Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp Mỹ không muốn “bỏ hết trứng vào một giỏ” ở Trung Quốc

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Doanh nghiệp Mỹ không muốn “bỏ hết trứng vào một giỏ” ở Trung Quốc

Chánh Tài

(TBKTSG Online) – Các đòn thuế leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc đang gia tăng sức ép đối với các công ty Mỹ gia công hàng hóa ở Trung Quốc, buộc họ phải cân nhắc di dời toàn bộ và một phần dây chuyền sản xuất khỏi công xưởng của thế giới.

Tại cuộc gặp gỡ cử tri ở bang Pennsylvania hôm 20-5, Tổng thống Donald Trump gợi ý một giải pháp cho các các doanh nghiệp Mỹ vốn đang lo sợ đàm phàn thương mại Mỹ-Trung sụp đổ, dẫn đến các đòn thuế leo thang, đẩy tăng gánh nặng chi phí gia công sản phẩm của họ tại Trung Quốc.

“Một giải pháp đơn giản cho bất kỳ công ty Mỹ nào không muốn hứng các đòn thuế là hãy sản xuất sản phẩm của các bạn tại Mỹ, hãy đưa các nhà máy của bạn (từ Trung Quốc) trở về Pennsylvania", ông nói.

Trong những tuần gần đây, ông nhiều lần thúc giục các công ty Mỹ rời bỏ Trung Quốc và đưa hoạt động sản xuất trở về Mỹ hoặc chuyển sang gia công ở các nước thứ ba như Việt Nam khi các hy vọng về một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc đang lịm dần. Song nhiều công ty Mỹ hiểu rằng cắt dứt nhanh chóng các mối quan hệ kinh doanh của họ ở Trung Quốc không đơn giản như Nhà Trắng nghĩ.

Doanh nghiệp Mỹ không muốn “bỏ hết trứng vào một giỏ” ở Trung Quốc
Tại cuộc gặp gỡ cử tri ở bang Pennsylvania hôm 20-5, Tổng thống Donald Trump kêu gọi các công ty Mỹ rút hoạt động sản xuất từ Trung Quốc về Mỹ. Ảnh: Getty

“Lý do chúng tôi có mặt ở Trung Quốc là vì nước này có nguồn nhân công khổng lồ và ngày nay, tất cả các nhà cung cấp nguyên liệu thô cũng như các hoạt động công nghiệp phụ trợ khác đều nằm ở Trung Quốc”, Mike Jeppesen, Chủ tịch bộ phận hoạt động toàn cầu của công ty giày dép Wolverine Worldwide, có trụ sở ở bang Michigan, nói.

Song trên thực tế, các công ty Mỹ đang dần giảm bớt sự phụ thuộc của họ vào hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trong những năm gần đây khi chi phí sản xuất ở nước này, từ nhân công và vận chuyển, đều tăng so với các nước láng giềng châu Á. Cách đây một thập kỷ, các công ty giày dép Mỹ từng nhập khẩu hơn 90% sản phẩm từ Trung Quốc nhưng con số này hiện nay đã giảm về 69%.

Giờ đây, họ buộc phải suy tính một sự thay đổi lớn hơn nhiều để tránh gánh nặng thuế khổng lồ, buộc họ phải tăng giá bán sản phẩm hoặc phải cắt giảm nhân sự trong trường hợp xấu nhất.

Phát biểu tại cuộc điều trần ở Ủy ban Dịch vụ Tài chính của Hạ viện Mỹ hôm 22-5, Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin cho rằng nỗi lo chi phí giá cả hàng hóa ở Mỹ tăng cao vì cuộc chiến thuế đã bị thổi phồng. Ông cho rằng nếu Mỹ áp thuế 25% với hơn 300 tỉ đô la hàng hóa Trung Quốc nữa, rất nhiều doanh nghiệp Mỹ sẽ di dời khỏi Trung Quốc để đến gia công ở các nơi khác trong khu vực, do vậy, giá cả hàng hóa ở Mỹ sẽ không bị ảnh hưởng nhiều. Thậm chí, ông cho biết chính phủ sẽ miễn trừ áp thuế cho những mặt hàng không thể gia công bên ngoài Trung Quốc.

Harley Seyedin, Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ ở khu vực miền Nam Trung Quốc (AmCham South China), cho biết cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đang thúc bách các lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ thực hiện nhanh các kế hoạch di dời hoạt động sản xuất khỏi Trung Quốc.

“Giờ đây, họ hiểu rằng họ thực sự không thể bỏ tất cả trứng vào một giỏ”, Seyedin nói khi ám chỉ đến các rủi ro khi các doanh nghiệp Mỹ phụ thuộc hoàn toàn vào Trung Quốc trong hoạt động gia công sản phẩm.

Trong những ngày gần đây, nhiều công ty Mỹ bao gồm hai hãng thời trang Ralph Lauren và Xcel Brands, cho biết họ đã khởi động hoặc thúc đẩy các kế hoạch di dời chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin tại cuộc điều trần ở Ủy ban Dịch vụ Tài chính của Hạ viện Mỹ hôm 22-5. Ảnh: Getty

Bronwyn Flores, chuyên gia truyền thông chính sách ở Hiệp hội hàng công nghệ tiêu dùng (Mỹ), nhận định việc tìm kiếm các sự lựa chọn thay thế cho Trung Quốc giờ đây là “một hiện thực” nhưng cũng sẽ rất phức tạp và tốn kém.

Bà cho biết nhiều công ty sản xuất hàng hóa công nghệ Mỹ đã mất nhiều năm trời để gầy dựng mối quan hệ tốt với các nhà cung ứng Trung Quốc, do vậy, nếu rời khỏi Trung Quốc, họ phải tốn chi phí tuyển dụng và đào tạo hàng ngàn công nhân ở nơi mới.

Song một thỏa thuận thương mại, nếu đạt được giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình, có thể không đủ bảo đảm để các công ty Mỹ tiếp tục gia công một lượng hàng hóa khổng lồ ở Trung Quốc.

Susan Lund, Giám đốc nghiên cứu ở Viện McKinsey toàn cầu (MGI), nói rằng thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung sẽ bao gồm các điều khoản cho phép Mỹ áp thuế trở lại nếu Trung Quốc không tuân thủ các cam kết. Bà nói: “Các công ty Mỹ giờ đây hiểu rằng các lời đe dọa áp thuế có lẽ không chỉ để đe dọa vì chúng có thể trở thành hiện thực. Chúng có thể được gỡ bỏ nhưng chúng có thể được áp đặt trở lại”.

Một cuộc khảo sát ý kiến 270 khách hàng doanh nghiệp của công ty nghiên cứu dữ liệu thương mại toàn cầu Panjiva, có trụ sở ở New York, cho thấy 50% khách hàng đã lên kế hoạch di dời hoạt động sản xuất khỏi Trung Quốc ngay cả trước khi cuộc chiến thuế Mỹ-Trung bắt đầu và con số này tăng lên 82% sau khai nước tung các đòn thuế nhằm vào hàng hóa của nhau.

Joshua Green, người sáng lập Panjiva nói: “Họ nhận ra rằng họ quá phụ thuộc vào Trung Quốc và lo lắng về điều đó, vì vậy, họ cố gắng tìm kiếm sự lựa chọn thay thế khác”. Tuy nhiên, bà nhận định “cuốn gói” mọi hoạt động sản xuất khỏi Trung Quốc là không thực tế đối với nhiều công ty Mỹ.

Bà nhấn mạnh dù các công ty Mỹ sẽ giảm sự phụ thuộc vào hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, họ vẫn cần mở rộng hiện diện ở Trung Quốc để bán hàng hóa ngay tại thị trường đông dân nhất thế giới này.

Từ ngày 16 đến 20-5, Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc (AmCham China) và Phòng Thương mại Mỹ tại Thượng Hải (AmCham Shanghai) đã tiến hành cuộc khảo sát chung với gần 250 công ty Mỹ đang hoạt động tại Trung Quốc. Cuộc khảo sát cho thấy có 74,9% công ty Mỹ nói rằng cuộc chiến thuế Mỹ-Trung đang tác động tiêu cực đến hoat động kinh doanh của họ.

Gần 20% cho biết họ cảm nhận các hình thức trả đũa phi thuế quan của Trung Quốc đang gia tăng đối với họ, chẳng hạn bị kiểm tra nhiều hơn, kéo dài thủ tục thông quan hoặc cấp phép chậm hơn… 40,7% nói rằng họ đang cân nhắc hoặc đã di dời một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất khỏi Trung Quốc. Trong số những công ty Mỹ di dời sản xuất khỏi Trung Quốc, có 24,7% chọn điểm đến mới là các nước Đông Nam Á.

Để ứng phó các đòn thuế, 35,3% công ty Mỹ cho biết họ đang gia tăng áp dụng chiến lược “sản xuất tại Trung Quốc để phục vụ thị trường Trung Quốc”, tức tập trung nhiều hơn vào người tiêu dùng Trung Quốc thay vì người tiêu dùng nước ngoài. 33,2% ý kiến khác nói rằng họ trì hoãn hoặc hủy bỏ các quyết định đầu tư cho đến lúc chiến tranh thương mại hạ màn.

Theo Financial Times

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới