Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp khổ vì thông tư hướng dẫn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Doanh nghiệp khổ vì thông tư hướng dẫn

Minh Tâm

Doanh nghiệp khổ vì thông tư hướng dẫn
Hoạt động xuất khẩu năm nay cũng bị điều chỉnh bởi nhiều thông tư hướng dẫn. Ảnh minh họa: Bạch Hồng.

(TBKTSG Online) – Năm 2011 là năm có quá nhiều thông tư hướng dẫn liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, không ít trong số các văn bản này thiếu tính khả thi, không bám sát thực tế khiến doanh nghiệp gặp vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Ông Nguyễn Quốc Toản, Phó trưởng phòng Quản lý giám sát, Cục Hải quan TPHCM, đã cho biết như vậy tại buổi đối thoại giữa doanh nghiệp và lãnh đạo Cục Hải quan TPHCM diễn ra ngày 7-12. Đây là hoạt động định kỳ do Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư TPHCM (ITPC) tổ chức.

Theo số liệu từ ông Toản, từ đầu năm đến nay có ít nhất 25 thông tư hướng dẫn được các bộ ngành ban hành, điều chỉnh các hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp; trong đó riêng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành tới phân nửa số thông tư trên.

Đại diện Cục Hải quan TPHCM nhận xét, việc các thông tư hướng dẫn liên tục được các cơ quan chức năng ban hành trong năm nay là bình thường, đúng theo chu kỳ điều chỉnh chính sách 5 năm một lần. Tuy nhiên, vấn đề là nhiều văn bản trong số này thiếu tính khả thi, không sát thực tế hoạt động làm ăn kinh doanh của doanh nghiệp và hướng dẫn chung chung khiến cả ngành hải quan và doanh nghiệp đều gặp khó.

“Doanh nghiệp nếu không cập nhật kịp thời là vướng ngay. Còn cơ quan thực thi – hải quan – là người khổ nhất”, ông Toản nói.

Để minh chứng, ông Toản dẫn chứng hàng loạt thông tư của các bộ ngành. Cụ thể, Bộ NN&PTNT có thông tư 55 – hướng dẫn kiểm tra chất lượng thủy sản xuất khẩu, trong đó quy định mặt hàng thủy sản xuất khẩu vào một số thị trường phải đáp ứng các điều kiện về cơ sở sản xuất được Cục Quản lý chất lượng nông lâm, thủy sản (Nafiqad) công nhận. Sau khi thông tư này có hiệu lực, hàng loạt lô hàng của các doanh nghiệp có cơ sở sản xuất chưa được công nhận đã bị nằm lại cảng, không xuất được; trong đó, có nhiều lô hàng hải sản tươi sống nằm tại sân bay Tân Sơn Nhất khiến doanh nghiệp kêu trời vì phí lưu kho, bãi.

Ngày 10-10, cũng Bộ NN&PTNT ban hành thông tư 66 về quản lý thức ăn chăn nuôi, quy định việc kiểm tra thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm nhập khẩu. Do quy định mới, hàng loạt hàng lại ách tắc tại cửa khẩu khiến Cục Hải quan TPHCM phải có văn bản phản ánh với Tổng cục Hải quan. Cuối cùng, Bộ NN&PTNN đã ban hành tiếp thông tư 81, gia hạn việc kiểm tra thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm nhập khẩu đến 30-6-2012, thay vì 25-11 như trước đó.

Trong khi đó, Bộ Xây dựng lại có thông tư 11 quy định về quy chuẩn, tiêu chuẩn của vật liệu xây dựng mà ngay khi có hiệu lực, ngày 15-10 đã tắc. Theo thông tư này, doanh nghiệp khi nhập khẩu vật liệu xây dựng phải cung cấp cho cơ quan hải quan chứng chỉ ISO về môi trường của sản phẩm do nước xuất khẩu cấp. Theo ông Toản, chỉ tiêu ISO về môi trường này, đến Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng 3 (Quatest 3) khi được Cục Hải quan TPHCM hỏi ý kiến cũng không biết là gì.

“Kết quả là không ai có hết, toàn bộ hàng lại tắc ở các cửa khẩu. Không biết khi ban hành thông tư, Bộ Xây dựng có tham khảo ý kiến của hiệp hội hay không?”, ông Toản thắc mắc.

Tương tự, Bộ Thông tin và Truyền thông thì có thông tư 20 về kiểm tra chất lượng sản phẩm có nguy cơ mất an toàn. Tuy nhiên, khi đến thời điểm thông tư có hiệu lực thì chính cơ quan này lại có văn bản gửi Tổng cục Hải quan thông báo hoãn áp dụng và cũng không cho biết thời gian có thể áp dụng. Điều này, theo ông Toản, cho thấy chính cơ quan ban hành cũng nhận ra quy định không hợp lý.

Trang bị thêm một máy soi container

Theo ông Nguyễn Hữu Nghiệp, Phó cục trưởng Cục Hải quan TPHCM, đơn vị này sẽ lắp đặt thêm một máy soi container tại cảng Cát Lái để đẩy nhanh hoạt động thông quan hàng hóa. Ông Nghiệp cho hay, khác với máy soi được Nhật Bản viện trợ đang được vận hành tại cảng Cát Lái, thiết bị dự định mua là máy soi di động, có thể di chuyển và tốc độ soi hàng nhanh hơn. Tuy nhiên, ông Nghiệp chưa tiết lộ các thông tin cụ thể như thời điểm lắp đặt, tốc độ thông quan… do “mọi thứ còn tùy vào mức đầu tư được Tổng cục Hải quan quyết định”.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới