Thứ Năm, 18/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp không giảm giá xăng, cơ quan quản lý sẽ đề nghị

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Doanh nghiệp không giảm giá xăng, cơ quan quản lý sẽ đề nghị

Hồng Phúc

Cơ quan quản lý sẽ đề nghị doanh nghiệp giảm giá bán lẻ xăng dầu, trong trường hợp giá thế giới giảm mà giá trong nước không giảm theo. Ảnh: Hữu Thắng

(TBKTSG Online) – Nếu giá xăng dầu thế giới không tăng lại trước ngày 20-7, đủ thời hạn 20 ngày giá thế giới thay đổi theo quy định về điều hành giá xăng dầu, thì liên bộ Tài chính – Công Thương sẽ đề nghị các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu giảm giá bán trong nước.

“Giá xăng dầu thế giới vẫn trên đà giảm trong 14 ngày qua, và hiện liên bộ Tài chính – Công Thương vẫn chưa nhận được đề nghị của doanh nghiệp nào về việc giảm giá bán lẻ xăng dầu”, Cục trưởng Cục Quản lý giá – Bộ Tài chính Nguyễn Tiến Thỏa – đã trả lời phóng viên bên lề cuộc họp báo về việc điều hành giá xăng dầu ngày 15-7 tại Hà Nội.

Ông Thỏa nói rằng trong 14 ngày qua giá xăng dầu đã giảm từ 0,6% đến 0,8% so với mức hiện tại. Và chênh lệch giá giữa 2 loại sản phẩm dầu thô và xăng không đáng kể.

Nghị định 55/2007/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu quy định cơ quan quản lý và doanh nghiệp phải điều chỉnh giá xăng dầu bán lẻ trong nước nếu giá thế giới thay đổi liên tục 20 ngày theo xu hướng lên hoặc xuống. Việc thay đổi giá thấp hơn hoặc bằng 10% so với mức giá cũ thì doanh nghiệp được tự quyết định việc điều chỉnh, đồng thời gửi báo cáo về liên bộ Tài chính-Công Thương.

Thế nhưng, theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu thì đến giờ này liên bộ chưa nhận được công văn nào xin gảm giá xăng. Mặc dù giá xăng dầu thế giới giảm chưa đến 20 ngày, nhưng nếu các doanh nghiệp không đăng ký giảm giá thì liên bộ sẽ phải nhắc nhở.

“Ngay sau cuộc họp này chúng tôi sẽ chính thức đưa ra nguyên tắc điều hành giá xăng dầu với 14 ngày và thông báo ngay tới doanh nghiệp”, ông Hiếu nói tại cuộc họp báo.  

Liên bộ Tài chính-Công Thương đã trình Chính phủ sửa đổi Nghị định 55/2007/NĐ-CP theo nguyên tắc, Nhà nước chỉ can thiệp vào giá xăng dầu trong những trường hợp đặc biệt (như thiên tai địch hoạ, giá cả có đột phá lớn trên 15%…).

Ông Hiếu cho biết thêm Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý điều hành xăng dầu theo hướng, tiếp tục điều hành theo “barem” thuế đã công bố; tiếp tục để doanh nghiệp trích 1.000 đồng/lít xăng để hoàn trả tiền ngân sách đã ứng ra cho doanh nghiệp tự xử lý lỗ kinh doanh xăng thời gian qua; tiếp tục trích quỹ bình ổn giá với mặt hàng này để tạo nguồn lực đáp ứng cho yêu cầu bình ổn giá khi giá thế giới tăng trở lại.

Theo giải thích, sở dĩ có chuyện trích 1.000 đồng/lít xăng là bởi từ đầu năm các doanh nghiệp đã lỗ 4.040 tỉ đồng và Bộ Tài chính đã phải tạm ứng 4.038,5 tỉ để tạm bù đắp cho số lỗ này. Các doanh nghiệp sau đó đến bây giờ phải trích lãi ra trả dần cho ngân sách, cho đến nay mới trả được 38%.

Trả lời câu hỏi về việc tại sao Petrolimex (Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam) thông báo lãi kinh doanh xăng dầu trong 6 tháng đầu năm 200 tỉ đồng nhưng vẫn kêu lỗ với các bộ? Ông Nguyễn Tiến Thỏa – Cục trưởng Cục quản lý giá, giải thích rằng số lãi đó là kinh doanh xăng dầu tái xuất, còn khoản lỗ là với kinh doanh xăng dầu nội địa. Petrolimex trong 6 tháng đầu năm đã lãi 392 tỉ đồng với xăng dầu tạm nhập – tái xuất và lỗ trên 100 tỉ đồng với kinh doanh xăng dầu nội địa.

Mặc dù Nhà máy lọc dầu Dung Quất bắt đầu xuất xưởng thành phẩm xăng A92, nhưng theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang, sẽ chưa thể giải quyết được vấn đề của thị trường xăng dầu trong nước. Tuy Dung Quất trong năm 2009 sẽ sản xuất xấp xỉ 3 triệu tấn sản phẩm, đạt công suất thiết kế, nhưng mới chỉ đáp ứng hơn 10% nhu cầu trong nước và trong vài năm tới mới có thể đạt hơn 30% nhu cầu. Cho nên, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu phần lớn xăng dầu từ thế giới.

                

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới