Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp nhà nước có thể được xóa nợ thuế

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Doanh nghiệp nhà nước có thể được xóa nợ thuế

Minh Tâm

Doanh nghiệp nhà nước có thể được xóa nợ thuế
Doanh nghiệp nhà nước có thể được xóa nợ thuế. Ảnh: TL.

(TBKTSG Online) – Doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hóa, giải thể, chuyển đổi sở hữu còn nợ đọng thuế có thể được xóa nợ, theo đề xuất của Bộ Tài chính và đang được Thủ tướng Chính phủ xem xét.

Theo đề xuất này, số tiền được xóa nợ là tiền của các loại thuế như môn bài, thuế doanh thu, thuế giá trị gia tăng (VAT), thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, thuế nhà đất, thuế lợi tức, thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao, thuế tài nguyên, thuế sử dụng đất nông nghiệp, thuế chuyển quyền sử dụng đất, thu về sử dụng vốn ngân sách nhà nước, khấu hao cơ bản, phí, lệ phí và các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước (trừ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất) và tiền phạt chậm nộp phát sinh trước ngày 1-7-2007 đến nay chưa nộp ngân sách nhà nước.

Chủ trương xóa nợ áp dụng cho đối tượng là doanh nghiệp nhà nước đã giải thể (bao gồm cả tiền nợ thuế, tiền phạt của các chi nhánh, cửa hàng của doanh nghiệp); doanh nghiệp nhà nước đã hoàn thành cổ phần hóa; doanh nghiệp nhà nước đã chuyển đổi sở hữu theo hình thức giao, bán và hộ gia đình, cá nhân.

Trong các loại hình doanh nghiệp nhà nước kể trên còn được phân loại chi tiết như giải thể theo quyết định của UBND tỉnh, thành phố hay của bộ trực thuộc; doanh nghiệp đã hoàn thành việc giao bán và được cấp giấy chứng nhận kinh doanh…

Để được xóa nợ thuế phát sinh từ 1-7-2007 đến nay chưa nộp, các đối tượng trên phải đáp ứng một số điều kiện.

Cụ thể, nếu là hộ gia đình, cá nhân thì đã phải thôi kinh doanh (bao gồm cả hộ gia đình, cá nhân kinh doanh không còn ở nơi đăng ký kinh doanh hoặc hộ gia đình, cá nhân không còn ở nơi cư trú); gặp khó khăn và không thanh toán được nợ thuế.

Doanh nghiệp nhà nước đã giải thể thì phải hạch toán độc lập và đã giải thể theo quyết định của UBND tỉnh, thành phố hoặc của bộ chủ quản trước ngày 1-7-2013.

Trong khi đó, doanh nghiệp cổ phần hóa chỉ được xóa nợ thuế khi khoản tiền thuế, tiền phạt đề nghị xóa chưa được giảm vốn nhà nước có tại doanh nghiệp và có kết quả kinh doanh đến thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp hoặc chính thức chuyển sang công ty cổ phần bị lỗ. Số tiền thuế được xóa tối đa bằng số lỗ luỹ kế đến thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp hoặc đến thời điểm chính thức chuyển sang công ty cổ phần.

Còn với doanh nghiệp nhà nước thực hiện chuyển đổi sở hữu theo hình thức giao, bán thì phải đáp ứng đồng thời các điều kiện gồm: các khoản nợ phải trả (bao gồm cả nợ tiền thuế, tiền phạt) lớn hơn giá trị tài sản của doanh nghiệp hoặc lớn hơn số tiền thu về bán doanh nghiệp; kết quả kinh doanh đến thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp giao, bán bị lỗ; khoản tiền thuế, tiền phạt đề nghị xóa nợ chưa đưa vào xác định giá trị doanh nghiệp để giao, bán. Số nợ thuế được xóa tối đa bằng số lỗ luỹ kế đến thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp để giao, bán.

Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm xem xét xóa nợ đối với trường hợp hộ gia đình, cá nhân và doanh nghiệp nhà nước giải thể theo quyết định của địa phương.

Các đối tượng còn lại thuộc quyền xem xét của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Dự thảo của đề xuất xóa nợ thuế này đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến góp ý.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới