Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp liên kết nông dân để tránh bẫy thương lái Trung Quốc

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Doanh nghiệp liên kết nông dân để tránh bẫy thương lái Trung Quốc

Hữu Quan

Mấy năm gần đây dư luận cả nước xôn xao trước hiện tượng một số thương nhân người Trung quốc qua nước ta bằng hộ chiếu du lịch để đi lùng sục thu gom nông sản bằng mọi giá. Hiện nay vấn đề này không còn là dư luận nữa mà trở thành chuyện cần quan tâm thật sự.

Gần đây nhất, ngày 1-11-2012, tại diễn đàn kỳ họp lần thứ tư Quốc hội khóa XIII, đại biểu Lê Nam – đơn vị Thanh Hóa, đã phát biểu cảnh báo: “Năm 1997-1998 thương lái Trung Quốc sang mua bèo giá cao thì một số nơi hết bèo. Năm 2001-2003 họ mua móng trâu giá 1 triệu, khi giá trâu chỉ  5 triệu đồng/con, kết cục có nơi trâu chết hàng loạt, rồi thu mua ốc bưu vàng, đỉa, ghê rợn hơn còn thu gom chè bẩn, sản xuất bằng cách trộn phân lân, trộn bùn đất. Điều đáng bàn là những việc họ làm tưởng như là ngớ ngẩn, khôi hài, nhưng họ đều đạt được điều họ muốn, để lại hậu quả lâu dài cho người dân Việt Nam. Sự phá hoại của một số người xấu đến từ Trung Quốc cùng với tình hình buôn lậu từ Trung Quốc  tràn về Việt Nam đã gây thiệt hại hết sức nghiêm trọng nền kinh tế nước ta …"

Chúng ta cần tỉnh táo để nhận định việc tư thương Trung Quốc vào tận vườn lùng mua nông sản của nông dân. Thực tế ta sát Trung Quốc, nên xác định đây là thị trường tốt để tiêu thụ nông sản của ta. Đối với người nông dân làm ra nông sản nếu bán được giá cao lợi nhuận nhiều thì họ bán để được lợi. Chúng ta phải khẳng định thị trường Trung Quốc là thị trường lớn mà chúng ta trân trọng và nuôi dưỡng, nhưng phải trên cơ sở xuất khẩu hiệu quả, lâu dài bằng giải pháp xuất khẩu chính ngạch. Hiện nay hầu hết các nông sản của chúng ta đều xuất tiểu ngạch qua biên giới các tỉnh phía Bắc, nếu họ thay đổi chích sách dù ở cấp địa phương, thậm chí chỉ là  sự “lật kèo” của một vài thương nhân Trung Quốc nhập nông sản của ta, việc tiêu thụ hàng nông sản của Việt Nam gặp rất nhiều rủi ro.

Việc doanh nhân Trung Quốc mua nông sản giá cao có tính tức thời, còn về lâu dài nó phá vỡ quy hoạch sản xuất của chúng ta, như khoai mì là một bài học. Khi giá khoai mì cao lên, thì diện tích khoai mì sẽ lấn những cây trồng khác, mà chủ trương của ta thì không thể phát triển khoai mì một cách tùy tiện được, nhất là quảng canh, dễ dẫn đến phá rừng, lấn đất ruộng, đất mía v.v., tức là phá vỡ quy hoạch sản xuất. Bài toán trồng – chặt, đã diễn ra ở nhiều địa phương.

Còn ở góc độ thị trường, Việt Nam không phải một thị trường lệ thuộc Trung Quốc. Việc một số người đến từ Trung Quốc thu gom nông sản của ta phải được làm rõ là việc thu gom này kéo theo sự bất bình đẳng về nghĩa vụ, kéo theo hệ quả xấu, như ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và tạo công ăn việc làm của các doanh nghiệp trong nước. Cần rà soát lại các quy định, cần phải có hành động cụ thể để ngăn chặn hành vi phá hoại nền kinh tế của đất nước ta từ thương nhân Trung Quốc. Bộ Công Thương cho rằng, mặt tiêu cực của hiện tượng này không những đã gây bất ổn thị trường mà còn ảnh hưởng, thậm chí phá vỡ các quy hoạch vùng nguyên liệu và công nghiệp chế biến. Mặt khác, hiện tượng này còn gây ra tình trạng thiếu nguồn cung nguyên liệu của một số nhà máy chế biến nông sản trong nước, khiến các nhà máy hoạt động cầm chừng, người lao động thiếu công ăn việc làm, gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu nông sản.

Thêm vào đó, việc thu mua ồ ạt không phân biệt chất lượng, kích cỡ, chủng loại, tạo ra đơn hàng riêng… về lâu dài sẽ ảnh hưởng tới uy tín hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế, tạo sự phụ thuộc vào một thị trường xuất khẩu. Đặc biệt, hoạt động thu mua trái phép của thương nhân nước ngoài không được quản lý đã gây thất thu thuế.

Từ mất ổn định về kinh tế, thương mại dẫn đến mất ổn định về trật tự an toàn xã hội tại các địa phương.Có hai nguyên nhân chính của hiện tượng này, trong đó nguyên nhân khách quan là do nhu cầu của thế giới về hàng nông sản của Việt Nam ngày một tăng, đặc biệt đối với thị trường Trung Quốc – thị trường có nhu cầu tiêu thụ rất lớn, lại là nước có dân số đông, liền kề Việt Nam nên rất thuận tiện cho việc mua bán, thu gom, vận chuyển.

Về chủ quan, để xảy ra hiện tượng thương nhân nước ngoài thu mua ồ ạt nhưng thiếu sự quản lý là trách nhiệm của các cơ quan chức năng. Mặc dù luật pháp và các văn bản hướng dẫn tương đối đầy đủ nhưng cơ quan quản lý tại các địa phương đã không giám sát, xử lý kịp thời. Từ nhận thức chính sách, luật pháp đến phối hợp tổ chức quản lý, giám sát, kiểm tra hoạt động thương mại của các thương nhân nước ngoài tại từng địa bàn cụ thể còn nhiều hạn chế.

Để từng bước chấm dứt việc một số thương nhân đến từ Trung quốc lùng sục thu gom nông sản, phá hoại nền kinh tế nước ta, cần phải hạn chế tới mức thấp nhất, tiến tới chấm dứt việc xuất khẩu qua đường tiểu ngạch mà tập trung xuất khẩu nông sản nói riêng và  tất cả các mặt hàng của Việt Nam sang Trung Quốc bằng đường chính ngạch. Muốn thực hiện được mục tiêu này đòi hỏi các doanh nghiệp phải liên kết với nông dân, đặt hàng nông dân tạo ra sản phẩm có mẫu mã chủng loại, chất lượng theo nhu cầu thị trường và phải bao tiệu sản phẩm.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới