Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp Mỹ tại Trung Quốc tiến thoái lưỡng nan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Doanh nghiệp Mỹ tại Trung Quốc tiến thoái lưỡng nan

Song Thanh

(TBKTSG) – Căng thẳng chính trị và thương mại giữa Washington và Bắc Kinh liên tục gia tăng khiến doanh nghiệp Mỹ hoạt động tại Trung Quốc rơi vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”.

Doanh nghiệp Mỹ tại Trung Quốc tiến thoái lưỡng nan
Tổng lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô. Ảnh: SCMP

Bầu không khí hoang mang bao trùm

Kể từ sau khi Trung Quốc đóng cửa lãnh sự quán Mỹ tại Thành Đô hồi cuối tháng 7, ông Benjamin Wang đã nhận được khoảng 20 cuộc điện thoại từ các lãnh đạo hàng đầu của doanh nghiệp Mỹ trong khu vực – “những người không biết chuyện gì đang xảy ra” trong mối quan hệ đang xấu đi giữa hai siêu cường.

Với tư cách là Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ ở khu vực Tây Nam Trung Quốc, đại diện cho quyền lợi của các doanh nghiệp hàng đầu như Intel, Ford, Citibank… ông Wang liên tục phải giải đáp những thắc mắc từ 54 công ty thuộc nhóm Fortune 500 có trụ sở tại khu vực này.

“Vấn đề đầu tiên là căng thẳng leo thang. Sau đó, có những sự bất ổn về các chính sách trong tương lai. Bạn sẽ chẳng bao giờ biết được điều này sẽ dẫn tới đâu. Không ai biết chuyện gì sẽ xảy ra kế tiếp”, ông Wang nói.

Bên cạnh những căng thẳng ngoại giao, việc Mỹ gia tăng sức ép đối với các hãng công nghệ Trung Quốc đang hoạt động tại nước này như Huawei, TikTok hay Tencent càng khiến cho quan hệ Washington – Bắc Kinh trở nên xấu hơn bao giờ hết. Điều này cũng làm dấy lên những lo ngại về việc các công ty Mỹ đang hoạt động tại Trung Quốc phải đối mặt với các biện pháp đáp trả của Bắc Kinh. Cisco, Amazon Web Services, Apple hay Microsoft là những cái tên có khả năng lọt vào tầm ngắm.

Doanh nghiệp Mỹ “tiến thoái lưỡng nan”

Các cuộc khảo sát gần đây cho thấy bất chấp căng thẳng gia tăng, hầu hết các doanh nghiệp Mỹ tại khu vực này đều quyết tâm ở lại Trung Quốc – thị trường khổng lồ với 1,4 tỉ dân.

Giờ đây, mối quan hệ Mỹ – Trung Quốc đang chuyển dần từ mức tồi tệ sang tồi tệ hơn, và căng thẳng được dự báo có thể lên tới đỉnh điểm trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11. Nhiều giám đốc điều hành cảm thấy hoàn toàn bất lực trước cái mà các nhà vận động hành lang gọi là “cơ sở cho một cuộc chiến tranh lạnh mới” đang được cả hai bên theo đuổi. Và nhiều doanh nghiệp Mỹ, vốn luôn ủng hộ quan hệ chặt chẽ với Bắc Kinh, giờ đây đang cảm thấy mình như bị mắc kẹt.

Một số nhà lãnh đạo doanh nghiệp cho biết đang chờ kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ 2020 trôi qua với hy vọng tình trạng hỗn loạn hiện tại sẽ được thay thế bằng một sự ổn định, dễ đoán hơn trong năm 2021. Tuy vậy, ngay tại thời điểm hiện tại, nhiều doanh nghiệp khác đã phải đối mặt với áp lực từ những người mua có trụ sở tại Mỹ trong việc đa dạng hóa nguồn cung khỏi Trung Quốc.

Ông Robert Gwynne, chủ sở hữu hãng giày dép Aramingo Footwear tại Quảng Châu chuyên xuất khẩu sang Mỹ, cho biết ngày càng nhiều khách hàng tìm kiếm các sản phẩm không sản xuất tại Trung Quốc do lo ngại các vấn đề địa chính trị.

“Có hai nhân tố chính dẫn đến tình hình hiện tại, sự bất ổn địa chính trị và tình hình Covid-19 tại Mỹ”, ông Gwynne nói, “Các khách hàng đang thúc đẩy chúng tôi dịch chuyển hoạt động sang các thị trường khác để đa dạng hóa. Đây có vẻ là giải pháp đơn giản nhất, nhưng lại khó thực hiện.

Có rất nhiều điều khoản về tài chính và lòng tin được xây dựng thông qua nhiều năm phát triển chuỗi cung ứng. Khi chuyển sang các thị trường mới, những lợi thế này sẽ bị sụt giảm đáng kể”. Ông Gwynne cũng cho biết thêm rằng việc tách rời hoàn toàn khỏi Trung Quốc là điều bất khả thi nếu xét đến năng lực sản xuất của quốc gia này.

Ông Kent Kedl, đối tác tại công ty tư vấn Control Risks, chia sẻ rằng ngày càng nhiều công ty Mỹ tìm tới ông do lo ngại căng thẳng gia tăng, tuy nhiên, lời khuyên của ông trước sau vẫn như vậy: đừng hoảng loạn.

“Tôi luôn nói với khách hàng rằng bạn không thể vạch ra rủi ro chỉ bằng cách đọc những dòng tít trên báo. Trong lịch sử, luôn có một lớp cách nhiệt giữa địa chính trị và thương mại. Hãy nhìn vào Trung Quốc đại lục và Đài Loan, trong nhiều năm, họ liên tục căng thẳng với nhau trên các phương tiện truyền thông chính thức, nhưng hoạt động thương mại giữa hai bờ eo biển vẫn rất nhộn nhịp”.

Dẫu vậy, giờ đây, với hàng loạt động thái leo thang căng thẳng nhằm vào các hãng công nghệ, kiểm soát xuất khẩu và các quy tắc nghiêm ngặt hạn chế đầu tư từ Trung Quốc vào Mỹ, những lớp cách nhiệt đó dường như đang dần bị bóc tách. Chính phủ Mỹ hồi giữa tháng 7 thậm chí đã phải cảnh báo các công dân của mình về “nguy cơ cao bị giam giữ” tại Trung Quốc.

“Đột nhiên, địa chính trị có ảnh hưởng đến thương mại và thậm chí còn tác động tới cả hoạt động của các doanh nghiệp. Điều này buộc các công ty phải tự đặt câu hỏi: tôi có cần phải lo lắng vì những gì mà Tổng thống Donald Trump nói hay không?”, Kedl chia sẻ. 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới