Thứ Năm, 18/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp “mất” tiền tỉ vì hạ tầng kém ở ĐBSCL

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Doanh nghiệp “mất” tiền tỉ vì hạ tầng kém ở ĐBSCL

Trung Chánh

(TBKTSG Online) – Hạn chế hạ tầng logistics ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chẳng những tạo ra gánh nặng lớn về gia tăng chi phí cho doanh nghiệp xuất khẩu hàng nông, thủy sản ở khu vực này, mà còn khiến sản phẩm khó cạnh tranh so với đối thủ.

Vận tải thủy đang “mắc cạn”

Vận tải đa phương thức: Lối thoát giảm chi phí logistic ở Việt Nam

Trao đổi với báo chí bên lề hội thảo “Tăng cường tính kết nối nhằm cải thiện chuỗi giá trị hàng nông sản và thủy sản của ĐBSCL” được tổ chức vào hôm nay, 23-4, ở thành phố Cần Thơ, PGS-TS Hồ Thị Thu Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển logistics Việt Nam (VLI) cho biết, ĐBSCL là khu vực có nhiều ưu thế về tự nhiên trong phát triển logistics, đặc biệt, đường thủy nội địa có thể coi là lớn nhất cả nước.

Tuy nhiên, theo đánh giá của bà, khu vực này hiện còn rất nhiều hạn chế về phát triển logistics, nhất là thiếu hạ tầng kết nối trực tiếp từ ĐBSCL đi các tuyến trên thế giới như châu Âu, Mỹ hoặc nội Á.

“Phần lớn hàng hóa của ĐBSCL được vận chuyển bằng đường bộ hoặc thủy lên cụm cảng Cái Mép – Thị Vải hoặc Cát Lái để xuất khẩu”, bà dẫn chứng.

Theo bà Hòa, việc hàng hóa khu vực ĐBSCL buộc phải đưa lên TPHCM có ảnh hưởng không ít đến chuỗi giá trị và chất lượng hàng hóa khi đưa ra thị trường, đặc biệt, khi hàng khu vực ĐBSCL là nông, thủy sản.

Ngoài hạ tầng giao thông, cũng theo bà Hòa, ĐBSCL cũng thiếu dịch vụ logistics, mà cụ thể ở đây là kho lạnh. “Trong thống kê của chúng tôi, khu vực này chỉ có 6 kho lạnh, trong đó, 4 kho ở Long An, 2 kho còn lại ở Cần Thơ và Hậu Giang”, bà dẫn chứng và cho biết trong khi đó khu vực này có hàng trăm nhà máy sản xuất nông thủy sản.

“Điều đó, dẫn đến doanh nghiệp sau khi sản xuất xong hoặc là vận chuyển lên TPHCM để lưu trữ trước khi xuất khẩu ra nước ngoài hoặc là họ chỉ có thể bảo quản trong kho của doanh nghiệp”, bà cho biết và thông tin, kho của doanh nghiệp thì thiếu hạ tầng lạnh dẫn đến hao hụt sau thu hoạch lên đến 20-40%. “Điều đó làm ảnh hưởng đến giá trị thu được cho toàn vùng”, bà cho biết.

Ông Chu Văn An, Phó tổng giám đốc thường trực Tập đoàn Thủy sản Minh Phú – doanh nghiệp xuất khẩu tôm đông lạnh lớn nhất thế giới hiện nay – cho biết, mỗi năm đơn vị này đóng khoảng 6.700-7.000 container tôm xuất khẩu với kim ngạch đạt 750-850 triệu đô la Mỹ/năm. “Những con số đó chứng tỏ chúng tôi sản xuất lượng hàng thủy sản xuất khẩu tương đối lớn và doanh nghiệp chúng tôi đứng đầu thế giới về xuất khẩu tôm đông lạnh”, ông cho biết.

“Đứng ở góc độ doanh nghiệp, vấn đề chúng tôi quan tâm là gì?”, ông An nêu câu hỏi và cho biết đó là giá thành.

Theo ông An, ĐBSCL có lợi thế đường sông, nhưng con tôm đi đường sông là “thua” vì hiện nay đi đường sông phải mất 30 giờ mới lên đến TPHCM. “Đường sông khổ một nỗi nữa là chạy container lạnh bằng máy diezel (dầu), mà nếu chúng ta không đủ container, thì chi phí rất cao, cao hơn cả đường bộ”, ông dẫn chứng và giải thích đơn vị này hiện phải đóng container đi bằng đường bộ lên TPHCM.

“Từ Cà Mau lên TPHCM chúng tôi mất 11 triệu đồng/container và từ Hậu Giang đi TPHCM mất 7 triệu đồng/container. Như vậy, với 6.700- 7.000 container/năm, thì chi phí logistics riêng vận chuyển hàng hóa là hơn 60 tỉ đồng”, ông cho biết.

Theo ông An, nếu có dịch vụ logistics hợp lý hơn, tức hàng hóa có thể xuất khẩu trực tiếp từ ĐBSCL, không phải đưa lên TPHCM, thì doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được một khoản chi phí rất lớn, khoảng 30-40%. “Khi đó, sản phẩm sẽ gia tăng được tính cạnh tranh hơn”, ông cho biết.

Về bài toán logistics của ĐBSCL, bà Hòa cho biết, từ năm 2015, Chính phủ đã ban hành Quy hoạch các trung tâm logistics cả nước, trong đó, ĐBSCL có 2 trung tâm hạng 2. “Nhưng, cho đến nay, sau 4 năm chúng ta vẫn chưa có trung tâm logistics nào ở khu vực này”, bà cho biết.

Theo bà, các địa phương khu vực ĐBSCL, nhất là thành phố Cần Thơ cần có quyết tâm hơn trong việc hình thành một trung tâm logistics của vùng. “Tuy nhiên, không vì vội vàng mà không có nghiên cứu khả thi”, bà nhấn mạnh và cho rằng cần có nghiên cứu, đánh giá nhu cầu sử dụng logistics ở khu vực này ở từng mặt hàng cần những dịch vụ cụ thể nào để khi xây dựng trung tâm logistics phù hợp với đặc trưng, nhu cầu những mặt hàng của các địa phương, tránh xây dựng lãng phí mà không đáp ứng được nhu cầu.

Trong bối cảnh luồng Quan Chánh Bố kết nối vào cảng Cái Cui (Cần Thơ) không đáp ứng được nhu cầu vận tải biển, ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công Thương Cần Thơ đề xuất, cần có giải pháp khơi thông luồng Định An để giúp đưa hàng hóa từ ĐBSCL trực tiếp đi ra thế giới, thay vì lên TPHCM như hiện nay.

Mời xem thêm:

Logistics cho ĐBSCL: Mấu chốt không chỉ ở Quan Chánh Bố

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới