Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp kỳ vọng vào hiệu ứng tích cực của CPTPP

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Doanh nghiệp kỳ vọng vào hiệu ứng tích cực của CPTPP

Trúc Diễm – An Yên

(TBKTSG Online) – Khoảng hai phần ba (63%) các doanh nghiệp tại Việt Nam tin rằng Hiệp định đối tác tiến bộ và toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vừa được ký kết sẽ có tầm ảnh hưởng tích cực lên hoạt động kinh doanh của họ, theo kết quả một cuộc khảo sát do hãng Kantar TNS thực hiện theo sự ủy quyền của HSBC.

Doanh nghiệp kỳ vọng vào hiệu ứng tích cực của CPTPP
Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh (phải) cùng đại diện 10 nước tham gia lễ ký Hiệp định CPTPP chụp ảnh chung tại hội nghị ở Santiago ngày 8-3. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Rạng sáng ngày 9-3 (giờ Việt Nam), 11 quốc gia khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam, đã đặt bút ký kết Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), mà trước đó được gọi là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Các quốc gia châu Á được hưởng lợi nhiều nhất

Lễ ký kết được tổ chức tại thủ đô Santiago, Chile vào 3 giờ chiều ngày 8-3 giờ địa phương. Theo BBC, Bộ trưởng Ngoại giao nước chủ nhà Heraldo Munoz cho biết: “Hiệp định là một chỉ dẫn mạnh mẽ chống lại chủ nghĩa bảo hộ, tạo điều kiện cho một thế giới mở cửa với thương mại và không còn các biện pháp trừng phạt đơn phương hay nguy cơ chiến tranh thương mại”.

Mục tiêu chính của hiệp định là xoá bỏ thuế quan giữa các thành viên, đồng thời giảm các biện pháp phi thuế quan, có thể tạo rào cản thương mại thông qua các quy định pháp lý. Hiệp định cũng bao gồm cam kết về tiêu chuẩn môi trường và lao động tối thiểu.

Hơn nữa, cơ chế giải quyết tranh chấp giữa Chính phủ và doanh nghiệp gây nhiều tranh cãi trước đó cũng đã được đưa vào Hiệp định. Cơ chế này cho phép công ty kiện Chính phủ khi họ thấy có sự thay đổi trong luật pháp ảnh hưởng tới lợi nhuận của họ.

11 quốc gia thành viên của CPTPP bao gồm: Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam. Trong đó, các quốc gia ở khu vực châu Á được hưởng lợi nhiều hơn bởi Hiệp định này.

Viện Kinh tế quốc tế Peterson ước tính, Malaysia, Singapore, Brunei và Việt Nam tăng trưởng thêm 2% GDP tới năm 2030, còn New Zealand, Nhật Bản, Canada, Mexico, Chile và Australia có mức tăng trưởng trên dưới 1%.

Thủ tướng Úc, Malcolm Turnbull cho biết, Hiệp định CPTPP này được xây dựng trên cơ chế cho phép các quốc gia thành viên mới tham dự, có thể là Mỹ. Tuy nhiên, bản hiệp định mới đã bỏ 20 điều khoản gốc mà phía Mỹ đã đưa vào đàm phán. Điều này cho thấy việc Mỹ tái gia nhập hiệp định sẽ cần quá trình đàm phán lại và sẽ khó có khả năng trở thành hiện thực.

Sau khi ký kết, CPTPP cần phải được thông qua tại ít nhất sáu trong số 11 nước thành viên thì mới chính thức có hiệu lực.

“Chúng tôi, giống như nhiều quốc gia khác, hy vọng CPTPP sẽ có hiệu lực cuối năm nay hoặc không lâu sau đó", Bộ trưởng Thương mại Úc Steven Ciobo nói và được Reuters trích dẫn.

Được lợi hay không tùy thuộc vào quá trình thực thi

Bộ trưởng Công thương Việt Nam Trần Tuấn Anh, trên trang web của bộ cho hay, khi đã tham gia CPTPP, Việt Nam không chỉ cam kết mở cửa thị trường, gỡ bỏ hàng rào thuế quan, tiếp tục tự do hóa và thuận lợi hóa thương mại, mà còn tiếp tục công khai và minh bạch hóa quản lý nhà nước về phát triển thị trường

Hàng loạt lĩnh vực của Việt Nam, bao gồm truyền thống và phi truyền thống, đều có các cam kết. Ví dụ, sở hữu trí tuệ hay mua sắm công – lĩnh vực truyền thống, trong nội dung của CPTPP, nước ta có những cam kết mạnh mẽ cùng những quốc gia khác. Với lĩnh vực phi truyền thống như điều kiện lao động và môi trường của người lao động, hay nội dung liên quan tới công đoàn cũng đòi hỏi cam kết và cải cách mạnh mẽ. Khi thực thi những cam kết hội nhập này, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và các ngành nghề, doanh nghiệp, sản phẩm được cải thiện và nâng cao hơn nữa.

Bên cạnh đó, với một môi trường liên tục được hoàn thiện bằng những cải cách về thể chế cũng như từng lĩnh vực quản lý nhà nước cụ thể, đặc biệt là môi trường đầu tư kinh doanh, thì điều kiện để thu hút đầu tư thêm nguồn lực từ bên ngoài sẽ được cải thiện nhanh chóng.

Các lĩnh vực, ngành hàng được hưởng lợi nhiều nhất và trực tiếp từ Hiệp định có thể kể đến như: Dệt may, da giày, chế biến thực phẩm, đồ uống, bánh kẹo, thuốc lá, rượu bia… Một số ngành khác, không phải không có lợi ích, mà còn phụ thuộc rất nhiều vào sự chuẩn bị.

“Nền kinh tế Việt Nam được hưởng lợi đến đâu còn phụ thuộc vào điều kiện và công việc tổ chức thực thi cam kết hội nhập, cải cách để hướng tới tăng trưởng bền vững và những nhân tố tổng hợp có tính tích cực tạo ra giá trị gia tăng của kinh tế. Đó mới là những yếu tố quyết định”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.

Trước khi CPTPP được ký kết, đã có một số nền kinh tế ngỏ ý được tham gia như Thái Lan, Indonesia, Philippines, Hàn Quốc, Đài Loan và thậm chí cả Anh.

Vì cho dù Mỹ, nền kinh tế lớn đã rút khỏi hiệp định này, là vì CPTPP với 11 thành viên vẫn chiếm tới 14% quy mô GDP và 1/6 thương mại toàn cầu, tạo ra thị trường 500 triệu người tiêu dùng, lớn hơn cả khối thị trường chung Liên minh châu Âu.

Ngoài ra, CPTPP vẫn là một hiệp định có tiêu chuẩn cao, có lộ trình cắt giảm thuế nhanh và sâu. Cụ thể là có tới 95 – 98% số dòng thuế sẽ được cắt giảm về 0% ngay khi CPTPP có hiệu lực, thay vì phải mất 5-7 năm như quy định tại hầu hết các hiệp định thương mại song phương.

Những ước tính gần đây từ Viện Kinh tế quốc tế Peterson (PIIE) chỉ ra rằng dòng chảy thương mại giữa 11 nền kinh tế tham gia vào hiệp định sẽ tăng 6% đến năm 2030, và các nước thành viên đạt tổng mức thu nhập thực tế 157 tỉ đô la Mỹ mỗi năm.

Trong số 1.150 doanh nghiệp có trụ sở tại các nước thành viên CPTPP tham gia cuộc khảo sát, gần một nửa (46%) kỳ vọng những lợi ích tích cực từ hiệp định. Trong số 11 quốc gia tham gia ký hiệp định CPTPP ngày 8-3 tại Chile, có sáu quốc gia có mặt trong khảo sát này: Úc, Canada, Malaysia, Mexico, Singapore và Việt Nam.

Ông Winfield Wong, Giám đốc toàn quốc Khối Dịch vụ ngân hàng doanh nghiệp, HSBC Việt Nam cho biết:
“CPTPP là một thỏa thuận lớn và tham vọng đối với Việt Nam. Nó có ý nghĩa to lớn đối với tăng trưởng, việc làm và các mức sống trong tương lai. Đây là thời điểm mà các doanh nghiệp và chính phủ cần tập trung vào việc thực hiện hiệp định này để có thể đạt được các lợi ích một cách toàn diện. Điều đáng khích lệ là rất nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu kỳ vọng đạt được những lợi ích từ hiệp định".

Cuộc khảo sát được Kantar TNS thực hiện trên toàn cầu theo sự ủy quyền của HSBC, có sự tham gia của 6.033 doanh nghiệp; trong đó có gần một ngàn (997) doanh nghiệp thuộc các thị trường CPTPP, và 200 doanh nghiệp tại Việt Nam. Có 26 thị trường thuộc năm khu vực được chọn ra để khảo sát từ tháng 12-2017 đến tháng 1-2018. Trong đó, tại châu Á-Thái Bình Dương là Úc, Bangladesh, Trung Quốc, Hồng Kông, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan, Việt Nam; tại Bắc Mỹ là Mỹ, Canada, Mexico; tại châu Âu là Pháp, Đức, Ireland, Hà Lan, Phần Lan, Anh, Cộng hòa Czech; tại Trung Đông và Bắc Mỹ là Ai Cập, Ả-rập Saudi, UAE, Thổ Nhĩ Kỳ và tại Nam Mỹ là Argentina.

 

Mời đọc thêm:

Kỳ vọng TPP-11

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới