Thứ Ba, 19/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp mong Chính phủ sớm có chương trình tổng thể phục hồi kinh tế

Vân Phong

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Các doanh nghiệp kỳ vọng Chính phủ sớm có chương trình tổng thể phục hồi kinh tế để các địa phương, ngành nghề và doanh nghiệp xây dựng phương án phục hồi của mình.

Mong muốn này được một số doanh nghiệp gửi tới Thủ tướng Phạm Minh Chính tại buổi gặp mặt doanh nhân nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam diễn ra sáng 12-10. Đây là lần thứ hai người đứng đầu Chính phủ đối thoại với doanh nghiệp trong gần 1 tháng qua, sau khi Chính phủ quyết định chuyển trạng thái từ “zero Covid” sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19”.

Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI, phát biểu tại buổi gặp mặt. Ảnh: Nhật Bắc.

Chia sẻ tại buổi gặp mặt, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết dịch Covid-19 đang gây khó khăn lớn cho hoạt động của các doanh nghiệp. Nhưng những chỉ đạo của Thủ tướng, chính sách của Chính phủ và giải pháp của các bộ, ngành đã giúp các doanh nghiệp đang khó khăn cảm nhận được quyết tâm, nỗ lực của Chính phủ.

Theo ông Công, quá trình phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong điều kiện bình thường mới chắc chắn sẽ mất nhiều năm. Vì vậy, các doanh nghiệp cần cơ chế, chính sách hỗ trợ ổn định và có thời hạn phù hợp. Cụ thể, Chính phủ cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch, bình đẳng. Đồng thời, nâng cao trách nhiệm giải trình, đối thoại của các cơ quan Nhà nước để tạo thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp.

Cộng đồng doanh nghiệp cũng kỳ vọng sẽ sớm có chương trình tổng thể phục hồi kinh tế được thiết kế khoa học, sát với nhu cầu, điều kiện của các doanh nghiệp và có tính khả thi cao. “Đây là cơ sở để các địa phương, các ngành và các doanh nghiệp xây dựng phương án phục hồi của mình”, ông Công cho biết.

Cũng theo ông Công, cộng đồng doanh nghiệp và các doanh nhân mong muốn được đóng góp trí tuệ vào chương trình phục hồi tổng thể cấp quốc gia, cũng như ở các ngành, địa phương.

Tương tự, ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch Tập đoàn CMC, đề xuất Chính phủ cần nhanh chóng khôi phục hoạt động kinh tế – xã hội theo tinh thần bình thường mới để hoạt động nhanh nhất có thể, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn. “Làm nhanh thì chúng ta sẽ chiến thắng nhờ chớp được cơ hội”, ông Chính lý giải.

Còn ông Lê Vĩnh Sơn, Chủ tịch Tập đoàn Sơn Hà, kiến nghị Chính phủ thực hiện ngay giải pháp phù hợp trên quy mô lớn trong trung và dài hạn với 4 mục tiêu gồm: tạo điều kiện để nền kinh tế phục hồi nhanh chóng; hỗ trợ hoạt động của doanh nghiệp nhằm ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng mất thanh khoản, phá sản, giải thể; thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế phù hợp với những thay đổi trên thế giới sau đại dịch; kích thích tiêu dùng trong nước, đảm bảo an sinh xã hội. “Chính phủ cần ổn định chính sách tài khoá, hỗ trợ doanh nghiệp có đủ vốn vượt qua khó khăn. Ngoài ra, cần nới lỏng điều kiện để doanh nghiệp được hỗ trợ bằng tiền thông qua gói tín dụng, phục hồi sau đại dịch”, ông Sơn đề xuất.

Ông Sơn cũng mong muốn Chính phủ có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm thị trường mới nhằm tránh phụ thuộc vào một thị trường. Bên cạnh đó, cần đào tạo lại lực lượng lao động, tăng cường kỹ năng để lực lượng lao động đáp ứng được yêu cầu trong quá trình cơ cấu lại nền kinh tế.

Ông cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam điều hành lãi suất linh hoạt, chỉ đạo các ngân hàng thương mại cơ cấu lại thời hạn trả nợ, hoãn, giảm lãi suất với doanh nghiệp làm ăn thua lỗ. “Chênh lệch giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay không quá 2,5%”, ông Sơn kiến nghị.

 

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại buổi gặp mặt. Ảnh: Nhật Bắc.

Phản hồi kiến nghị của doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Hồng – Thống đốc NHNN – cho biết, hệ thống ngân hàng sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân. Nhưng để đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, các doanh nghiệp cần chia sẻ với cơ quan điều hành chính sách trong quá trình này. “Mong các doanh nghiệp chia sẻ, ngân hàng cũng là doanh nghiệp, khi doanh nghiệp ngân hàng đổ vỡ thì khó khăn còn lớn hơn”, bà Hồng nói.

Tương tự, ông Trần Xuân Hà – Thứ trưởng Bộ Tài chính – cho biết bộ sẽ cùng NHNN nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng xem xét cơ chế lãi suất với doanh nghiệp vay vốn ngân hàng để giúp doanh nghiệp có nguồn lực đẩy mạnh sản xuất – kinh doanh. Ngoài ra, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục tiếp thu ý kiến của các doanh nghiệp và doanh nhân để tham mưu cho Thủ tướng các chính sách ưu đãi thuế phí, để bảo đảm doanh nghiệp có nguồn lực hỗ trợ sản xuất – kinh doanh.

Bên cạnh đó, bộ tiếp tục bố trí nguồn lực tiêm chủng vaccine mở rộng và giải pháp phòng, chống dịch, hỗ trợ vùng dịch.

Về giải pháp ngắn hạn, ông Hà cho rằng có hai nội dung. Thứ nhất, bảo đảm sự thông suốt của chuỗi sản xuất và cung ứng. Theo đó, khuyến khích tiêu dùng nội địa trong nước cũng là chính sách cần thiết trong bối cảnh hiện nay, bên cạnh các giải pháp về nguồn cung, xuất khẩu. Thứ hai, đảm bảo dòng tiền không bị đứt gãy. “Dòng tiền này có mối liên hệ giữa chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ”, ông Hà cho biết.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi gặp mặt. Ảnh: Nhật Bắc.

Phát biểu tại buổi gặp mặt, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng yếu tố quan trọng nhất trong thời gian tới là phải kiểm soát được dịch bệnh để phát triển kinh tế – xã hội.

Theo đó, ông đã nêu 3 trụ cột quan trọng. Thứ nhất, giãn cách, cách ly phải nhanh nhất, chặt chẽ nhất để phòng chống dịch. Thứ hai, xét nghiệm phải thần tốc, khoa học, an toàn và hiệu quả, tốc độ xét nghiệm phải nhanh hơn tốc độ lây lan. Thứ ba, điều trị phải nhanh nhất, sớm nhất, ngay tận cơ sở.

Ngoài ra, cần tiếp tục thực hiện chiến lược “5K + Vaccine”. “Vừa qua công nghệ đã giúp chúng ta đảm bảo an toàn, nhưng phải cộng với sự nâng cao trách nhiệm, ý thức của người dân để dần dần có những “bài” chiến đấu với dịch bệnh và tự tin mở cửa nền kinh tế”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Về nhập khẩu và tiêm chủng vaccine phòng Covid-19, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Chính phủ đang tiếp xúc với nhiều cộng đồng doanh nghiệp thuộc các khu vực châu Âu, châu Á và Mỹ để tiếp tục nhập khẩu vaccine. Đồng thời, tiến hành nghiên cứu sản xuất vaccine trong nước. “Chính phủ cũng đưa ra kế hoạch chậm nhất trong quý 4 năm nay, độ bao phủ vaccine với các đối tượng ưu tiên sẽ hoàn thành”, ông nói.

Về lộ trình mở cửa nền kinh tế, Thủ tướng cho biết các bộ, ngành đã và đang thông suốt, nhưng cần phải có lộ trình mở cửa an toàn. “Không thể nào chủ quan, lơ là, mất cảnh giác khi dịch bệnh bùng lại thì sẽ càng khó khăn hơn. Vì vậy các bước đi phải thận trọng, càng khó khăn càng phải tỉnh táo”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Về cải cách thủ tục hành chính, vốn, đất đai, hạ tầng, tiết giảm chi phí cho nhân dân, Thủ tướng cho biết Chính phủ đang cố gắng thực hiện và tháo gỡ thể chế, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu một số chính sách để phục hồi các lĩnh vực về du lịch, thương mại, dịch vụ.

Cũng tại buổi gặp mặt, ông yêu cầu các bộ, ngành và cơ quan liên quan tiếp tục rà soát các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp gồm: kích cầu tiêu dùng; đầu tư; hỗ trợ chuỗi cung ứng; hỗ trợ tiếp cận tín dụng, giảm lãi suất.

 

 

1 BÌNH LUẬN

  1. Chính sách hỗ trợ sẽ không đi vào cuộc sống nếu nó chỉ đến từ một phía. Bổn phận nhà nước là tạo ra khuôn khổ để doanh nghiệp nỗ lực vượt qua khó khăn chứ không phải là thay mặt doanh nghiệp để giải quyết khó khăn. Ngược lại, doanh nghiệp cũng phải hiểu được rằng khó khăn của nhà nước là vô cùng lớn so với khó khăn của chính mình. Doanh nghiệp phải tự quyết định mọi thứ, không than nghèo kể khổ, tự biết cách sống sót và phát triển, hoặc có chiến lược rút lui khỏi thị trường cho phù hợp. Rốt cuộc, chính sách hỗ trợ cho dù có được thiết kế tốt như thế nào, hoặc nếu không đạt yêu cầu thì cũng là chuyện bình thường thôi. Không nên kỳ vọng quá nhiều.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới