Doanh nghiệp muốn tăng giờ làm thêm cho người lao động
Văn Nam
![]() |
Hội nghị đối thoại sáng nay – Ảnh: Văn Nam |
(TBKTSG Online) – Đề nghị tăng số giờ làm thêm hàng năm cho người lao động là một trong những thắc mắc được đại diện doanh nghiệp nêu ra tại buổi đối thoại giữa doanh nghiệp và chính quyền TPHCM sáng nay (26-4).
Hội nghị đối thoại nói trên tập trung vào các lĩnh vực lao động tiền lương, việc làm, an toàn lao động, giáo dục nghề nghiệp do Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TPHCM (ITPC) và Sở Lao động Thương binh và Xã hội TPHCM tổ chức.
Tại hội nghị, đại diện một doanh nghiệp nêu vấn đề tại nhiều nước trên thế giới quy định thời gian làm thêm mỗi năm của người lao động lên đến gần 1.000 giờ nhưng Việt Nam chỉ quy định tối đa 300 giờ mỗi năm là chưa phù hợp đối với một số lĩnh vực sản xuất đặc thù nên cần thiết xem xét tăng giờ làm thêm.
Sở Lao động, Thương binh và Xã hội giải thích, hiện TPHCM đang kiến nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về nội dung kiến nghị tăng thời gian làm thêm hàng năm đối với người lao động và đang chờ quyết định cuối cùng của trung ương về nội dung này.
Như TBKTSG Online đã thông tin vào tháng 12-2016, do nhiều doanh nghiệp phản ánh quy định giới hạn tối đa giờ làm thêm đã gây khó cho họ trong việc đáp ứng đơn hàng, giảm tính cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập quốc tế, nên dự thảo sửa đổi Bộ luật Lao động 2012 đã quy định theo hướng tăng gấp đôi hoặc không giới hạn trần giờ làm thêm cho doanh nghiệp.
Điều 106 của Bộ luật Lao động hiện hành quy định số giờ làm thêm tối đa của người lao động là không quá 30 giờ/tháng và 1 năm không quá 200 giờ, trường hợp đặc biệt không quá 300 giờ.
Song, thực tiễn khi thực hiện quy định này trong thời gian vừa qua, rất nhiều ý kiến đề nghị cần tăng thời gian làm thêm tối đa để đáp ứng nhu cầu sản xuất của đa số doanh nghiệp. Hơn nữa, tăng giờ làm thêm còn đáp ứng nhu cầu của một bộ phận không nhỏ người lao động có nguyện vọng làm thêm để tăng thu nhập.
Theo đó, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề xuất hai phương án tăng giờ làm thêm. Với phương án thứ nhất, số giờ làm thêm sẽ tăng gấp đôi so với quy định hiện nay. Theo đó, số giờ làm thêm và số giờ làm việc bình thường của người lao động không quá 12 giờ trong 1 ngày và không quá 5 ngày liên tục cho mỗi đợt làm thêm giờ; tuy nhiên, tổng số giờ làm thêm của người lao động không được vượt quá 600 giờ trong 1 năm. Phương án thứ 2, số giờ làm thêm và số giờ làm việc bình thường của người lao động không quá 12 giờ trong 1 ngày và không quá 5 ngày liên tục cho mỗi đợt làm thêm giờ và không giới hạn tổng số giờ làm việc trong 1 năm như phương án 1.
Tại hội nghị sáng nay, đại diện Công ty TNHH Hùng Việt nêu thắc mắc trong công ty có một số người làm việc ngồi nhiều nên bị xương khớp, vậy có được tính là bệnh nghề nghiệp hay không?
Đại diện Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, hiện nay theo quy định bệnh nghề nghiệp sẽ căn cứ vào điều kiện làm việc là người lao động phải làm việc trong điều kiện độc hại và nằm trong danh mục ngành nghề nặng nhọc, độc hại. Theo đó, Việt Nam có 30 trường hợp lao động được xét là lao động bệnh nghề nghiệp để người lao động trang bị bảo hộ lao động, hưởng chế độ bồi dưỡng thiệt hại ngành nghề độc hại.
Còn đại diện Công ty TNHH MTV Dệt kim Phương Đông nêu vấn đề đối với những trường hợp người lao động nữ đang mang thai, trong thời kỳ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi được công ty bố trí công việc khác nhưng người lao động không đồng ý thì phải xử lý thế nào?
Trả lời vấn đề này, đại diện Sở Lao động, Thương binh và Xã hội nói, theo Bộ luật Lao động, người sử dụng lao động không được sử dụng lao động nữ làm việc ban đêm, làm thêm giờ và đi công tác xa trong các trường hợp sau: mang thai từ tháng thứ 7 hoặc tháng thứ 6 nếu làm việc ở vùng cao, vùng xa, biên giới, hải đảo; đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi …
Cũng theo quy định thì người sử dụng lao động không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với lao động nữ vì lý do kết hôn, mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp người sử dụng lao động là cá nhân chết, bị tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích. Lao động nữ trong thời gian hành kinh được nghỉ mỗi ngày 30 phút; trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc, thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động.
Xem thêm: