Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp kính nổi thua kiện vì giá dầu F.O “đi ngược”  

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Doanh nghiệp kính nổi thua kiện vì giá dầu F.O “đi ngược”  

Hồng Văn  

Sản xuất kính nổi tại một doanh nghiệp trong nước-Ảnh: Lê Toàn.

(TBKTSG Online) – Cuối cùng thì vụ kiện mà Tổng công ty Thủy tinh và Gốm xây dựng Viglacera yêu cầu Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương, áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng kính nổi nhập khẩu được khởi xướng vào đầu tháng 7 năm ngoái đã kết thúc, mà phần thua kiện thuộc về doanh nghiệp kính nổi Việt Nam.  

>> Vụ kiện kính nổi: 2 đấu 100! 

Đây là vụ kiện đầu tiên của các doanh nghiệp trong nước đối với hàng hóa nước ngoài kể từ khi Pháp lệnh về tự vệ trong nhập khẩu hàng hóa nước ngoài vào Việt Nam ban hành đầu năm 2002.  

Thua kiện  

Theo Cục Quản lý cạnh tranh, tức cơ quan điều tra vụ kiện, nguyên đơn của vụ kiện là Công ty kính nổi Viglacera (VIFG) và Công ty TNHH kính nổi Việt Nam (VFG), nhưng cả hai ủy quyền cho Tổng công ty Thủy tinh và Gốm xây dựng Viglacera khởi kiện đối với hai mặt hàng kính nổi trong biểu thuế xuất nhập khẩu là HS 7005.29.90.00 (kính nổi không màu, không có cốt thép) và HS 7005.21.90.00 (kính nổi có màu, không cốt thép).  

Sản lượng kính nổi của hai nguyên đơn nói trên trong năm 2008 lên tới 180.213 tấn, chiếm 91,11% tổng sản lượng kính nổi của Việt Nam. Ngoài ra, nhà máy sản xuất kính nổi còn lại là Công ty TNHH Công nghiệp kính Việt Nam (VGI) cũng ủng hộ vụ kiện, nên xem như 100% nhà sản xuất trong nước ủng hộ đơn yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ của nguyên đơn.  

Theo báo cáo sơ bộ của Cục Quản lý cạnh tranh, lượng kính nổi nhập khẩu vào Việt Nam đã tăng đột biến trong thời gian ngắn, từ 9.779,5 tấn vào năm 2007 tăng lên 33.765 tấn vào năm 2008, tức tăng 245,3%. Riêng 3 tháng đầu năm 2009 lượng kính nổi nhập khẩu tăng đột biến với 14.696 tấn.  

Do kính nổi nhập khẩu tăng đột biến nên sản lượng tiêu thụ nội địa của hai nguyên đơn trong năm 2008 giảm 23,39% so với năm 2007, doanh thu giảm 1,87%.  

Vì vậy, hồi tháng 5-2009, Tổng công ty Thủy tinh và Gốm xây dựng Viglacera nộp đơn yêu cầu và ngày 1-7, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 3329/QĐ-BCT tiến hành điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng kính nổi có mã HS 7005.29.90.00 và 7005.21.90.00 nhập khẩu từ nước ngoài vào Việt Nam.  

Các doanh nghiệp xuất khẩu nước ngoài nằm trong đối tượng điều tra bao gồm 2 công ty của Indonesia, 1 của Malaysia, 1 của Philippines và 2 của Thái Lan. Trong thời gian điều tra từ năm 2006 tới quí 1-2009, nhập khẩu kính nổi vào Việt Nam đến từ 14 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, theo Cục Quản lý cạnh tranh, ngoài các đối tượng điều tra nói trên, nhập khẩu từ các quốc gia còn lại không đáng kể.  

Sau một thời gian xem xét vụ kiện, theo đề xuất của Cục Quản lý cạnh tranh, tức cơ quan điều tra vụ kiện, ngày 23-2-2009, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã ký quyết định số 0890/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp tự vệ.

Theo đó, không áp dụng biện pháp tự vệ với mặt hàng kính nổi có mã HS 7005.29.90.00 và HS 7005.21.90.00 nhập khẩu từ các nước và vùng lãnh thổ.  

Tại giá dầu F.O  

Kính nổi trong nước thua nước ngoài vì giá dầu của Việt Nam có thời đi ngược chiều giá dầu thế giới-Ảnh: TL.

Cơ quan điều tra trong kết luận của mình, công nhận lượng kính nổi theo 2 mã số nói trên nhập vào Việt Nam trong năm 2008 và quý 1-2009 tăng cả tuyệt đối lẫn tương đối, làm cho ngành sản xuất kính nổi trong nước bị thiệt hại như giảm thị phần, giảm lượng bán hàng và đặc biệt chịu ảnh hưởng nặng trong nửa cuối năm 2008 và đầu năm 2009.  

Mặc dù theo Bộ Công Thương, các doanh nghiệp sản xuất kính nổi trong nước là nguồn cung cấp kính nổi chính cho thị trường nội địa và kính nổi nhập khẩu tương tự như hàng sản xuất trong nước, thế nhưng bộ này cho rằng, nguyên nhân dẫn tới các doanh nghiệp trong nước chịu thiệt hại là do sự biến động ngược chiều của giá dầu F.O trong nước và dầu F.O thế giới.  

Dầu F.O chiếm 30-35% giá thành kính nổi. Bằng việc so sánh giá dầu F.O tại Việt Nam, Singapore và Philippines, cơ quan điều tra cho biết, giá dầu F.O của Việt Nam và thế giới (có các nước xuất khẩu kính nổi vào Việt Nam bị kiện) từ tháng 1-2007 tới 11-2007 không biến động và bắt đầu biến động từ tháng 11-2007 tới nửa cuối năm 2008.

Thời gian này, giá dầu trong nước tăng tương thích với giá thế giới, riêng F.O trong nước tăng tới 117%, còn thế giới thì giá dầu thô tăng kỷ lục lên 140 đô la Mỹ/thùng.  

Thế nhưng từ nửa cuối năm 2008, giá dầu thế giới bắt đầu giảm thì giá dầu F.O trong nước lại tăng, tạo ra khoảng chênh lệch lớn, có thời điểm giá dầu F.O trong khu vực (lấy Singapore làm chuẩn) thấp gần một nửa so với trong nước. Đây là lý do mà thời gian này, lượng kính nhập khẩu tăng đột biến nhờ họ có giá dầu giảm, giá thành rẻ, trong khi kính trong nước phải tăng giá theo giá dầu.  

Đầu vào là giá dầu tăng, chi phí sản xuất tăng nên để cạnh tranh với kính nhập khẩu, các nhà sản xuất trong nước phải giảm giá bán, càng gây thêm khó khăn cho doanh nghiệp như hàng tồn kho nhiều, lợi nhuận giảm, thị phần thu hẹp…  

Kể từ tháng 3-2009 tới nay, chênh lệch giá dầu trong nước và thế giới được thu hẹp, giá dầu F.O biến động tương thích với giá F.O thế giới, ngành sản xuất kính trong nước phục hồi trở lại. Bộ Công Thương cũng trích dẫn nghị định 84 của Chính phủ và tháng 10-2009, rằng giá xăng dầu được thực hiện theo cơ chế thị trường.  

Ngoài giá dầu F.O, nguyên nhân làm cho các nhà sản xuất kính nổi trong nước gặp khó khăn trong năm 2008 và đầu năm 2009 còn do khủng hoảng kinh tế, nhu cầu kính trong nước sụt giảm, rồi gian lận thương mại trong nhập khẩu kính cũng làm khó thêm cho kính trong nước.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới