Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp lo thiếu hàng rào kỹ thuật bảo vệ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Doanh nghiệp lo thiếu hàng rào kỹ thuật bảo vệ

Minh Tâm

Doanh nghiệp lo thiếu hàng rào kỹ thuật bảo vệ
Hàng các nước ASEAN đã tràn ngập các chợ, siêu thị ở Việt Nam. Ảnh chụp tại chợ Tịnh Biên, An Giang. Ảnh: Minh Tâm

(TBKTSG Online) – Thời điểm thuế suất thuế nhập khẩu nhiều mặt hàng về 0% khi các hiệp định thương mại giữa Việt Nam và các nước ASEAN có hiệu lực đã gần kề nhưng các hàng rào kỹ thuật vẫn chưa được ban hành khiến các doanh nghiệp sản xuất vô cùng lo lắng.

Tại hội nghị sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm 2012 của các hội ngành nghề tại TPHCM, lãnh đạo nhiều hiệp hội đã tỏ ra bức xúc và lo lắng trước tình trạng các hàng rào kỹ thuật, công cụ để cạnh tranh với hàng ngoại nhập khi thuế suất về 0% vẫn chưa được xây dựng.

Ông Nguyễn Quốc Anh, Chủ tịch Hội Cao su – Nhựa TPHCM, cho biết đến thời điểm này, hàng rào kỹ thuật đối với mặt hàng săm lốp của Việt Nam vẫn chưa có. Theo ông Anh, trong 10 nước ASEAN, chỉ còn Việt Nam là chưa có quy chuẩn quốc gia này.

Ông Anh nêu ra thực tế là nhiều nước ở châu Á khác, cũng giống Việt Nam nhưng đã lấy tiêu chuẩn của Mỹ áp dụng. Thực tế này đã khiến doanh nghiệp trong nước khổ sở vì không được bảo vệ.

Đồng quan điểm, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội hàng Việt Nam chất lượng cao, nhận định Việt Nam chưa rục rịch bao nhiêu cho thời điểm 2015 khi hàng rào thuế quan giữa Việt Nam và ASEAN + 1 bị dỡ bỏ. Ví dụ như trong chương trình xúc tiến thương mại năm 2013, không hề có hoạt động, chương trình nào liên quan đến ASEAN + 1 trong khi đó, các nước khác đã chuẩn bị kỹ càng, đã từng ngày từng giờ đưa hàng và tiếp cận thị trường Việt Nam.

Bà Hạnh cho biết, qua thực tế thực hiện các dự án của hội này như đưa hàng Việt vào chợ truyền thống, đưa hàng Việt vào các thị trường Trung Quốc, Myanma, Campuchia…, ghi nhận một thực tế là hàng của các nước ASEAN như Malaysia, Indonesia có một vị trí nhất định tại các chợ. Hàng hóa được đưa trực tiếp vào các chợ, xuống từng tiểu thương. Trong khi đó, hàng có nguồn gốc từ Trung Quốc vào Việt Nam qua đường tiểu ngạch lại được dán nhãn Việt Nam để xâm nhập và tiêu thụ.

“Tôi biết có rất nhiều hộ gia đình hiện đang sống bằng việc dán nhãn hàng Trung Quốc thành hàng Việt Nam”, bà Hạnh nói thêm.

Ông Văn Đức Mười, Chủ tịch Hội Lương thực – Thực phẩm TPHCM (FFA), nêu ý kiến với thực tế hàng rào kỹ thuật chưa được quan tâm, triển khai như hiện nay thì việc thị trường Việt Nam bị xâm thực một cách thô bạo vào 2015 là điều rất dễ xảy ra. Và bên cạnh việc xây dựng hàng rào kỹ thuật, Nhà nước cũng cần phải hỗ trợ doanh nghiệp đưa hàng vào các nước.

Ông Mười cho rằng bản thân các doanh nghiệp cũng không được tự ti về bản thân, nghĩ rằng mình không đủ tầm để xuất ngoại. Kết hợp tất cả các yếu tố đó, vừa mạnh trong nước, vừa xuất khẩu giỏi thì doanh nghiệp mới có thể tìm được thế cân bằng, bình đẳng với hàng nhập ngoại.

Các hội ngành nghề đẩy mạnh liên kết

Ông Huỳnh Khánh Hiệp, Phó giám đốc Sở Công Thương TPHCM, cho biết hiện Sở Công Thương được giao nhiệm vụ quản lý 23 hiệp hội ngành nghề trên địa bàn (trong đó có 20 hội, 2 hiệp hội và 1 câu lạc bộ) với hơn 7.000 hội viên, tập trung hầu hết các doanh nghiệp lớn của thành phố.

Để phát huy được thế mạnh của các hiệp hội, theo ông Hiệp, một yêu cầu được đặt ra là cần phải liên kết, hợp tác, hỗ trợ nhau nhiều hơn nữa. Các hội có thể tự liên kết với nhau hoặc thông qua Sở Công Thương để sở làm cầu nối.

Suốt thời gian qua, các doanh nghiệp đã thông qua các hiệp hội kiến nghị nhiều vấn đề với cơ quan quản lý. Từ đó, UBND TPHCM đã có nhiều chương trình, giải pháp hỗ trợ khởi thông thị trường, dòng vốn, thúc đẩy hoạt động sản xuất của doanh nghiệp cũng như có những đề xuất kịp thời với Chính phủ.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới