Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp lữ hành “choáng váng” vì đô la

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Doanh nghiệp lữ hành “choáng váng” vì đô la

Doanh nghiệp lữ hành kinh doanh mảng outbound đang gặp khó vì đồng đô la Mỹ tăng giá cao trên thị trường. Trong ảnh là Venetian, một điểm tham quan mới cho khách du lịch tại Macao – Ảnh: Đào Loan

(TBKTSG Online) – Sự tăng giá của đồng đô la Mỹ so với tiền Việt Nam và sự khan hiếm đô la trên thị trường trong vài tuần gần đây đã làm các doanh nghiệp kinh doanh mảng du lịch nước ngoài lao đao. Doanh nghiệp gặp khó, khách hàng cũng khổ theo.

Khó khăn tìm mua đô la

Theo các doanh nghiệp lữ hành kinh doanh mảng du lịch nước ngoài (outbound), dù ngân hàng vẫn niêm yết giá đô la Mỹ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, tuy nhiên khó mua được với giá này. Ngân hàng thường xuyên kêu thiếu đô la để bán. Và doanh nghiệp, nếu muốn mua được ngoại tệ này, phải chịu mua với giá cũng gần bằng giá trên thị trường tự do. Vì thế, doanh nghiệp không thể tránh được chuyện bán tour du lịch lỗ vốn.

“Có mấy hợp đồng, lúc ký kết thì giá 1 đô la Mỹ chỉ là 16.200 đồng. Hôm nay, giá ngân hàng là 16.550 đồng/đô la Mỹ nhưng ngân hàng họ từ chối bán ngoại tệ. Vì thế, chúng tôi phải mua ở thị trường tự do với giá 19.400 đồng/đô la Mỹ”, ông Trần Xuân Hùng, Giám đốc Công ty Truyền thông và Du lịch ViKing nói với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online hôm thứ Năm (ngày 19-6) tuần rồi.

Với việc phải chịu thêm khoản chênh lệch do mua đô la Mỹ trên thị trường tự do thì hợp đồng trị giá 30.000 đô la Mỹ cho 100 khách đi Campuchia của Viking đã mất khoảng 90 triệu đồng.

Giám đốc Công ty du lịch Hoàn Mỹ, ông Nguyễn Thế Khải thì dùng từ “choáng váng” khi nói về chuyện thanh lý các hợp đồng tính bằng đô la Mỹ của công ty. Doanh nghiệp này chuyên tổ chức các tour outbound đến Mỹ, Nhật, Hàn Quốc… nên các hợp đồng thường có giá trị lớn. Vì thế, khi giá đô la tăng quá cao thì mức thiệt hại cũng lớn.

Hoàn Mỹ đang phải thanh lý khoảng năm hợp đồng. Với bốn hợp đồng đầu, giá ký kết là 16.100 đồng/đô la Mỹ, hợp đồng còn lại ký với giá là 17.100 đồng/đô la Mỹ. Bốn hợp đồng đầu mức thiệt hại không lớn bằng hợp đồng sau cùng vì chỉ phải thanh toán 20% trong khi đó hợp đồng cuối có giá trị lớn, lên đến một tỉ đồng mà lại phải thanh toán đến 50%. 

“Lỗ là chuyện đương nhiên nhưng vấn đề đau đầu lại là không mua được đô la Mỹ để thanh toán”, ông Khải nói vào thứ Sáu tuần trước.

Thường thì khi ký hợp đồng, doanh nghiệp outbound cũng đã tính mức giá dự phòng khi đồng đô la tăng, giảm. Tuy nhiên, với tình hình tăng, giảm thất thường như thời gian gần đây thì khó có doanh nghiệp nào có thể dự tính trước được. Vả lại, nếu để dành một mức dao động lớn khi tính giá tour thì lại gặp khó trong việc cạnh tranh giá. 

Ông Lưu Đình Phục, Giám đốc Viettours tính toán, cứ mỗi 1.000 đô la Mỹ mua vào thì công ty ông mất 150 đô la vì ngoài tỷ giá chính thức, công ty buộc phải cộng thêm 2.900 đồng phụ phí trên 1 đô la. “Dĩ nhiên là ngân hàng có giá niêm yết nhưng không ai có thể mua với giá này. Ngân hàng chỉ bán khi tính thêm phụ phí mà nếu tính đầy đủ thì giá cũng bằng với giá thị trường tự do”, ông nói.

Viettours chuyên làm tour cho khách đoàn trong và ngoài nước. Mỗi tháng, công ty có khoảng từ 1.000 đến 1.500 khách outbound. Hiện công ty cũng có một số hợp đồng phải thanh lý nhưng may mắn hơn Hoàn Mỹ, mỗi hợp đồng chỉ phải thanh toán 20% còn lại.

Khách du lịch thăm một biệt phủ tại Hàng Châu, Trung Quốc – Ảnh: Đào Loan

Chưa có giải pháp tốt nhất

Hiện chưa có công ty lữ hành nào có giải pháp tốt nhất để xoay chuyển trong tình hình thiếu đô la Mỹ như hiện nay. Một số công ty đã thay đổi cách bán tour, thay vì niêm yết giá bằng đô la Mỹ rồi khách trả tiền bằng cách quy đổi từ tiền Việt ra đô la thì nay doanh nghiệp bán tour trực tiếp bằng đồng ngoại tệ trên. Ở nơi khác, khách phải trả tiền bằng tỷ giá trên thị trường tự do hoặc giá của ngân hàng nhưng cộng thêm phụ phí.

Dĩ nhiên là khách hàng không hài lòng với cách thanh toán mới nên lượng khách đã bắt đầu giảm và doanh nghiệp cũng khó để ký kết những hợp đồng mới.

“Khó mà thương lượng những hợp đồng mới vì khách hàng chỉ căn cứ vào tỷ giá niêm yết. Chúng tôi hiện có khoảng ba hợp đồng treo, vẫn chưa ký được vì lý do này”, ông Khải của Hoàn Mỹ nói.

Hoàn Mỹ và những doanh nghiệp khác cũng đã áp dụng một giải pháp linh hoạt, nếu khách hàng không đồng ý thanh toán theo tỷ giá trên thị trường tự do thì sẽ thanh toán trực tiếp bằng đô la. “Hai tuần nay chúng tôi đã áp dụng cách thanh toán này. Lượng khách đăng ký tour cũng ít đi”, ông Hùng của Viking than.

Trong tình hình lạm phát, người dân đang cắt giảm chi tiêu mà giá tour cao thì lượng khách giảm là chuyện đương nhiên. Một số khách, thường là khách lẻ, trẻ tuổi thì đổi cách đi du lịch tự do để tiết kiệm. Thay vì mua tour trọn gói ở các công ty lữ hành, họ chọn cách tự đi, tự đặt dịch vụ để có thể thanh toán bằng thẻ tín dụng, tiết kiệm hơn.

Cụ thể, Phan Diệu Huyền, một khách du lịch tại TPHCM, nói rằng tuần này hai vợ chồng cô sẽ đi du lịch Singapore tự túc. “Chúng tôi tự đặt dịch vụ và thanh toán mọi thứ bằng thẻ tín dụng của hai vợ chồng. Ngân hàng nói khi thanh toán lại bằng tiền mặt, họ sẽ vẫn tính theo tỷ giá niêm yết. Như thế lợi hơn”, cô nói.

Theo các doanh nghiệp, chỉ có những công ty lớn, có lượng khách inbound nhiều thì mới có thể dùng khoản lời của mảng dịch vụ này bù cho mảng outbound. Một số doanh nghiệp khác, vốn còn đô la nhiều trong tài khoản, cũng có thể sử dụng để thanh toán trong ngắn hạn mà không phải mua thêm ngoại tệ. Hiện nay, tại TPHCM chỉ có vài công ty như Dịch vụ lữ hành Saigontourist, Vietravel chấp nhận thanh toán giá tour theo tỷ giá niêm yết của ngân hàng.

“Dù rất khó khăn nhưng chúng tôi còn đô la trong tài khoản nên tạm thời cầm cự được trong ngắn hạn”, ông Trần Đoàn Thế Duy, Trưởng phòng outbound của Vietravel nói.

Ông Võ Anh Tài, Giám đốc Công ty Dịch vụ lữ hành Saigontourist, cho biết với tình hình khan hiếm đô la Mỹ và giá của loại ngoại tệ này đang tăng như hiện nay thì doanh nghiệp không thể có lãi khi bán tour outbound. Hiện nay, Saigontourist vẫn có thể áp dụng cách thanh toán bằng tiền đồng, tính theo tỷ giá niêm yết của ngân hàng cho khách là nhờ vào lượng khách inbound lớn. Khi đối tác từ mảng inbound thanh toán hợp đồng, công ty có một nguồn cung ngoại tệ khá tốt để thanh toán cho đối tác nước ngoài của mảng outbound mà không phải mua ngoại tệ.

“Chúng tôi cũng đã thảo luận khá nhiều để đi đến quyết định này. Từ trước đến giờ công ty vẫn tính giá tour theo tỷ giá niêm yết của ngân hàng thì nay cũng sẽ tiếp tục thực hiện để đảm bảo quyền lợi cho khách”, ông Tài nói. Theo ông, doanh thu từ mảng inbound của Saigontourist hiện cao gấp 1,5 lần doanh thu từ mảng outbound. Đây là lợi thế để công ty có cán cân thanh toán đô la tương đối tốt nhằm giải quyết những khó khăn hiện thời.

Cũng tương tự như nhận định của các doanh nghiệp, ông Tài cho rằng hiện vẫn chưa có những cách giải quyết triệt để nhất cho vấn đề này. Trước mắt chỉ là những cách thức xoay sở tức thời để giải quyết khó khăn. Khi tình hình tỷ giá không ổn định, công ty phải cân đối chặt chẽ hơn nữa nguồn cung, những bộ phận cấu thành giá của tour, cũng như đàm phán với các đối tác nước ngoài về giá để đảm bảo vẫn kiểm soát được tình hình kinh doanh trong giai đoạn khó khăn.

Vào tuần trước, trong cuộc họp tổng kết tình hình kinh tế xã hội TPHCM sáu tháng đầu năm, bà Đổng Thị Kim Vui, Giám đốc Sở Du lịch TPHCM cũng có đề cập đến việc đồng đô la Mỹ tăng giá so với tiền đồng và thiếu đô la trong thanh toán gây khó khăn cho doanh nghiệp. Sở cũng đề nghị thành phố có biện pháp tháo gỡ.

Tuy nhiên, theo như ông Phục, Giám đốc Viettours, trong lúc này công ty ông chỉ cần ngân hàng niêm yết chính thức cả tỷ giá lẫn những phụ phí khi khách hàng mua đô la. Như thế, doanh nghiệp mới có căn cứ để đàm phán với khách hàng. “Khách cứ nói tại sao ngân hàng bán đô la giá thấp mà doanh nghiệp lại tính giá cao. Nếu không có công bố chính thức thì khách không chấp nhận”, ông nói.

ĐÀO LOAN

Mời bạn đọc đón xem trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn (ấn bản in, số 27-2008), sẽ phát hành sáng thứ Năm (26-6-2008):

Sự kiện & Vấn đề: Cần xóa chênh lệch tỷ giá

Hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn vì chế độ hai tỷ giá, trong đó tỷ giá chính thức giữa tiền đồng và đô la Mỹ đang thấp hơn tỷ giá trên thị trường tự do khá lớn. Thay vì mua thẳng đô la theo đúng giá niêm yết, ngân hàng lại bắt doanh nghiệp chuyển đổi lòng vòng sang mua euro theo một tỷ giá do ngân hàng tự ấn định rồi mới chuyển sang tiền đô la.

Trong thực tế, đã hình thành hai tỷ giá, một tỷ giá chính thức mà công dân và doanh nghiệp không hề được hưởng và một tỷ giá thị trường tự do biến động nhiều mà những công dân có nhu cầu chính đáng cũng như doanh nghiệp đều phải chấp nhận. Chênh lệch tỷ giá như thế cũng đang là khe hở cho nhiều người lợi dụng.

Chuyên mục Sự kiện & Vấn đề của Thời báo Kinh tế Sài Gòn sẽ tập trung vào vấn đề nói trên với các bài:

– Doanh nghiệp khổ vì tỷ giá – Nguyên Tấn

– Tỷ giá xuống, lãi suất lên – Hải Lý

– Tuyên bố nên đi kèm biện pháp công khai – Lê Đăng Doanh

– Đừng để chính sách bị lợi dụng – Nguyễn Vạn Phú

Mời bạn đọc đón xem.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới