Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp lại kêu về thuế, hải quan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Doanh nghiệp lại kêu về thuế, hải quan

Minh Tâm

Doanh nghiệp lại kêu về thuế, hải quan
Nhiều doanh nghiệp phản ánh: việc áp dụng chính sách thuế, hải quan ở địa phương chưa đúng với chỉ đạo của cấp Trung ương. Ảnh: Minh Tâm

(TBKTSG Online) – Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan đã có văn bản hướng dẫn nhưng các chi cục thuế, hải quan tại các địa phương vẫn không thực hiện đúng hoặc mỗi nơi áp dụng chính sách mỗi kiểu đã gây khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh.

Đó là ý kiến phản ánh của nhiều doanh nghiệp với lãnh đạo Bộ Tài chính trong buổi đối thoại về chính sách thuế và hải quan diễn ra tại TPHCM vừa qua.

Bà Trịnh Mỹ Ngọc, Chủ tich Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Khải Hoàn nêu trường hợp, hồi tháng 5, công ty này nhập khẩu một lô giấy từ Indonesia, có C/O (xuất xứ hàng hóa) để được hưởng ưu đãi thuế nhờ các hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký vớ các nước trong khu vực ASEAN. Tuy nhiên, cán bộ hải quan khi làm thủ tục thông quan lại nói rằng, C/O này sai và không cho lô hàng được hưởng thuế suất ưu đãi. Không đồng tình với cách áp thuế trên, Công ty Khải Hoàn kiến nghị lên Tổng cục Hải quan và nhận được câu trả lời, C/O công ty này cung cấp là đúng.

Đại diện một công ty cung cấp dịch vụ vận tải biển phản ánh: Tổng cục Thuế có văn bản cho phép hóa đơn không cần đóng dấu nhưng Cục Thuế Đồng Nai lại không chịu, khiến doanh nghiệp bị khách hàng “kêu tới kêu lui” để giải quyết.

Đại diện một công ty chuyên xuất khẩu thủy hải sản chế biến tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu phản ánh, cùng một mặt hàng nhưng các cục thuế địa phương áp dụng mức tính thuế khác nhau. Theo ông này, công ty ông xuất khẩu mặt hàng chả cá và cá bò khô đi Nhật Bản, Hàn Quốc. Cục Thuế tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu áp thuế giá trị gia tăng (VAT) 5% đúng như quy định của Bộ Tài chính đối với sản phẩm tươi sống. Tuy nhiên, Cục Thuế TPHCM lại áp thuế 10% cho sản phẩm đã qua chế biến, có thể ăn ngay được. Để minh chứng cho lãnh đạo Bộ Tài chính thấy cục thuế địa phương áp thuế sai mặt hàng, đại diện doanh nghiệp còn mang theo hai mẫu sản phẩm đến buổi đối thoại.

Trong khi đó, Công ty TNHH Sơn Jotun Việt Nam (Khu công nghiệp Sóng Thần, Bình Dương) lại đang đối mặt với quyết định bị truy thu thuế 5 năm, trị giá 4 tỉ đồng. Theo ông Trần Khanh Tước, Giám đốc nhà máy, đầu đuôi sự việc bắt đầu bằng việc cuối tháng 10-2010, công ty này nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất. Trung tâm phân tích kim loại của Hải quan khu vực Sóng Thần đã lấy mẫu kiểm nghiệm và cho kết quả dung môi trong sản phẩm trên 50% nên áp thuế 24%, trong khi đặc tính kỹ thuật công ty cung cấp là dung môi dưới 20% và có thể được áp thuế 0%. Hải quan cũng đồng thời ra quyết định truy thu thuế trong vòng 5 năm, trị giá 4 tỉ đồng đối với Công ty Jotun cho các lô hàng đã nhập khẩu. Không đồng tình với kết quả kiểm nghiệm, Công ty Jotun đã đem mẫu đi kiểm tra tại Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 (Quatest 3) và cho kết quả: dung môi dưới 20%. Tuy nhiên, khi yêu cầu Trung tâm phân tích kim loại của hải quan kiểm tra lại mẫu thì lại bị từ chối vì quá thời hạn 90 ngày.

Trả lời doanh nghiệp tại buổi đối thoại, ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho hay, sẽ nhắc nhở các cục thuế, cục hải quan địa phương thực hiện không đúng các chính sách như Bộ Tài chính quy định. Với các trường hợp nêu tại buổi đối thoại, ông Tuấn yêu cầu doanh nghiệp cung cấp hồ sơ, gửi thẳng cho Tổng cục Hải quan hoặc Tổng cục Thuế để được xem xét, giải quyết. Với trường hợp thuế VAT của mặt hàng chả cá và cá bò khô, ông Tuấn cho rằng, trong quá trình thực hiện, doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế, chịu trách nhiệm với việc tự khai, tự nộp. Cơ quan thuế nếu không đồng ý với thông tin khai báo đó thì cần phải trao đổi với cơ quan cấp trên cũng như các cơ quan chuyên ngành để có cách áp dụng chính xác. Với trường hợp của Công ty Jotun, quan điểm của Bộ Tài chính là phải lấy kết quả của cơ quan quản lý chuyên ngành (Bộ Khoa học và Công nghệ).

Kiến nghị điều chỉnh nhiều chính sách thuế

Đại diện Công ty Hữu Toàn, chuyên sản xuất máy phát điện nêu ý kiến, ở mặt hàng máy phát điện, thuế suất thuế nhập khẩu rất bất hợp lý khi thuế nhập khẩu nguyên chiếc từ Trung Quốc chỉ 10% nhưng linh kiện lại lên tới 15%. Điều này khiến doanh nghiệp muốn nội địa hóa gặp rất nhiều khó khăn. Theo đại diện Công ty Hữu Toàn, vấn đề này đã được đưa ra từ năm 2009 nhưng đến nay vẫn chưa có sự thay đổi. Bản thân công ty có dự án nhà máy tại Khu kinh tế Chu Lai nhưng chưa dám triển khai vì thuế suất linh kiện quá cao.

Bà Nguyễn Nhật Anh Thư, Phó tổng giám đốc Công ty Takako Việt Nam (có trụ sở tại Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore, Bình Dương) nêu vấn đề, quy định với doanh nghiệp chế xuất là phải xuất khẩu 100% mới được hoàn thuế còn bán hàng vào nội địa phải đóng thuế. Điều này đã cản trở việc hợp tác với doanh nghiệp trong nước để sản xuất hàng hóa, những mặt hàng vốn là đầu vào của nền kinh tế, nhiều doanh nghiệp phải nhập khẩu từ nước ngoài chịu chi phí, giá cao. Bà Thư dẫn chứng bằng câu chuyện của chính Takako khi đơn vị này đã được một công ty trong nước mời làm đối tác sản xuất máy dùng trong nông nghiệp nhưng Takako đã không dám hợp tác do vướng quy định trên.

Trước các ý kiến của doanh nghiệp, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn khẳng định Bộ Tài chính sẽ tiếp thu để có những kiến nghị, điều chỉnh luật cho phù hợp thực tế.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới