Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp lớn ở TPHCM chủ yếu là làm bất động sản

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Doanh nghiệp lớn ở TPHCM chủ yếu là làm bất động sản

Hùng Lê – Anh Quân

(TBKTSG Online) – Phân tích về số liệu, cơ cấu doanh nghiệp tại TPHCM cho thấy trung tâm kinh tế lớn nhất nước chỉ có 776 doanh nghiệp có số vốn trên 1.000 tỉ đồng, nhưng lại có đến 326 doanh nghiệp chủ yếu hoạt động kinh doanh bất động sản.

Do đó, khi tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng của ngành kinh doanh bất động sản giảm 4,37% đã tác động trực tiếp đến các doanh nghiệp lớn của thành phố. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc nền kinh tế địa phương chưa đạt 4 chỉ tiêu quan trọng năm 2020 theo mục tiêu đề ra trước đây.

Doanh nghiệp lớn ở TPHCM chủ yếu là làm bất động sản
Doanh nghiệp vốn lớn trên 1.000 ở TPHCM chủ yếu đăng ký hoạt động trong lĩnh vực bất động sản. Ảnh minh họa: TBKTSG

Thông tin này được ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM chia sẻ trong báo cáo về tình hình kinh tế – xã hội trên địa bàn TPHCM tại đại biểu tại kỳ họp 23 HĐND thành phố khoá IX, ngày 8-12.

Bên cạnh những kết quả đạt được, nhìn tổng thể, theo ông Nguyễn Thành Phong, kinh tế thành phố vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do tác động của dịch bệnh, chặng đường phục hồi kinh tế phía trước sẽ còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, nếu không có giải pháp phù hợp trong thời gian tới.

Theo ông Phong, trong năm 2020, có 4 chỉ tiêu chưa đạt đều ảnh hưởng của dịch Covid-19, gồm: tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (chỉ tăng 1,39% trong khi chỉ tiêu là 8,3-8,5%); thu ngân sách (chỉ đạt 86,74% dự toán); thành lập mới doanh nghiệp (chỉ có 40.000 trong khi chỉ tiêu là 44.000 doanh nghiệp); và tỷ lệ thất nghiệp đô thị (thực hiện ở mức 4% trong khi chỉ tiêu là dưới 3,7%).

Giải thích thêm về việc chưa đạt các chỉ tiêu này và mức độ tác động của dịch bệnh đối với kinh tế thành phố, ông Phong cho rằng, hiện nay về cơ cấu ngành kinh tế thành phố thì dịch vụ chiếm 62,39% GRDP, công nghiệp- xây dựng chiếm 24,18% GRDP; nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 0,74% GRDP; thuế và trợ cấp sản phẩm chiếm 12,69% GRDP.

Điều này cho thấy, động lực tăng trưởng kinh tế thành phố chủ yếu từ hai khu vực là: dịch vụ, công nghiệp-xây dựng.

Phân tích từng ngành, ông Phong chỉ ra rằng tỷ trọng 9 ngành dịch vụ chủ yếu chiếm đến 90,87% giá trị gia tăng toàn ngành dịch vụ và chiếm 56,69% GRDP. Riêng 4 ngành công nghiệp trọng yếu chiếm đến 51,66% giá trị gia tăng toàn ngành công nghiệp và chiếm 10,12% GRDP.

Tuy nhiên, trong năm 2020, dưới tác động của dịch bệnh, 9 ngành dịch vụ chủ yếu chỉ tăng 3,44% (cùng kỳ tăng 8,66%), nguyên nhân do ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống giảm sâu ở mức 33,94%.

Cùng với đó, 4 ngành công nghiệp trọng yếu chỉ tăng 1,56% (cùng kỳ tăng 10%), trong đó, ngành sản xuất hàng điện tử tuy có mức tăng trưởng nóng, tăng trưởng 19,3%, nhưng ngành này chỉ chiếm 11,83% giá trị gia tăng toàn ngành công nghiệp, chiếm 2,32% GRDP, đây là một trong số những nguyên nhân làm cho kinh tế thành phố chỉ tăng trưởng 1,39%.

Về thành phần kinh tế, kinh tế nhà nước chiếm 14% GRDP; kinh tế ngoài nhà nước chiếm 54,5% GRDP; kinh tế đầu tư nước ngoài chiếm 18,5% GRDP; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 13% GRDP. Như vậy, có thể thấy động lực tăng trưởng kinh tế thành phố phụ thuộc vào khu vực kinh tế ngoài nhà nước và khu vực kinh tế đầu tư nước ngoài.

Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM báo cáo tại cuộc họp. Ảnh: H. T

Đối với khu vực kinh tế ngoài nhà nước, theo ông Phong, TPHCM có 444.507 doanh nghiệp với vốn đăng ký hơn 7,2 triệu tỉ đồng, trong đó doanh nghiệp vừa và nhỏ là 434.645 doanh nghiệp, chiếm 97,78% nhưng số vốn đăng ký chỉ chiếm 27,21% tổng số vốn đăng ký của doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.

Doanh nghiệp lớn (có số vốn đăng ký trên 100 tỉ đồng) là 9.872 doanh nghiệp, chiếm 2,22% nhưng số vốn đăng ký kinh doanh đã chiếm 72,79% tổng số vốn đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.

Và nếu xét trong cơ cấu doanh nghiệp lớn, thành phố chỉ có 776 doanh nghiệp có số vốn trên 1.000 tỉ đồng nhưng theo ông Phong lại có đến 326 doanh nghiệp chủ yếu kinh doanh bất động sản với số vốn đăng ký kinh doanh hơn 1,2 triệu tỉ đồng, chiếm 16% tổng số vốn đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.

Do đó, theo người đứng đầu chính quyền thành phố, trong năm 2020, tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng của ngành kinh doanh bất động sản giảm 4,37% đã tác động trực tiếp đến các doanh nghiệp lớn của thành phố.

Ngoài ra, dưới tác động của dịch bệnh, đã có 32.374 doanh nghiệp giải thể, ngưng hoạt động với số vốn đăng ký kinh doanh giảm 152.831 tỉ đồng và làm giảm đi doanh số hoạt động sản xuất kinh doanh hơn 28.458 tỉ đồng.

Ngoài ra, thành phố chỉ thu hút được 4 tỉ đô la Mỹ đầu tư từ nước ngoài, giảm 51,98% so với cùng kỳ, đây là một trong số những nguyên nhân làm cho việc thu ngân sách chỉ đạt 86,74%, không đạt chỉ tiêu 44.000 doanh nghiệp và không đạt chỉ tiêu tỷ lệ thất nghiệp đô thị dưới 3,7%.

Cùng với đó, ông Phong thừa nhận việc triển khai các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư chưa đáp ứng yêu cầu, thứ hạng của chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) không tăng, mà có chiều hướng giảm so với các tỉnh, thành trong cả nước, từ hạng 8 năm 2016 giảm xuống hạng 14 năm 2020. Đối với công tác cải cách hành chính vẫn còn một số hạn chế.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới