đã bị sụt giảm doanh thu. Đặc biệt, trong đợt dịch lần thứ 4 tại các tỉnh phía Nam, nhiều doanh nghiệp buộc phải dừng sản xuất, chậm trễ trong giao nhận hàng…

“Nhiều doanh nghiệp trong số này là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, nên rất dễ bị tổn thương, khi chuỗi cung ứng đứt gãy, họ khó tìm các đầu mối cung ứng thay thế… Đồng thời khi phải tạm dừng sản xuất lâu thì giữ được các đơn hàng cũng trở nên khó khăn hơn", bà Bình nhận định.

Thiếu hụt nguồn cung ứng còn nghiêm trọng hơn khi dịch Covid-19 bùng phát tại nhiều quốc gia, khiến khâu vận chuyển, giao nhận hàng hóa khó khăn. Những năm gần đây, sự dịch chuyển các doanh nghiệp FDI sang Việt Nam đã giúp Việt Nam có vai trò lớn hơn, có sức cạnh tranh hơn trong các chuỗi cung ứng toàn cầu. Chính vì vậy, biến động hay gián đoạn sản xuất trong nước ảnh hưởng không nhỏ đến chuỗi tiêu dùng nội địa và chuỗi cung ứng toàn cầu.

Như vậy, trước nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng nguyên phụ liệu lẫn đơn hàng, nhiều đơn vị cho biết họ đứng trước bờ vực phá sản nếu phải đóng cửa lâu. Bởi khi thị trường chuyển trạng thái đột ngột sẽ dẫn tới doanh nghiệp giảm doanh thu cũng như vấp phải những rủi ro về thu hồi nợ, mất khả năng thanh toán. Do đó, giải pháp duy nhất mà các doanh nghiệp kỳ vọng hiện nay là vaccine để duy trì được sản xuất và hy vọng vào sự phục hồi. 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới