Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp lạc trong “rừng” văn bản

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Doanh nghiệp lạc trong “rừng” văn bản

Tư Hoàng

(TBKTSG Online) – Các doanh nghiệp Việt Nam đang bị lạc trong một rừng các văn bản pháp luật được ban hành bởi các cơ quan quản lý nhà nước.

Đây là nhận định của ông Phan Đức Hiếu, Phó trưởng Ban Môi trường kinh doanh và chính sách cạnh tranh, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) tại lễ công bố một bản báo cáo về chính sách thương mại sáng nay (19/8) tại Hà Nội.

Theo ông Hiếu, hiện nay có tới 11.240 văn bản pháp lý các loại do các cơ quan nhà nước ban hành nhưng không thể xác định được thời hạn hiệu lực hay không. Một ví dụ điển hình là thông tư liên tịch của Bộ Tài chính, Thương mại và Công an hướng dẫn chế độ hoá đơn, chứng từ đối với hàng nhập khẩu, lưu thông trên thị trường còn hiệu lực, trong khi tất cả các nghị định liên quan – làm cơ sở cho thông tư đó – đã hết hiệu lực.

Ông dẫn chứng vụ việc này từ bài báo “Thấy gì từ việc một doanh nghiệp kiện Bộ trưởng” của TBKTSG (số 43, ngày 21/10/2010) để thấy rằng, nhiều khi nghị định đã chết, mà thông tư vẫn còn sống.

Ông Hiếu nói: “Sự bất cập này mang lại rủi ro cho cả doanh nghiệp lẫn các cơ quan quản lý nhà nước”.

Nhận xét của ông Hiếu được đưa ra tại hội thảo của Phòng thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) nhằm công bố cuốn sách “Kiến nghị chính sách thương mại của các Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam” sáng nay.

Tuy nhiên, những đại doanh nghiệp Việt Nam tại hội thảo trên đã không phát biểu ý kiến về nhận xét của ông Hiếu.

Ông Lê Khánh Lâm, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Trẻ TP. HCM nói với TBKTSG Online rằng, hiện nay các doanh nghiệp tập trung lo toan với việc kinh doanh, ổn định cuộc sống cho nhân viên trong bối cảnh bất ổn kinh tế vĩ mô, hơn là những vấn đề môi trường chính sách như ông Hiếu nêu.

Cuốn sách này bao quát các vấn đề chính mà các doanh nghiệp hội viên của các Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam quan tâm nhất như các vấn đề về thuế, xuất nhập khẩu, quyền sở hữu trí tuệ, môi trường, cơ sở hạ tầng và ban hành văn bản pháp luật.

Bên cạnh đó, cuốn sách cũng đề cập đến các kiến nghị về hoạt động của các hiệp hội doanh nghiệp nhằm nâng cao tiếng nói của các Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam trong cộng đồng doanh nghiệp.

Giám đốc điều hành EuroCham, tiến sĩ Matthias Dühn nói: “Chúng tôi mong sẽ tạo ra một kênh đối thoại năng động giữa các Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam, và Chính phủ Việt Nam, từ đó các Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam có thể nâng cao tiếng nói của họ.”

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới